Đoàn đại diện BHXH Việt Nam dự Hội nghị BCH Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN 39

23/11/2022 19:48
Nam Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (Hội nghị ASSA) lần thứ 39 có chủ đề “Bảo trợ xã hội trong quá trình phục hồi sau đại dịch”.

Trong 2 ngày (23-24/11), tại Thành phố Luông-Pha-Băng (Lào), Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (Hội nghị ASSA) lần thứ 39 diễn ra với chủ đề “Bảo trợ xã hội trong quá trình phục hồi sau đại dịch”.

Hội nghị có sự tham dự của 20 thành viên là các tổ chức an sinh xã hội của 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh làm trưởng đoàn dự Hội nghị với tư cách là đại diện chính thức duy nhất của Việt Nam.

Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN

Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN

Hiệp hội ASSA thành lập năm 1998 và là diễn đàn khu vực của các tổ chức an sinh xã hội các nước Đông Nam Á. Là một trong những thành viên chính thức của ASSA, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực và nổi bật trong hoạt động chung của Hiệp hội. Tham gia Hội nghị ASSA lần này, góp phần tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tại Hội nghị ASSA 39, cũng như khẳng định vị thế, hình ảnh của Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực, góp phần xây dựng hình ảnh Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ngay sau Lễ khai mạc, các đại biểu đã tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác và huy động công bằng xã hội để tài trợ bền vững cho các hệ thống an sinh xã hội và hướng tới bảo trợ xã hội toàn cầu”.

Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức đã trình bày nhiều tham luận về các nội dung như: Bảo trợ xã hội bền vững vì một thế giới sau đại dịch lấy con người làm trung tâm; Hướng tới hiện thực hóa quyền phổ cập về an sinh xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người; Tài trợ phi tập trung và quan hệ đối tác cho phát triển nông thôn – Nghiên cứu trường hợp từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Tài chính bền vững và quản lý tài chính công được cải thiện để đảm bảo an sinh xã hội toàn cầu và đầy đủ; Thực hành tốt trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận SSF của người lao động phi chính thức.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận và chia sẻ nhiều vấn đề an sinh xã hội trong thực tiễn như: Dự báo quỹ bảo hiểm xã hội và đầu tư; Mở rộng chương trình bảo hiểm xã hội hưu trí đối với người được xác định theo quy định của Luật Lao động; Dự án hợp tác để tiến tới bao phủ y tế toàn dân nhằm thúc đẩy bảo vệ sức khỏe trong quá trình phục hồi sau đại dịch; Chương trình chuyển tiền Covid-19 cho người nghèo và người dễ bị tổn thương; Giải pháp chính sách của Việt Nam hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp…

Sau phiên hội thảo, ngày mai (24/11), Ban chấp hành ASSA 39 họp Hội nghị xem xét, đánh giá, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động của Hiệp hội năm 2022 - 2023 và đề xuất nhiều giải pháp, hoạt động trong thời gian tới. Cùng ngày, Hội nghị Ban Thư ký ASSA 39 cũng diễn ra giữa các tổ chức thành viên của Hiệp hội. Tại Hội nghị, các thành viên xem xét thông qua Biên bản họp Ban thư ký ASSA 38; đề xuất về Hội nghị Ban Chấp hành ASSA 40…

Tham gia Hội nghị ASSA lần này, góp phần tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tại Hội nghị ASSA 39

Tham gia Hội nghị ASSA lần này, góp phần tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tại Hội nghị ASSA 39

Trong khuôn khổ chương trình, Hội nghị ASSA 39 tiến hành Trao giải thưởng Thực tiễn hiệu quả. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng với dự án “Giải pháp chính sách của Việt Nam hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”. Đây là chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp có độ bao phủ rộng với những người lao động yếu thế, người lao động bị tổn thương do đại dịch Covid-19 và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và mọi mặt đời sống của người dân nói chung, người lao động tại các doanh nghiệp nói riêng, bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất, tham gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, giảm đóng cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Phát huy lợi thế cơ sở dữ liệu tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mã định danh của từng người lao động và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có để triển khai hiệu quả các chính sách này đảm bảo minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng và đúng mục đích, không phát sinh thủ tục hành chính, chủ yếu thực hiện chi trả trực tiếp thông qua tài khoản cá nhân của người lao động. Với sự nỗ lực, chủ động, tích cực, ngành bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam đã thực hiện chi trả 31.836 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 13,3 triệu lượt người lao động, với trên 99% người lao động nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Có thể thấy rằng, với số người lao động được hỗ trợ trên quy mô lớn đã góp phần bù đắp một phần thu nhập, hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Song song với việc quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, dựa trên cơ sở dữ liệu tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang quản lý, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhanh chóng xác định số đơn vị sử dụng lao động gắn với số tiền (dự kiến) được giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/10/2021. Kết quả, tính đến hết tháng 9/2022, đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 346,6 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động, với trên 12 triệu lượt người lao động với số tiền giảm đóng khoảng 9.209 tỷ đồng.

Việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời gói hỗ trợ này của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được người lao động, người sử dụng lao động và xã hội đón nhận, đánh giá cao, cho thấy vai trò chủ động, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm,sự nỗ lực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có tiền lệ. Thông qua việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã tạo sự đồng thuận và góp phần củng cố niềm tin của người lao động, người sử dụng lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp – là “giá đỡ cho người lao động gặp khó khăn”, tăng cường sức đề kháng cho người sử dụng lao động, từ đó khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần hiệu quả trong công cuộc đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.”

Dự kiến trong ngày bế mạc, Hội nghị sẽ thực hiện chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch ASSA mới, trong đó chuyển giao các chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký ASSA; thực hiện chuyển giao Biểu trưng ASSA và các tài liệu cho Chủ tịch và Tổng Thư ký nhiệm kỳ mới…

Nhân dịp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2025, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong năm “Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022.

Nam Dương