Dân bản thường hay ví von Cò Cài là "bản mồ côi". Nơi đây không đường giao thông, không điện lưới... Nhưng thứ khiến người giáo viên "thèm" nhất chính là sóng điện thoại.
Thầy cô thường hay nói đùa với nhau rằng, chốn thâm sơn cùng cốc này, giáo viên cắm bản nếu phải nhịn cơm mà có sóng điện thoại thì cũng chấp nhận...
Làm nhà ở cho... điện thoại
Chúng tôi rời bản Cá Ráng khi những tia nắng cuối ngày dần bị hút về phía đại ngàn. Hai con “ngựa sắt” lấm lem bùn đất, phụt khói đen ngòm tiếp tục gầm gào vượt núi trên chặng đường về điểm trường chính.
Cánh phóng viên mắt căng như dây đàn vừa đi vừa dò đường về bản Cò Cài. Vất vả nhất là đi qua những đoạn đường dốc vừa bị sạt lở nhẹ vì trận mưa đêm qua. Chúng tôi - ai nấy đều phải huy động tối đa miệng, mũi và tai để thở.
Đến bến đò Sông Mã, thầy Minh dừng xe, nhắc khéo
Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn |
anh em phóng viên liên lạc với người thân trước khi về điểm trường chính:
“Chỉ có điểm này mới hứng được "sóng lạc" của mạng Viettel. Các chú có gọi điện thì tranh thủ đi. Về bản là chịu chết đấy!”.
Ông bạn đồng hành hớt hãi chạy tới gò đất cao nhất của bến đò, tay cầm điện thoại, mắt chăm chú bấm lia lịa trên màn hình, gọi cho vợ, hỏi thăm tình hình đứa nhỏ đang bị ốm ở nhà sau hai ngày “tịt” sóng.
Được một lát, ông bạn nhìn tôi rồi thở phào nhẹ nhõm. Tôi đoán mọi chuyện vẫn bình an vô sự với gia đình anh.
Phía kế bên, thầy Minh cũng vừa dứt cuộc điện thoại về dưới xuôi: “Trên Cò Cài chưa bao giờ có sóng điện thoại, cho nên muốn gọi về nhà thì phải vượt 7km đường rừng, từ điểm trường chính tới gần bến đò sông Mã mới có "sóng lạc".
Điện thoại I phone mà đem lên đây thì cũng chỉ có chức năng... xem giờ".
Có "sóng lạc", nhưng không phải khi nào giáo viên cũng có điều kiện gọi điện về xuôi: "Hầu hết thời gian trong ngày thầy cô giáo đều tập trung vào việc dạy học và sinh hoạt chuyên môn.
Buổi tối, đường Cò Cài lại càng khó đi nên giáo viên cũng đành chịu. Chỉ khi có công việc hoặc ra huyện họp, giáo viên mới tranh thủ được vài phút để gọi điện về nhà”, thầy Minh nói
Cả tháng nay, thầy Minh chưa có dịp về nhà vì bận công việc. Muốn nghe tiếng vợ con cho đỡ nhớ nhà, các thầy chỉ còn cách mở điện thoại, xem lại những đoạn video ghi lại cảnh sinh hoạt gia đình còn lưu lại trong máy.
“Ngày trước không có sóng điện thoại, nên ai nếu muốn báo tin cho gia đình thì phải gửi thư.
Lá thư từ dưới xuôi lên tới bản ít nhất cũng mất một tháng vì đường khó đi.
Lúc bà xã sinh con, được gần nửa tháng mình mới biết tin. Cũng may trời phù hộ nên mẹ tròn con vuông”, thầy Minh tâm sự.
Những chiếc điện thoại được dể nghiêm ngắn trong hộc luồng để hứng sóng và có người túc trực thường xuyên. Ảnh: Hữu Chí. |
Rồi những câu chuyện dởi khóc dở cười cũng xuất phát từ việc “đói” sóng điện thoại mà ra.
Trong suy nghĩ, tôi dần nhớ lại câu chuyện cô Trần Kim Quế kể lại lúc sáng.
