Đi săn "thần dược" của... khỉ

28/05/2011 05:05
Đó là thứ thần dược đời nay đấy các chú, người ta phải lên non, xuống vực, đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình để tìm ra nó.

“Huyết lình”- tôi cố vắt óc để kiểm tra trong trí nhớ của mình khi anh bạn nói đến danh từ này. Kết quả: tất cả những người bạn trong cuộc nhậu ngày hôm đó đều ngẩn mặt lắc đầu quầy quậy bởi một khái niệm xa lạ, trước cái cười bí hiểm của anh bạn lớn tuổi, chịu chơi.

“Đó là thứ thần dược đời nay đấy các chú, người ta phải lên non, xuống vực, đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình để tìm ra nó. Chính vì lẽ đó nên đôi khi, người ta quý nó còn hơn sinh mạng của mình”, anh bạn tôi chốt lại.

Từ những thông tin lờ mờ có đôi phần thêm thắt của anh bạn, sự tò mò trỗi dậy, tôi quyết lên đường đi tìm huyền thoại về phương thuốc bí truyền huyết lình này. Từ phố lên đến rừng, câu chuyện về huyết lình cứ bàng bạc sương khói thời gian nhưng ẩn sâu trong nó là những sự thật lạnh người, rợn tóc gáy nhưng lại rất kỳ vĩ.

Từ một địa danh “mang máng” mà ông chủ tiệm thuốc trên phố Thuốc Bắc cố “nặn óc” ra nhớ lại, chúng tôi quay về chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi dài ngày.

Lạc lối tìm huyết lình giữa vùng cao nguyên đá

Cao nguyên đá Hà Giang như dịu lại sau đợt mưa cuối hạ dài ngày. Thế nhưng con đường đất tìm vào thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên lại biến thành những vũng đất lầy lội, trơn trượt. Chúng tôi phải bỏ lại xe máy, gửi bớt hành lý và những thứ máy móc không cần thiết ở lại nhà dân ven đường để tiếp tục cuộc hành trình. Huyết lình chưa tìm thấy đâu nhưng sự gian nan hiểm trở đã bắt đầu!

Thợ săn huyết lình Phùng Quý Thành trên đường vợt núi.
Thợ săn huyết lình Phùng Quý Thành trên đường vợt núi.
 

Tờ mờ tối ngày hôm đó, vượt qua gần 10km đường rừng, chúng tôi mới đặt chân được đến thôn Lùng Trang. Đó là một thôn nghèo nằm hút sâu dưới thung lũng, giữa bạt ngàn núi đá nguyên sơ. Lác đác vài nóc nhà, leo lét ánh đèn, im tịch như tờ khi chúng tôi đằng hắng tiếng hỏi thăm. Địa chỉ chúng tôi buộc phải tìm đến cho kỳ được là nhà ông Phùng Quý Thành, người được mệnh danh là ông vua huyết lình của miền rừng này, mà dọc đường đi chúng tôi phải liên tục dò hỏi.

“Vua huyết lình” không già nua, bí hiểm như tưởng tượng của chúng tôi. Đó là một người đàn ông trung niên trạc 45 tuổi, vóc người nhỏ thó, gầy gò nhưng có một dáng vẻ cực kỳ nhanh nhẹn, toát lên qua đôi mắt sắc lẹm, sáng rực.

Vài bát rượu ngô làm quen, một chút chuyện về gia cảnh, chủ nhà giục chúng tôi đi ngủ hòng giữ sức nếu muốn ngày mai lên đường. “Trước tiên, phải biến các cậu thành khỉ đã”, anh Thành cười rồi thủng thẳng lên giường đắp chăn. Phòng nghỉ của chúng tôi thực chất là một kho đựng củi gỗ, được dọn dẹp qua loa, sực mùi ẩm mốc. Thêm tấm mền và chăn màn, vừa nằm xuống, chúng tôi ngủ thiếp ngay sau một ngày mệt mỏi.

