Việc sáp nhập Crimea không chỉ đem lại tương lai cho Hạm đội Biển Đen mà còn là cơ hội giúp Nga giành được ảnh hưởng đáng kể tại Địa Trung Hải, tờ Defense News của Mỹ nhận định.
Các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh rian. |
Theo Defense News, khi Crimea là một phần của Ukraine, quy mô của Hạm đội Biển Đen đã bị hạn chế với những chiếc tàu ngầm cũ. "Tính đến năm 2010, Hạm đội Biển Đen không được bổ sung thêm tàu mới trong vòng 25 năm và có nguy cơ vào bảo tàng", Mikhail Barabanov, một chuyên gia của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow cho biết.
Theo ông, Ukraine liên tục cố gắng ép ra quân Nga rời Sevastopol hoặc giảm thiểu sự hiện diện của họ. Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Bộ Quốc phòng Nga đang lên kế hoạch trẻ hóa Hạm đội Biển Đen bằng cách bổ sung thêm 4 tàu ngầm động cơ diesel-điện, 6 tàu khu trục, 6 tàu tuần tra và ít nhất là 9 chiếc tàu hộ tống.
Đến năm 2020, Hạm đội Biển Đen dự kiến sẽ được bổ sung tới 30 chiếc tàu chiến để phục vụ không chỉ các nhiệm vụ tuần tra Biển Đen mà còn các hoạt động khác ở Địa Trung Hải.
"Cuộc nội chiến tại Syria, các cuộc xung đột Israel-Palestine, cuộc chiến chống lại phong trào Hồi giáo cực đoan trong khu vực hiện là các mối quan tâm chiến lược của Nga. Thông qua việc tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân, Nga có thể tìm thấy một cách gây ảnh hưởng đến tình hình trong khu vực", chuyên gia người Mỹ Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm phân tích Hải quân CNA cho biết thêm.
"Nó cũng giúp gửi đi tín hiệu đến các nước khác trong khu vực rằng Nga đã lấy lại vị thế toàn cầu của mình và góp phần thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga với Ai Cập và Algeria", ông Gorenburg nói./.