Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Báo cáo nêu rõ một số kết quả đạt được về đổi mới phương pháp giáo dục và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá.
Một bộ phận giáo viên lớn tuổi, gặp khó khăn trong tiếp cận phương thức dạy học mới
Trong đó, Đoàn giám sát cho rằng, việc đổi mới phương pháp giáo dục thời gian qua được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo triển khai, áp dụng những mô hình giáo dục và phương pháp giáo dục mới vào thực tiễn; triển khai các chương trình, đề án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).
Nhiều địa phương đã quan tâm phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có nội dung về đổi mới phương pháp giáo dục. Các cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương để cụ thể hóa nội dung đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hóa các hoạt động học tập, phù hợp với năng lực của học sinh…
Giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh, thiết kế các hoạt động ở trong và ngoài lớp học; áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành.
Học sinh được khuyến khích tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng kiến thức mới; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Vai trò của người giáo viên chuyển từ vị trí là “người dạy” sang vị trí là người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động học của học sinh.
Một giờ học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường Tiểu học Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Huệ Phương. |
Đoàn giám sát cho rằng, việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn, năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học còn một số bất cập, hạn chế:
Việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả cao do điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chất lượng của các khóa tập huấn dành cho giáo viên còn chưa cao, đặc biệt đối với hình thức tập huấn trực tuyến. Thời gian dành cho việc nghiên cứu bài giảng, sách giáo khoa mới không nhiều, dẫn tới nhiều giáo viên chưa đủ tự tin trong áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong thực tiễn. Một bộ phận giáo viên lớn tuổi, gặp khó khăn trong tiếp cận phương thức dạy học mới. Một số giáo viên hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, thiếu nhạy bén với việc đổi mới phương pháp dạy học; năng lực ứng dụng công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Một số kỹ năng, năng lực dạy học của một bộ phận giáo viên chưa đạt.
Đội ngũ giáo viên cốt cán chưa đủ mạnh nên chưa thực sự phát huy được vai trò tiên phong trong đổi mới phương pháp dạy học tại các cơ sở giáo dục.
Khó khăn do chậm hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới
Về đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy sự quyết tâm của các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm tính đồng bộ, dần vào nền nếp, tạo hiệu ứng tốt. Việc tổ chức thi, kiểm tra đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Về đổi mới phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, ban hành quy chế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để kịp thời tổ chức các kỳ thi trong từng năm học.
Tuy có xảy ra sai phạm trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 tại một số địa phương, nhưng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhìn chung ổn định, phản ánh trung thực chất lượng dạy học; kết quả thi dùng làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá có một số bất cập, hạn chế sau:
Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là nhiệm vụ khó, có sự tác động lớn, nhưng công tác chuẩn bị thiếu tính tổng thể, chưa đồng bộ, điều kiện bảo đảm chưa đáp ứng; hệ thống tài liệu, công cụ thi, kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống dẫn tới lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, đánh giá còn mang tính lý thuyết, thiếu những chỉ dẫn cụ thể cho giáo viên trong việc thiết kế, xây dựng công cụ đánh giá năng lực; nội dung tập huấn giáo viên chủ yếu tập trung thiết kế ma trận, đề thi, viết câu hỏi trắc nghiệm hướng tới các mục tiêu về nhận thức mà chưa gắn kết năng lực, đặc biệt là những năng lực đặc thù của môn học.
Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh nhận thức chưa đầy đủ về đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp đánh giá mới còn hạn chế; chưa có đội ngũ chuyên nghiệp về hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục.
Hình thức thi trắc nghiệm chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là với môn Toán; chất lượng đề thi chưa giúp chọn được học sinh có năng lực; điểm thi có thể chưa phản ánh đúng năng lực thực chất của thí sinh; nặng về kiểm tra kiến thức thay vì định hướng hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Việc thi, kiểm tra, đánh giá năng lực đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở ở một số cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn, chủ yếu là ghép cơ học giữa các phân môn khi giáo viên được bố trí dạy đơn môn.
Chậm ban hành hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau năm 2025 khiến học sinh khó khăn trong chọn tổ hợp. Ảnh: Huệ Phương. |
Việc xây dựng chính sách thi tốt nghiệp trung học phổ thông bộc lộ nhiều bất cập: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được điều chỉnh theo từng năm, mỗi năm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn riêng (thường gồm 1 Thông tư, 1 công văn), cho thấy sự thiếu ổn định về chính sách, làm cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh thường xuyên bị động.
Đề án “Đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” (năm 2018) vừa ban hành đã phải thu hồi, thể hiện sự lúng túng trong quá trình chuẩn bị và thực hiện.
Việc chậm ban hành hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau năm 2025 là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc chọn tổ hợp môn học; đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá đối với lớp 10 năm học 2022-2023; ảnh hưởng tới chiến lược tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.