Cách đây không lâu, cô Quế khi nhận được tin báo bố ở dưới quê ốm nặng. Khi đó, cô linh tính có chuyện chẳng lành đến với người cha thân sinh ra mình.
Đứa em chạy xe máy hộc tốc từ thành phố lên tới huyện Quan Hóa thì gặp cô, nhưng kiên quyết không để người phụ nữ cầm lái vì sợ cô mất bình tĩnh.
Về tới nhà, cô mới hay tin bố mất mà chẳng được nghe bố trăn trối nửa lời. Điện thoại cô Quế cầm trên tay khi đó báo hàng trăm cuộc gọi nhỡ từ người thân.
Từ lúc nhận được tin bố mất cho tới khi về đến nhà thì gia đình cô đã lo xong hậu sự cho bố được 3 ngày: “Lỗi lớn nhất của đứa con gái là phận làm con chưa được báo hiếu với đấng sinh thành”, chị Quế sụt sùi.
Trên bản Cá Ráng nói không có sóng thì cũng không đúng, bởi ở đây, thi thoảng giáo viên vẫn hứng được "sóng lạc".
Tuy nhiên không phải điểm nào trong khu lẻ này cũng có "sóng lạc". Để "dò" được sóng cũng phải mất gần nửa ngày trời.
"Giáo viên cầm điện thoại trên tay, phân công nhau mỗi người mỗi hướng, đi xung quanh trường để "dò" sóng. Sau vài tiếng tìm kiếm, điểm "sóng lạc" được tìm thấy nằm ngay trước nhà tạm của giáo viên", cô Quế kể.
Điểm sóng này này rộng khoảng gang tay, hễ di chuyển điện thoại lên tai để nghe là mất tín hiệu ngay. Cho nên thầy cô giáo phải giữ sóng bằng cách, chôn cột luồng, khoét lỗ, bỏ điện thoại vào phía trong.
Giáo viên tìm được "sóng lạc", ai nấy đều mừng ra mặt. "Có được tí "sóng lạc" (tuy lúc có lúc không) như người từ cõi chết trở về", cô Quế bảo.
Chiếc điện thoại của thầy Lang Văn Tuất được gắn trên cột luồng để đón sóng. Ảnh: Hữu Chí. |
Thế nhưng khi đón được "sóng lạc" không phải ai cũng dám đặt máy điện thoại ở ngoài trời, bởi thiết bị dễ bị mất trộm và hư hỏng do thời tiết lúc nắng, lúc mưa.
Cho nên ở Cá Ráng, chuyện thầy cô "làm nhà" cho điện thoại có khi còn quan trọng hơn hơn chỗ ở của mình.
Với giáo viên nơi đây, việc sử dụng điện thoại "cục gạch", hạng xoàng chỉ có chức năng, nghe, gọi, nhắn tin được ưa chuộng hơn nhiều so với các đời máy điện thoại thông minh.
"Ở đây, cứ hở ra là mất trộm. Cho nên giáo viên phải dùng điện thoại "cục gạch" cho đỡ tốn. Lỡ có mất thì cũng đỡ tiếc", cô Quế bảo.
Rút kinh nghiệm sau nhiều lần bị trộm lấy mất điện
Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 2): Mưu sinh và những cung đường đau khổ |
thoại, cô Quế tiết lộ cách đảm bảo an toàn cho “cục gạch” quý hơn vàng của mình: “Muốn giữ được điện thoại phải ngụy trang cho chúng.
Cách tốt nhất là để điện thoại vào hộc luồng, nịt dây chắc chắn rồi dùng cỏ để phủ lên điện thoại, tránh bị phát hiện. Mà nhớ phải để chuông to để còn biết người gọi mà nghe.
Ban đêm phải cất đi, ban ngày anh em phải thay nhau túc trực, canh giữ. Khi có điện thoại thì anh em gọi nhau tới nghe”.
Có điện thoại, đón được "sóng lạc", nhưng ai nấy đều dè xẻn tiêu tiền thẻ cho hợp lý. Vì thế mà những cuộc gọi đi được “giới nghiêm” trong khoảng thời gian nhất định và đi thẳng vào vấn đề cần nói.
