(GDVN) - Tâm sự với PV Giáo dục Việt Nam, "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho biết, tất cả các việc tiên tri, dự đoán đối với ông chỉ là phương tiện để chứng minh luận điểm về gần 5.000 năm văn hiến Việt Nam. Đây cũng là đề tài khoa học ông đã dành tâm huyết cả một đời nghiên cứu.
{iarelatednews articleid='6592,6524,6401,6261,6216,6165'}
Phủ định Việt sử 5.000 năm là sai
Hỏi đến nhận định về 5.000 năm Việt sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh hào hứng như được "gãi đúng chỗ ngứa". Ông cho biết: "Nền Lý học Đông phương bị thất truyền bởi một nền văn minh bị sụp đổ. Tôi luôn xác định rằng cội nguồn của nền văn minh này là nền văn minh Việt ở bờ nam sông Dương Tử với gần 5.000 năm văn hiến. Trước đây dân tộc Việt của chúng ta vẫn xác định lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến.
Điều này được khẳng định trong các quyển sử ít nhất từ thời nhà Lê đến nay. Tôi thì gọi là gần 5.000 năm, vẫn là những mốc đó nhưng chỉ là cách gọi khác nhau thôi. Thời chúng tôi đi học vẫn học Việt sử hơn 4.000 năm văn hiến. Hiến pháp năm 1992 cũng ghi trong lời nói đầu về lịch sử Việt Nam hơn 4.000 năm.
Từ năm 1972 trở đi, một số nhà sử học trong nước lật lại vấn đề và đưa ra nghi vấn: Có thật Việt sử gần 5.000 năm văn hiến không? Xa hơn nữa, vào những năm 30 của thế kỷ trước thì trên báo Tao Đàn có đăng rải rác 1, 2 bài viết của cụ Ngô Tất Tố và cụ Đào Duy Anh đặt vấn đề nghi ngờ này. Tiếp đó là nhà sử học Trần Trọng Kim.
Nhưng họ chỉ đặt vấn đề nghi ngờ và dừng lại ở đấy chứ không phủ định như các nhà nghiên cứu sử sau năm 1972. Với khả năng nhận thức của tôi, tôi nhận thấy tất cả các nhà sử học phủ định Việt sử 5.000 năm văn hiến là sai.
Tất cả các luận cứ của họ chỉ dựa trên hoài nghi chứ không có luận cứ minh chứng hợp lý. Khi nghi ngờ thì người ta có quyền đặt ra nhiều giả thiết chứ không được phủ định. Họ phủ định chỉ căn cứ trên việc họ không nhìn thấy gì để chứng minh điều đó, chứ không phải họ chứng tỏ rằng họ có những bằng chứng chứng minh không có 5.000 năm văn hiến Việt".
Tuy nhiên, họ lại đi quá xa khi đưa các giả thiết còn rất đáng nghi ngờ của họ vào các sản phẩm văn hóa Việt Nam chính thống như hình tượng thời Vua Hùng ở trần đóng khố - ngay trong sách giáo dục cho trẻ em.
Hai cuốn sách của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh |
Ngừng lại một chút để thở, "dị nhân" lại tiếp tục: "Một tiến sĩ Toán học ở Việt Nam nói rằng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì thời Hùng Vương tồn tại 2622 năm chia cho 18 đời vua thì mỗi vị vua thọ gần 150 tuổi. Vì thế là vô lý. Nói thật, chuyện này tư duy không khác gì việc lấy 3 con gà trừ đi 2 con vịt. Con số 2622 năm thời Hùng Vương là con số thực, còn con số 18 là con số ảo chưa chứng minh được có 18 đời Hùng Vương tồn tại trên thực tế hay không. Dùng một con số thực chia cho một số ảo đương nhiên sai. Chính vì thế người ta chỉ đặt ra sự nghi ngờ mà không chứng minh được họ đã nghi ngờ đúng. Việc họ đưa ra nghi ngờ chỉ là một giả thiết. Tôi cũng đưa ra một giả thiết, các giả thiết cần được công bố minh bạch ai giải thích hợp lý hơn thì phải được chấp nhận.
Sự thật về nền văn minh đã sụp đổ?
Cội nguồn của Lý học Đông phương là từ Việt sử 5.000 năm văn hiến. Chính các nhà sử học Trung Quốc thừa nhận có một nền văn minh vĩ đại bí ẩn ở nam Dương Tử đã sụp đổ vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Nền văn minh này sau khi sụp đổ thì nằm rải rác trong dân gian và bị thất truyền.
