Đô đốc Dennis Blair, ảnh: Washington Post. |
The Diplomat ngày 10/4 đưa tin, trong một hội nghị gần đây tại quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, một nhà nghiên cứu từ Washington DC là cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ - Đô đốc Dennis Blair đã đề xuất triệu tập một hội nghị quốc tế về Biển Đông để tìm ra giải pháp quốc tế cho những mâu thuẫn ở vùng biển này, kết quả của hội nghị này sau đó được các bên liên quan áp dụng trên thực địa.
Blair cho biết, tính logic của một cách tiếp cận như vậy sẽ là thiết lập rõ ràng về cách thức các tranh chấp được xử lý, một điều vẫn chưa có mặt cho đến hiện nay. Ông lập luận rằng, các tranh chấp tương tự ở Đông Á có xu hướng được giải quyết theo 1 trong 3 cách: Một là thỏa thuận hiệp ước, ví dụ như thỏa thuận năm 1979 giữa Malaysia và Thái Lan; Hai là thỏa thuận ngầm và làm việc hướng tới giải pháp ngoại giao, ví dụ tranh chấp quần đảo Kuril, Dokdo/Takeshima; Thứ 3 là cân bằng quân sự, ví như Đài Loan, Senkaku/Điếu Ngư hay hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên ở BiIển Đông các bên liên quan vẫn chưa nỗ lực để hiểu chính xác các phương pháp có thể sử dụng, trong khi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC bị bỏ qua, còn Trung Quôc thì sử dụng các lực lượng tàu bán vũ trang để thúc đẩy yêu sách đường 9 đoạn (vô lý, phi pháp) gây tranh cãi. Do đó triệu tập một hội nghị quốc tế về Biển Đông sẽ giúp thiết lập rõ ràng cách giải quyết mâu thuẫn thông qua quá trình 2 bước.
Đầu tiên, các bên tranh chấp hoặc có liên quan sẽ tổ chức hội thảo, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam, và Trung Quốc nếu Bắc Kinh đồng ý. Hội thảo nên được hỗ trợ bởi các bên khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Mục tiêu là để làm việc tìm ra một giải pháp quốc tế cơ bản cho Biển Đông. Blair thừa nhận rằng Trung Quốc có thể sẽ không tham gia, nhưng ông tin các bên yêu sách khác có thể sử dụng tiền lệ và chuẩn mực chung để đi đến giải pháp cụ thể, công bằng cho tất cả.
Thứ hai, sau hội nghị này các quốc gia có yêu sách nên hành động theo kết quả hội nghị như một thực tế mới ở Biển Đông. Phần còn lại của thế giới trong khi đó cần thừa nhận tính hợp pháp của hội nghị và hỗ trợ các hành động phù hợp với nó, chống lại những gì trái với tinh thần hội nghị này.
Mặc dù ý tưởng này có ý nghĩa và là lựa chọn tiềm năng, nhưng có khả năng phải đối mặt với một số thách thức ghê gớm nếu được hiện thực hóa, theo The Diplomat. Đầu tiên, ngay cả khi đặt sang một bên phản ứng "dị ứng với quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" vẫn thường thấy ở phía Trung Quốc, thì vẫn chưa rõ có bao nhiêu thành viên trong số các bên liên quan có yêu sách ở Biển Đông hỗ trợ ý tưởng này. Một số thậm chí còn không muốn tham dự hội nghị, vì họ thích "im lặng chờ thời" và giải quyết tranh chấp một cách lặng lẽ.
Phần lớn ý tưởng này sẽ mang tính hình thức hơn là thực chất. Sự tham gia của các "diễn viên hạng nặng bên ngoài" bao gồm Hoa Kỳ có thể lôi cuốn các bên yêu sách "táo bạo hơn" như Philippines hay Việt Nam, nhưng lại ít hấp dẫn Malaysia, đặc biệt là khi có sự can thiệp mạnh mẽ từ Trung Quốc, đặt các bên yêu sách này ở vị trí "vụng về" giữa Washington và Bắc Kinh, The Diplomat bình luận.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa lên tiếng về các đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Ảnh: SCMP. |
Thứ hai, The Diplomat giả sử cuộc họp được triệu tập và hầu hết các nước có yêu sách không tham dự, việc giải quyết tranh chấp giữa các bên có thể sẽ rất khó khăn trong thực tế. Tất cả sự chú ý đang dồn vào đường 9 đoạn của Trung Quốc và thách thức của Bắc Kinh với các bên yêu sách khác, một số các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với nhau vẫn chưa giải quyết được.
