Điểm mặt những ngân hàng có nhân viên từng bị sa lưới pháp luật

28/03/2018 06:18
Vũ Phương
(GDVN) - Nhiều khách hàng ăn quả đắng, nhiều ngân hàng bị thiệt hại nặng khi mà chính nhân viên trong hệ thống cố ý làm sai.

Nhân viên Eximbank bị bắt vì liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng

Sáng 26/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét trụ sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ 229 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đến gần 13h cùng ngày, quá trình khám xét hoàn tất, Cơ quan Công an đã bắt giữ hai nữ nhân viên phòng khách hàng đưa về trụ sở do có liên quan đến vụ đại gia mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 4 nhân viên Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. 

Điểm mặt những ngân hàng có nhân viên từng bị sa lưới pháp luật ảnh 1Khách hàng Eximbank bị "bốc hơi" 245 tỷ đồng, Phó Thống đốc nói gì?

Bốn người này bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an khởi tố để điều tra vì đã có hành vi giúp sức ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã bỏ trốn) chiếm đoạt tiền của ngân hàng này.

Theo đó, các bị can gồm: Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi), Nguyễn Thị Thi (40 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (34 tuổi) và Trần Nguyễn Xuân Lan (37 tuổi). 

Trong đó Thủy và Thi bị bắt tạm giam ngày 26/3. Trâm và Lan được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật.

Ông Lê Nguyễn Hưng bị cáo buộc đã chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng C.T.B rồi bỏ trốn. Lê Nguyễn Hưng đã dùng thủ đoạn để rút tiền ở sổ tiết kiệm của bà B. từ năm 2014-2016.

Năm 2017, do nghi ngờ, bà B. kiểm tra số dư sổ tiết kiệm đã phát hiện mất 245 tỷ đồng. Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; khởi tố bị can Lê Nguyễn Hưng và phát lệnh truy nã đối với bị can này.   

Hai nhân viên Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị bắt giữ. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Hai nhân viên Eximbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị bắt giữ. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Một chi nhánh khác của Eximbank, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An (PC46) đã có kết luận trong vụ án: ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'' xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Eximbank Đô Lương - Chi nhánh Vinh thuộc Eximbank.

Theo đó, Nguyễn Thị Lam (sinh năm 1987) là nhân viên ngân quỹ Eximbank Đô Lương đã đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối hàng chục khách hàng ký lệnh chi, ký khống chi ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Lam đã rút ruột 50 tỷ đồng của khách hàng gửi.

Agribank bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Cuối tháng 12/2016, sau 10 ngày xét xử phúc thẩm vụ đại án tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Nam Hà Nội do Phạm Thị Bích Lương - nguyên giám đốc chi nhánh này cầm đầu đã khép lại.

Theo đó, Phạm Thị Bích Lương nhận bản án 30 năm do vi phạm quy định trong cho vay và lợi dụng chức vụ quyền hạn thi hành công vụ. Phạm Thanh Tân (nguyên tổng giám đốc Agribank) nhận bản án 22 năm tù về 2 tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm.

Vụ án này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Agribank hơn 2.400 tỷ đồng.  

Theo đó, bản án xác định xảy ra việc chiếm đoạt tiền do một số cán bộ Agribank đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam không có căn cứ, không thẩm định hồ sơ và bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay.

Nguyên Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội (Agribank) Phạm Thị Bích Lương nhận bản án 30 năm tù. Ảnh: TTXNN
Nguyên Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội (Agribank) Phạm Thị Bích Lương nhận bản án 30 năm tù. Ảnh: TTXNN

Trước đó tối 16/5/2017, Công an tỉnh Đắk Lắk tống đạt quyết định khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp Chu Ngọc Hải (33 tuổi), cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh huyện Krông Bông để điều tra làm rõ về hành vi làm giả hồ sơ chứng từ chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, từ tháng 5/2015 đến tháng 2/2017, lợi dụng công việc được giao, Hải đã làm giả hàng loạt hồ sơ, chữ ký của hàng trăm khách hàng để rút tổng số tiền trên 130 tỉ đồng. Khi rút thành công số tiền trên Hải đã dùng phần lớn vào mục đích cá nhân.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Ngô Quốc Vinh, nguyên giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk).

