Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã và đang phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hơn nữa, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đảm bảo sự bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Xóa bỏ nhận thức trước đây cho rằng chỉ có làm việc trong khu vực nhà nước, là công nhân viên chức nhà nước mới được gọi là có việc làm và được hưởng các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh và được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản;
Khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra; được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật; được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc được học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Lần đầu đấu thầu thuốc giảm được 251 tỷ đồng |
Nhìn vào những con số Bảo hiểm y tế chi trả cho thấy, chính sách Bảo hiểm y tế đã phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế rất cao, mức tăng ngoạn mục hàng năm.
Tuy nhiên, trong một hội nghị tri ân khách hàng được cho là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) tổ chức, diễn giả hội nghị đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Theo đó, diễn giả này đã bó méo sự thật: “Có người đóng bảo hiểm xã hội lên đến gần 30 năm mà chưa kịp cầm sổ lương hưu mà chẳng may qua đời vì tai nạn, vì bệnh hiểm nghèo thì để lại gì cho con cháu sau nhiều năm đóng Bảo hiểm xã hội?
Câu trả lời là không có gì, ngoài 3 tháng tiền tuất nhà nước chi trả mà không để lại được tài sản gì cho người thân, con cháu.
Có người đóng Bảo hiểm xã hội đến 30 năm, thậm chí hơn 30 năm, nhưng khi về nghỉ hưu chỉ nhận đồng lương hưu rất thấp không đủ chi tiêu”.
Còn về loại hình Bảo hiểm y tế, diễn giả này cũng thêu dệt và bóp méo sự thật: “Nhà nước cho ra đời loại loại bảo hiểm thứ hai là Bảo hiểm y tế tự nguyện dành cho người không làm ở các cơ quan nhà nước, không công tác.
Bình quân chi phí Bảo hiểm y tế có giá 675 ngàn đồng/năm. Tổng giá trị trợ cấp lên đến 20 triệu đồng, khi không may người mua bảo hiểm y tế tự nguyện ốm đau, tai nạn, bệnh tật, phẫu thuật, nằm viện trong cả một năm.
Như vậy mỗi năm chúng ta bỏ ra 675 ngàn đồng một năm mà chỉ khi nào ốm đau, bệnh tật mới được hỗ trợ một phần chi phí.
Nhưng không may người này mắc các bệnh như bệnh tim, gan, bệnh phổi, tiểu đường… người bệnh cần những loại thuốc đặc hiệu thì bảo hiểm y tế lại không chi trả, do vậy họ phải bỏ tiền túi ra để trả số tiền có thể lên đến cả trăm triệu đồng.
Với người tham gia bảo hiểm y tế, mà trong trường hợp người đó qua đời thì cũng không để lại tài sản, giá trị nào cho cuộc sống, cho con cháu, người thân của mình. Đó là những điều rất thiệt thòi cho những ai đang tham gia các loại bảo hiểm đó”.
Diễn giả của AIA đã vi phạm trắng trợn Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo và dùng những lời lẽ xuyên tạc, bóp méo sự thật tại hội nghị khi nói về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: Chụp từ clip (NVCC). |
Sau khi đã nói sai sự thật về Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, diễn giả trên bắt đầu so sánh và quảng cáo sai sự thật về sản phẩm của công ty mình.
Như vậy có thể thấy rằng, diễn giả mang danh AIA đã vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo một cách trắng trợn và coi thường pháp luật.
Rõ ràng việc diễn giả của AIA đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc so sánh sản phẩm, đưa thông tin không trung thực gây ảnh hưởng đến uy tín của Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.
Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 cũng quy định: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 cũng quy định về các hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động quảng cáo là “so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác”.
Xuyên tạc sự thật
Đáng nói, nam diễn giả của AIA do thiếu hiểu biết nhận thức về mặt pháp luật (hay cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật) cho rằng, người tham gia bảo hiểm xã hội khi chưa nhận được sổ hưu mà không may qua đời thì không được bảo hiểm xã hội chi trả.
Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã chỉ rõ, người tham gia Bảo hiểm xã hội khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng Bảo hiểm xã hội đều được ghi nhận để tính hưởng Bảo hiểm xã hội.
Còn đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ thì có doanh nghiệp lại quy định không phải trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp (chết do tự tử trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình).
Đặc biệt, trong trường hợp rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm phá sản thì người tham gia có thể mất hết quyền lợi.
Một điểm khác đáng chú ý, Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích sinh lời.
Bảo hiểm y tế đã góp phần tích cực và quan trọng giúp an sinh xã hội, giúp được hàng triệu người dân an tâm điều trị khi đau ốm, tai nạn. Ảnh: TTXVN. |
Đáng nói, không hiểu diễn giả của AIA lấy từ đâu con số 20 triệu đồng là mức chi phí tối đa mà người tham gia bảo hiểm y tế được hỗ trợ trong cả năm nếu không may bị ốm đau, tai nạn, bệnh hiểm nghèo phải nằm viện?
Trong khi đó, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 9 tháng năm 2017, chi phí cho khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là 2.067,5 tỷ đồng, với 6.322.851 lượt khám chữa bệnh.
Trong đó, có một số bệnh nhân Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên bị tai nạn có chi phí khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế rất cao.
Em N.T.K. (22 tuổi, sinh viên Đại học Vinh, quê Thanh Hóa) điều trị tổn thương nội sọ tại Bệnh viện Việt Đức được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán gần 248 triệu đồng.
Hay học sinh N.T.K.O (học sinh Trường trung học cơ sở Sơn Thủy – Phú Thọ) bị bệnh van động mạch phổi được bảo hiểm y tế chi trả trên 741 triệu đồng.
Ngoài ra còn nhiều trường hợp khác như em T.H.L. (13 tuổi, Thành phố Hà Nội) điều trị bệnh nhiễm trùng huyết thể không xác định tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được Bảo hiểm y tế thah toán hơn 634 triệu đồng.
Bảo hiểm y tế cũng thanh toán hơn 500 triệu đồng để chữa bệnh bạch cầu tủy cho em N.M.T. (14 tuổi, tỉnh Đồng Tháp).
Em N.H.G.T. (15 tuổi, tỉnh Tây Ninh) được Bảo hiểm y tế thanh toán hơn 496 triệu đồng trị bệnh mô liên kết hệ thống; em N.T.K.Q. (8 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi), được thanh toán 480 triệu đồng chi trả các đợt điều trị bệnh u ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương.
Trong năm, nhiều học sinh, sinh viên bị tai nạn cũng được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh với số tiền rất cao. Em T.N.M.C. (17 tuổi, Quảng Bình) được quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả gần 225 triệu đồng điều tị tổn thương nội sọ tại Bệnh viện Trung ương Huế.