“Nếu muốn mua được thẻ điện thoại phải chạy gần 10km đường rừng. Cho nên thẻ điện thoại luôn được mua sẵn, để trong cặp mỗi lần giáo viên từ dưới xuôi lên. Vất vả chuyện đường xá nên anh em đều ý thức tiết kiệm”, cô Quế kể.
Phải nhờ người báo tin mỗi khi có việc
Trời Cò Cài mỗi lúc một tối. Bữa cơm chiều thơm mùi nếp nương cũng đã sắp sẵn để chờ các vị khách sau một ngày vất vả lội suối, băng rừng.
Ông bạn đồng nghiệp tay tháo ba lô trên lưng, quăng ngay xuống bậc thềm của khu "nhà hiệu bộ", mặt thừ ra vì mệt.
Phía đối diện trường, căn nhà thầy Cao Huấn bỗng vang lên những lời rầm rì, bàn tán, giọng gấp gáp.
Trong khi tôi còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì thầy Huấn hớt hơ hớt hải, chân không kịp mang dép, chạy hộc tốc về phía phòng làm việc của Hiệu trưởng.
Được một lúc, thầy cùng người vợ sắp sinh vội vã khăn gói lên đường trong đêm.
Thầy Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường bước ra khỏi phòng, gương mặt rầu rĩ: "Rõ khổ. Bố vợ thầy Cao Huấn ở xã Quảng Chiểu (Mường Lát) mất từ sáng, nhưng chiều tin báo mới tới nơi. Vợ chồng vừa nhận được tin nên phải về ngay.
Tội nhất là vợ thầy Huấn đang mang bầu đứa nhỏ thứ 2 cũng phải cố gắng lên đường, vượt đèo, lội suối về quê chịu tang bố.
Trước đây cũng có trường hợp bố một giáo viên công tác tại bản Cò Cài qua đời, nhưng phải hơn 1 tháng sau thầy giáo đó và anh em trong trường mới biết tin.
Ở bản Cò Cài, do đường xá đi lại khó khăn, không có sóng điện thoại, nên thầy cô giáo muốn xử lý những công việc từ chuyên môn, tới chuyện ma chay, cưới hỏi, cũng đều gặp khó khăn", thầy Hiệp kể.
Cột sóng Viettel được dựng cách đây khá lâu ở bản Cò Cài nhưng chưa một lần hoạt động. Ảnh: Hữu Chí. |
Ở vùng biên viễn này, tất cả các tin báo từ dưới xuôi lên đều phải thông qua khâu trung gian để truyền tin. Có khi là người lái đò sông Mã, hoặc một hộ dân bản cách trường vài cây số đường - nơi có thể đón được sóng điện thoại.
Khi nhận được tin báo từ dưới xuôi lên, người nhận được tin báo sẽ nhờ "bưu tá" (thường là các hộ dân bản đi nương về - PV) truyền tin về trường.
Chính vì vậy, khi giáo viên nhận được tin báo từ dưới
Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Viettel chi nhánh Mường Lát cho biết, sẽ phát sóng Viettel vào cuối tháng này. Việc trậm trễ phát sóng là do đường xá khó đi, phương tiện vận chuyển vào bản gặp khó khăn. |
xuôi lên thì cũng mất gần nửa ngày đường. Trước đây có khi phải mất tới cả tháng.
Bất tiện nhất là khi công việc bị ngưng trệ vì không thể phản hồi kịp thời bằng tin nhắn, email...
"Trước đây, nhiều khi có công văn chỉ đạo của cấp trên, nhưng một vài ngày sau nhà trường mới nhận được "lệnh". Khi nhận được văn bản chỉ đạo thì việc xử lý văn bản cũng đã muộn.
Nhiều khi nhìn cột sóng được lắp đặt trên đồi Cò Cài nhưng chưa một lần phát sóng mà "thèm". Anh em giáo viên trên này hay nói đùa với nhau, nếu phải nhịn cơm mà có sóng điện thoại thì cũng chấp nhận", thầy Hiệp nói.
Video hành trình vào bản không sóng điện thoại (Video: Hữu Chí).
(Còn nữa)