Blair cho rằng, các tranh chấp ở Biển Đông phần lớn là mang ý nghĩa chính trị, tự tôn dân tộc. Một số tranh chấp loại này đã được giải quyết bao gồm cả giải pháp âm thầm giữa Malaysia và Brunei năm 2009, tuy nhiên những tranh cãi gần đây giữa Malaysia với Philippines về Biển Đông và Sabah vài tuần qua đã cho thấy khó khăn để vượt qua những bất đồng.
Thứ ba, ngay cả khi hội nghị đưa ra được một số thống nhất nào đó giữa các bên tranh chấp, vẫn chưa rõ chính xác việc các bên tranh chấp và các bên liên quan khác sẽ thực hiện như thế nào trên thực địa như Blair đề xuất, và liệu họ có khả năng hay sẵn sàng làm vậy hay không. Điều này đặc biệt đúng nếu Trung Quốc không đồng ý các giải pháp đó.
Cho đến nay Bắc Kinh đã chứng minh rõ ràng rằng cần phải thay đổi hiện trạng có lợi cho họ, kể cả giải pháp ép buộc nếu cần thiết. Bao nhiêu nước trong ASEAN sẽ sẵn sàng mạo hiểm thách thức đường 9 đoạn của Bắc Kinh sau hội nghị?
Đối với các nước bên ngoài khu vực như Hoa Kỳ, có bao nhiêu phần trăm khả năng Washington cam kết sẵn sàng vận hành theo thực tế mới hậu hội nghị, trong khi bản thân Mỹ không phải một bên tranh chấp mà chỉ quan tâm đến cách tranh chấp được giải quyết và ảnh hưởng với khu vực? Bản thân Blair cũng thừa nhận rằng, chính sách của Mỹ ở Biển Đông hiện nay mới chỉ là "dự kiến" và khá yếu, không công nhận đầy đủ lợi ích quan trọng của Mỹ.
Nhưng câu hỏi khó khăn hơn đó là liệu Mỹ có dám cam kết đánh cược mạo hiểm một cuộc suy thoái trong quan hệ với Trung Quốc để đổi lấy một giải pháp thích hợp cho các mâu thuẫn ở Biển Đông hay không?
Trong một động thái có liên quan, Reuters ngày 9/4 đưa tin, hôm Thứ Năm người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói rằng các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng (trái phép) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ được sử dụng vào mục đích "phòng thủ quân sự" cũng như cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước khác.
"Chúng tôi đang xây dựng nơi trú ẩn, hỗ trợ việc tìm kiếm cứu hộ cũng như các dịch vụ khí tượng, dự báo hàng hải, dịch vụ nghề cá và các dịch vụ hành chính khác" cho Trung Quốc và các nước láng giềng, bà Oánh tuyên bố. Những hòn đảo nhân tạo này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu phòng thủ của Trung Quốc. Tuy nhiên bà Oánh tiếp tục luận điệu sai trái rằng hoạt động xây dựng này "nằm trong phạm vi (cái gọi là) chủ quyền của Trung Quốc, không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào"?!
Hoa Xuân Oánh lên tiếng về hoạt động xây dựng, cải tạo bất hợp pháp ở Trường Sa chỉ vài giờ sau khi một cơ quan nghiên cứu ở Washington công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động cải tạo, bồi lấp mới xung quanh đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng từng lấp liếm rằng họ chỉ xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân sau khi chiếm đá Vành Khăn năm 1995, nhưng sau đó là một công sự nhà nổi, pháo đài quân sự kiên cố xuất hiện - PV.