Lạc Việt độn toán chính là 2 mảnh thất truyền (Lục Nhâm và Bát Môn) được ghép lại với nhau để hoàn chỉnh lại một phương pháp dự báo. Nhưng đó cũng chỉ là phương tiện để tôi chứng minh Việt sử 5.000 năm văn hiến chứ tôi không khoe khoang gì chuyện bói toán cả. Tôi sẵn sàng nhận mình bói sai ngay – vì đó là kết quả thực hành một phương pháp – mà thực hành thì luôn hàm chứa sai số. Cái tôi nghiên cứu là phương pháp bói và đằng sau phương pháp bói đó là một chân lý".
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khẳng định mình không thể tự nhiên dựng đứng lên câu chuyện Việt sử gần 5.000 năm văn hiến. Để bảo vệ được quan điểm của mình, ông phải chứng minh mình đúng và những người khác sai.
Theo hướng dẫn của ông, chúng tôi đã vào mục Cổ Văn hóa sử trên diễn đàn Lý học Đông phương và đọc được nhiều bài viết của ông về vấn đề này. "Dị nhân" khẳng định đầy tin tưởng: "Tôi đã phản biện từ GS Trần Quốc Vượng đến GS Phan Huy Lê. Người ta đồn rằng tôi chỉ căn cứ vào truyền thuyết để chứng minh lịch sử Việt Nam là hoàn toàn sai. Tôi không bao giờ căn cứ vào truyền thuyết mơ hồ mà tôi căn cứ vào những di sản phi vật thể cụ thể còn lại của thời kỳ đó".
Ông kể lại: "Tôi đã có lần hân hạnh được gặp GS Trịnh Sinh cách đây 6 - 7 năm. Ông Trịnh Sinh có nói là những ý kiến của tôi không có bằng chứng khảo cổ. Tôi hỏi lại GS Trịnh Sinh là những di vật khảo cổ có phải là bằng chứng duy nhất chứng minh lịch sử không. GS Sinh trả lời là không. Cách đây khoảng 80 - 100 năm, khi khảo cổ chưa được coi là bằng chứng khoa học thì người ta nghiên cứu lịch sử chỉ căn cứ vào những văn bản và phân tích trên cơ sở văn bản. Sau này khảo cổ được công nhận thì người ta xếp khảo cổ là một trong những bằng chứng khoa học để nghiên cứu những tồn nghi trong lịch sử.
Theo tìm hiểu của tôi thì năm 2005 tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc thừa nhận những di sản văn hóa phi vật thể là bằng chứng quan trọng của văn minh loài người. Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã thực hiện tinh thần này trước 5 năm khi nghiên cứu và dùng những bằng chứng di sản phi vật thể để chứng minh cho Việt sử gần 5.000 năm.
Tất nhiên, bằng chứng phi vật thể cũng không phải bằng chứng duy nhất mà người ta phải tổng hợp tất cả mọi hiện tượng cả từ khảo cổ, văn bản, các luận điểm khác nhau… để đưa ra một giả thiết khoa học hợp lý nhất thì đó mới là giả thiết hợp lý cuối cùng.
Khi một giả thiết bao trùm lên tất cả các vấn đề, giải thích được tất cả những vấn đề đó một cách hợp lý, có hệ thống, nhất quán, hoàn chỉnh thì giả thiết đó được coi là đúng. Ít nhất đến lúc này, tôi giải thích được tất cả các vấn đề liên quan đến hiện tượng Việt sử gần 5.000 năm văn hiến. Tôi giải thích từ cái nhỏ nhất là câu vè Chi chi trành trành hay tranh dân gian "Đàn lợn" đến cả lý thuyết thống nhất vũ trụ. Tôi đã in đến 7, 8 cuốn sách về vấn đề này".
Đến thời điểm này, mỗi ngày nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh vẫn theo thói quen tỉnh giấc từ 3 giờ sáng để lại ngồi vào bàn viết và nghiên cứu. Ông ngủ rất ít, chỉ lúc nào mệt quá thì mới chợp mắt một chút. Ổng bảo còn chút sức khỏe nào, ông sẽ dành cả cho Lý học phương Đông để chứng minh đến tận cùng Việt Nam ta có 5.000 năm văn hiến.
Nguyễn Huệ