Đội săn huyết lình thường có từ 5-7 người, chủ yếu là những người cùng họ hàng thân thích với nhau như chú cháu, anh em. Thế nhưng, tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện bố và con cùng “hợp đồng tác chiến” trong đội săn huyết lình. Lý giải về điều này, anh Thành chậm rãi nói: “Mỗi chuyến băng núi tìm huyết lình là một cuộc chiến sinh tử thật sự. Chuyện ngã xuống vực chết mất xác tuy không nói ra nhưng ai cũng đều đã tính đến trước khi lên đường. Bố với con không muốn đi với nhau vì nếu có chết thì cũng chỉ chết một trong hai người thôi. Với lại, tình mẫu tử sẽ làm cho người ta lo lắng dẫn đến run sợ trong một cuộc chiến rất cần sự… liều mạng”.

Những trái núi khổng lồ, vòi vọi chạm vào mây trắng kia quả thực là một bí ẩn khi người thợ săn phải xác định vết huyết lình nhỏ có khi chỉ bằng bàn tay, ở đâu đó. Với những người có thâm niên “rừng rú” như anh Thành thì công việc này có phần đơn giản hơn.

Anh kể: “Cách phổ thông nhất người ta thường làm là bỏ ra nhiều tháng liền để theo dõi dấu vết của đàn khỉ trên núi để xác định được khu vực hang khỉ sinh sống. Khỉ leo trèo giữa rừng già bên miệng vực thoắt ẩn, thoắt hiện, mà người thì chỉ có thể đi được bằng mỗi đôi chân của mình thôi. Thế nên, mỗi ngày tớ phải lần tìm một chút, đánh dấu khu vực rồi ngày mai lại lần tìm tiếp, cứ thế đến khi nào xác định chắc chắn được khu vực hang khỉ thì mới có thể tổ chức đoàn đi săn huyết lình”.

Dụng cụ cần mang theo nhất trong đoàn săn là con dao mác sắc lẹm. Những chuyến đi xa, họ còn phải mang thêm gạo, lửa, xoong nồi cùng chăn chiếu. Thợ săn chỉ cần đi chân đất, mặc quần đùi, áo ngắn tay như thể người dưới phố đi tập thể dục. Là bởi họ cần phải tạo sự thoải mái, linh hoạt tối đa nhất cho các khớp xương tay, xương gối khi leo núi.

Khoảng 5 giờ sáng, đội săn lên đường. Chân trần trên đá trắng ởn như muốn xòe tõe từng ngón ra để bấu chặt hơn, bàn tay cũng thật dẻo dai, uyển chuyển nắm đu vào dây rừng, vách núi. Họ lầm lũi leo núi, không hề nói chuyện để kiệm hơi và tập trung. “Hít bằng mũi, thở bằng miệng, không được nhìn xuống”, là yếu quyết được người đội trưởng loắt choắt dặn đi dặn lại mỗi lần qua vực hiểm.

Những màn làm xiếc không có dây bảo hộ

Không thể hiểu được, sức vóc từ đâu mà chúng tôi đã leo được lên tận mỏm núi để chạm được đầu vào mây, để được ù đặc đôi tai, tức ngực không kịp thở vì không khí loãng loẹt. Đến đầu mỏm núi, anh Thành ra hiệu cho mọi người dừng lại, tập kết đồ trên một phiến đá nhẵn. Trước mặt tôi, là một miệng vực sâu hoắm không nhìn thấy đáy bởi mây mù. Mỏm đá bên này cách bên kia khoảng 4m, dài chừng 15m sâu vào trong lòng núi. Tôi rùng mình thầm nghĩ, nếu chẳng may rơi xuống bờ vực này, có lẽ vĩnh viễn, người ta sẽ không bao giờ có thể tìm thấy xác.

Ngó nghiêng quanh quất một hồi, anh Thành bắt đầu rút dao mác bên hông, chặt lấy những thân gỗ thật thẳng, to bằng đầu cổ chân rồi tỉ mỉ đo đạc, đẽo thành gờ ở hai đầu. Một công việc chậm rãi, tưởng như bình thường mà mãi sau này tôi mới hiểu được tầm quan trọng của nó. Là bởi, trong đoàn đi, chỉ người thực sự có kinh nghiệm mới dám cầm dao chặt gỗ bắc cầu qua vực. Họ dùng dây rừng, bện những thân gỗ thành một tấm phên đều tăm tắp, áng chừng địa hình của mỏm đá bên kia để gọt đầu phên gỗ sao cho thật khít, thật vừa vặn. Chỉ cần phên gỗ kênh trượt là thợ săn huyết lình có thể mất mạng trong tích tắc.

