Ngày 30/5/2020, một người dân đã gửi thông tin về cho Giáo dục Việt Nam cho biết, tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ có một trường hợp sinh viên dưới điểm chuẩn, thậm chí dưới cả ngưỡng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với khối ngành sức khỏe, nhưng vẫn được trường nhận vào học.
Dưới điểm chuẩn vẫn được vào học
Theo thông tin này cho biết, sinh viên nói trên tên N.H.T., ngành Y đa khoa, có số điểm đầu vào là 20,65, với số điểm của 3 môn lần lượt là Toán 8,4; Hóa 6,5 và Sinh là 5,75. Đây là sinh viên của tỉnh Trà Vinh.
Tuy nhiên, vào năm học 2018 – 2019, theo thông tin nói là ngưỡng điểm sàn quy định xét tuyển đối với khối ngành sức khỏe mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 21 điểm, còn điểm trúng tuyển vào ngành Y đa khoa của trường là 24,3.
Như vậy, người dân đặt ra vấn đề: Lý do tại sao, sinh viên này vẫn có thể vào trường học như những sinh viên khác?
Do sinh viên đăng ký ngành học hiếm nên được ưu tiên
Chiều ngày 1/6/2020, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ xác nhận với phóng viên Giáo dục Việt Nam: Thông tin phản ánh là có, nhưng em T. là sinh viên của năm học này (2019 – 2020), chứ không phải năm học trước (2018 – 2019).
Theo bà Phương, hiện em T. đang là sinh viên năm nhất của trường, học ở học kỳ 2, ngành Y đa khoa.
Điểm đầu vào của em T. là 20,65 như phản ánh, nhưng em được cộng thêm 0,5 điểm nữa do có hộ khẩu nằm ở vùng 2 nông thôn (tại tỉnh Trà Vinh), cộng vô luôn là 21,15 điểm, không thấp hơn điểm sàn, ngưỡng xét tuyển với khối ngành sức khỏe mà Bộ quy định (21 điểm).
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ảnh minh họa: Toquoc.vn) |
Thế nhưng, điểm chuẩn đào vào ngành Y đa khoa của trường là 24,3 điểm, mà em T. chỉ được có 21,15 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương giải thích: Đây là việc đào tạo theo yêu cầu của địa chỉ tuyển dụng tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, căn cứ vào văn bản 4348/BGDĐT--GDĐH ngày 26/8/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Những em này có thể dưới 2 điểm so với điểm chuẩn, nếu tỉnh cử đi học thì có thể dưới điểm sàn do Bộ quy định 1 điểm (có thể được 20 điểm).
Em T. là trường hợp một trong 6 trường hợp do tỉnh Trà Vinh cử đi học, mà trường cho tỉnh này đến 7 chỉ tiêu, thuộc trường hợp đào tạo ngành hiếm (pháp y).
Khi phóng viên Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề, em T. chỉ được 21,15 mà điểm chuẩn lên đến 24,3, có nghĩa là em này thiếu hơn 3 điểm, Tiến sĩ Minh Phương nói tiếp: Đây là trường hợp đặc biệt, kết hợp thêm cả quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/2/2013, phê duyệt đề án “Khuyến khích đào tạo, phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 – 2020”.
Đây là những ngành trong y tế được coi là hiếm, nên đề án này nói rõ sinh viên được ưu tiên điểm trúng tuyển.
Mặt khác, năm 2016, trường có ký với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (khi đó, nay đã giải thể) một đề án là tới năm 2020, sinh viên theo học những ngành hiểm có thể dưới điểm chuẩn của trường quy định từ 2 đến 3 điểm, hoặc tương đương với điểm trúng tuyển ngành y khoa của trường khác trong vùng.