Ngoài ra, 4 cán bộ gồm phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng tín dụng, phó phòng tín dụng cũng bị bắt để điều tra hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sacombank cũng bị thiệt hại

Đầu tháng 8/2017, hai cựu lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là ông Trầm Bê - nguyên thành viên Hội đồng quản trị và ông Phan Huy Khang - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank bị khởi tố và bắt giam về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị bắt vì liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh).

Cụ thể số tiền Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại lên tới hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB.

Bị cáo Trầm Bê (bên trái) và Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: Hải Quan
Bị cáo Trầm Bê (bên trái) và Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: Hải Quan

Trước đó, ngày 8/9/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra, công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã bắt tạm giam Phạm Văn Trung, nguyên nhân viên tín dụng Sacombank chi nhánh Đà Nẵng về hành vi Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, từ giữa năm 2013, ông Mai Xuân N. (ngụ phường Thạch Thang, quận Hải Châu) thế chấp tài sản để vay của Sacombank 100 triệu đồng với lãi suất 1,8%/tháng. Với vai trò là nhân viên tín dụng, Trung nói ông này lập hợp đồng vay mới để hưởng lãi suất 0,75%/tháng.

Thấy phương án này có lợi nên vị khách hàng đồng ý vay mới 100 triệu đồng. Ông đưa lại cho Trung 70 triệu đồng để thanh toán hợp đồng vay cũ. Khi nhận được tiền, anh ta không nộp vào ngân hàng mà dùng để tiêu xài cá nhân.

DongA Bank thiệt hại lớn

Ngày 28/12/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với một số nguyên lãnh đạo của Hội sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) vì giúp sức ông Trần Phương Bình.

Theo đó, các bị can này đã giúp sức tích cực cho ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc của DongA Bank, gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 10/12/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Trần Phương Bình để làm rõ hành vi "cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về cho vay".

Điểm mặt những ngân hàng có nhân viên từng bị sa lưới pháp luật ảnh 5Cấm nhận hoa hồng sẽ ngăn chặn rủi ro, đổ vỡ cho ngân hàng

Cán bộ của ABBank nhận tiền "lót tay"

Cuối tháng 9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Hùng, nguyên giám đốc Ngân hàng An Bình - Chi nhánh Bình Dương (ABBank-Bình Dương).

Theo đó, từ tháng 12/2009 đến tháng 6/2013, bà Trần Thị Lệ Thu (người có quen biết ông Hùng) đã làm giả 23 giấy đỏ mang tên 18 cá nhân khác nhau (chủ yếu là hàng xóm, người làm thuê cho bà Thu sử dụng chứng minh nhân dân, hộ khẩu những người này để làm giả thông tin quyền sử dụng đất) để lập 19 hồ sơ tín dụng vay vốn tại ABBank-Bình Dương với tổng số tiền 77,7 tỷ đồng.

Trong vụ án này ông Hùng đã nhận tiền “lót tay” chỉ đạo kế toán giải ngân cho nhiều hồ sơ vay vốn làm giả của bà Thu.

Thủ quỹ phòng giao dịch VIB Bãi Cháy

Ngày 6/2,Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử Bùi Phương Thảo (nguyên là thủ quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần quôc tế Việt Nam VIB chi nhánh Quảng Ninh) với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo đó, từ năm 2011, Thảo huy động vốn, vay tiền của nhiều người với lãi suất thấp rồi cho người khác vay lại với lãi suất cao để hưởng chênh lệch. Thảo sử dụng mẫu giấy vay tiền đánh máy sẵn rồi sử dụng các con dấu của ngân hàng VIB, giả chữ ký của người bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo.

Đến năm 2016, Thảo vỡ nợ không còn khả năng chỉ trả số tiền đang vay. Với thủ đoạn như trên, Thảo đã lừa đảo 51 người, chiếm đoạt hơn 184 tỷ đồng.

Vũ Phương