Sang ngày hôm sau, chúng tôi mới tiếp cận được một hang khỉ mới. Khu vực mà anh Thành và đoàn thợ săn đã đánh dấu từ mấy tháng nay. Và bây giờ, thách thức của đại ngàn hùng vĩ, thách thức của tạo hóa với lòng can đảm của con người mới thực sự bắt đầu.

Hang khỉ cao chừng 2m, xùm xòa dây leo nhưng lại nằm ở lưng chừng núi. Từ mỏm núi xuống đến cửa hang là một vách đá thẳng đứng,  cao khoảng 20m. Có nghĩa là, hang khỉ hoàn toàn không có đường vào, muốn vào được, có chăng phải là… khỉ. Thế nhưng, chúng tôi đã được chứng kiến màn “nhập hang” tài tình, có một không hai của đám thợ săn “trót ăn gan hùm”.

Nhìn qua địa hình, hít thở một hơi thật sâu, anh Thành giục mọi người lấy dây  thừng từ túi đồ nghề ra. Họ chọn một gốc cây thật to trên mỏm đá, buộc dây thật chặt vào gốc cây. Thế rồi, lần lượt từng người một, không hề có trang thiết bị bảo hộ, không găng tay, không mũ bảo hiểm, họ cứ thế lạnh lùng đu dây, từ từ tụt xuống.

Tụt xuống đến cửa hang, không thể buông dây thừng mà nhảy ngay vào trong hang được vì không có đà, họ liền rút cây gậy gỗ dài chừng một sải tay đã chuẩn bị sẵn, sau đó dùng gậy gỗ chọc thẳng vào vách đá đẩy cho thân mình bật văng ra không trung. Thế rồi lực văng trở lại đã hất vèo người thợ săn vào trong hang một cách gọn gẽ. Màn “nhập hang” rợn người quả thực là một cuộc đánh đu với thần chết, cá cược đời mình trong canh bạc một mất, một còn.

Giải mã chức năng của phương thuốc huyền bí

Từ trước đến nay, công dụng của huyết lình với sức khỏe của con người cũng chỉ qua những kinh nghiệm như giai thoại từ nhiều đời trước để lại. Ông Triệu Văn Pàn, 93 tuổi, người già nhất trong thôn Lùng Trang kể lại: “Các cụ đời trước có truyền lại rằng, huyết lình rất bổ dưỡng cho cơ thể, đặc biệt với trẻ em còi cọc hay phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy. Huyết lình có thể trộn vào nấu cháo, hoặc pha ra nước để uống theo liều lượng nhất định”.
Anh Phùng Quý Thành, một
Anh Phùng Quý Thành, một "kỳ nhân" săn huyết lình đang khoe với chúng tôi chút huyết lình ít ỏi.

Khi tôi hỏi liệu huyết lình có chức năng tăng cường chức năng sinh lý cho đàn ông hay không, ông Pàn lắc đầu lia lịa: “Tôi cũng đã uống thứ này nhiều năm, chỉ cải thiện được sức khỏe thôi chứ chức năng đó thì không có. Trong vùng này, cũng chưa ai nói huyết lình có chức năng như vậy”.

Theo tài liệu nghiên cứu của GS dược học Đỗ Tất Lợi, huyết lình không phải là máu trong giai đoạn “có tháng” của chị em nhà khỉ mà là máu của khỉ cái chảy ra khi sinh con.

Như vậy, huyết lình là có thật, nghề săn huyết lình cũng hiển nhiên là có thật nơi miền thâm sơn heo hút xa xôi này. Thế nhưng, nguồn gốc cũng như chức năng của phương thuốc bổ dưỡng này có thể đã bị dân gian đồn thổi, thêm nếm làm cho huyết lình huyền bí lại càng huyền bí hơn. Với chúng tôi, câu trả lời về huyết lình từ chuyến đi này đã thật rõ ràng.

Theo Vũ Minh Tiến (NLM)