Bộ trưởng Bộ GDĐT: Ngành GD đang thực hiện nhiều việc lớn, cần đồng tâm hiệp lực

15/08/2023 09:42
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ trưởng chia sẻ, việc càng khó, càng lớn, càng phải đồng tâm hiệp lực, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì khó đến mấy chúng ta cũng sẽ làm được.

Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức chương trình: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục".

Toàn cảnh chương trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục.

Toàn cảnh chương trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.

Chủ trì sự kiện có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Ngô Thị Minh; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức.

Tham dự chương trình còn có lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương.

Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chương trình không phải là cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động, mà là cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng, các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo vụ, cục với toàn thể nhà giáo, để gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ tăng thêm sức mạnh chung.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình.

Bộ trưởng chia sẻ, ngành giáo dục và đào tạo của chúng ta đang thực hiện những việc rất lớn, rất khó, có nhiều việc khó tựa như “dời non lấp bể”, để làm được những việc khó, cần đồng tâm hiệp lực.

Việc càng khó, càng lớn, càng phải đồng tâm hiệp lực, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì dù việc lớn đến mấy, khó đến mấy chúng ta cũng sẽ làm được.

"Với trên 6500 câu hỏi chuyển về bằng nhiều kênh và nhiều con đường khác nhau, một buổi hay nhiều ngày tôi cũng không thể trả lời hết được. Trong thời gian có hạn, sẽ mời các nhà giáo từ một số tỉnh thành phát biểu ý kiến, nêu vấn đề và tôi cùng lãnh đạo Bộ và các vụ, cục sẽ trao đổi, chắc cũng chỉ được một số lượng vô vùng nhỏ so với số ý kiến đó.

Sau hôm nay tôi sẽ tổ chức và chỉ đạo các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để có những điều chỉnh chính sách", Bộ trưởng khẳng định.

Nhiều tâm tư, trăn trở của giáo viên mầm non

Chia sẻ tại chương trình, đại diện giáo viên mầm non của tỉnh Điện Biên cho biết, theo quy định thời gian làm việc 8h/ ngày, nhưng trên thực tế chúng tôi đang làm việc từ 10 - 11h/ ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn, không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Đó là về thời gian, còn về công việc đa số 2 giáo viên sẽ phụ trách 1 lớp nhưng có trường hợp 1 giáo viên nuôi dạy 30 trẻ.

Tiền lương của giáo viên được cải thiện, nâng cao nhưng còn rất thấp đối với giáo viên mới ra trường, đang ở dưới mức 5 triệu đồng/ tháng. Và với mức lương như vậy chưa tương xứng với thời gian và công sức mà chúng tôi đã bỏ ra và chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho điều kiện sống.

Các trường mầm non ở vùng khó khăn khoảng cách từ trung tâm tới điểm trường xa, có những nơi cách gần 5km, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ hiện nay thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng của các thầy các cô, nhưng giáo viên dạy điểm trường lẻ chưa có hỗ trợ đi lại, đi về trung tâm để tham gia các cuộc họp sinh hoạt hàng tháng.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.

Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non theo quy định giống như tuổi nghỉ hưu của ngành nghề khác lao động bình thường, tuy nhiên do đặc thù của giáo viên mầm non là nặng nhọc vì vậy chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu là chưa hợp lý đối với giáo viên mầm non.

Điều kiện sinh hoạt và làm việc của giáo viên mầm đặc biệt ở vùng sâu vùng xa còn nhiều bất cập, thiếu nhà công vụ, thiếu nguồn nước sạch, không có điện, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số rất khó khăn. Mặc dù giáo viên ăn ngủ tại điểm trường là cả tuần, có khi là cả tháng mới được về gia đình, các thầy cô dành thời gian nghỉ ngơi để làm đồ dùng đồ chơi cho các con, không có điện, không có ứng dụng công nghệ thông tin nên phải dành thời gian nghỉ ngơi để làm đồ dùng.

Cô Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên mầm non tại tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Những năm gần đây Đảng và nhà nước, địa phương đã quan tâm đến đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, đã có nhiều chính sách ưu đãi như: Chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; giáo viên dạy trẻ khuyết tật…

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần được tháo gỡ kịp thời góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Cụ thể như, hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hành chính trong các cơ sở giáo dục mức lương được hưởng còn thấp, bởi ngoài lương thì đối tượng này không được hưởng chế độ ưu đãi, chế độ thâm niên và cũng không có thu nhập gì ngoài lương, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn, kính đề nghị Bộ trưởng tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm hành chính trong các cơ sở giáo dục đảm bảo cuộc sống.

Nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non, đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách này hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.

Về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với giáo viên mầm non, cô Thanh Hồng chia sẻ: "Theo như quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3, ví dụ tôi là lương bậc 5 hạng 2 hệ số lương của tôi là 3,65. Còn lương bậc 5 hạng 2 của giáo viên tiểu học lại có hệ số là 5,36.

Như vậy bậc lương quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học. Công việc đặc thù riêng, vất vả trông trưa, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác".

Kiến nghị quy định về định mức tiết dạy

Chia sẻ tại chương trình, thầy Nguyễn Bá Dũng - đại diện giáo viên tỉnh Đắk Nông cho biết, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 của đơn vị và tỉnh nhà đã và đang tổ chức thực hiện rất hiệu quả, được thể hiện đó là: đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo sát về thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo…Theo đó, hàng năm được bổ sung cơ sở vật chất, phòng học và bổ sung người làm việc đáp ứng cơ bản và cuốn chiếu theo năm thực hiện chương trình.

Đối với Cán bộ quản lý, giáo viên: đã được trang bị các năng lực về quản trị trường học, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin…thông qua tập huấn cốt cán và đại trà ở 9 module thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ, Sở và phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Đối với học sinh: đã quen với cách dạy, cách học mới – thông qua hoạt động để các em chiếm lĩnh kiến thức, thông qua trải nghiệm để các em chuyển kiến thức thành những năng lực phẩm chất, đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục, học để ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Đối với phụ huynh học sinh cũng được tuyên truyền, truyền thông về vai trò trách nhiệm của phụ huynh, của xã hội vào việc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Từ đó cơ bản phụ huynh học sinh đã tham gia tích cực vào quá trình giáo dục.

Bên cạnh đó, còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như còn thiếu các điều kiện đảm bảo: số người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông; chưa đủ phòng học, phòng học bộ môn; thiết bị dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ….

Hàng năm, mỗi nhà trường cần phải nỗ lực xây dựng kế hoạch khắc phục khó khăn, chia sẻ giữa vùng ít khó khăn với vùng khó khăn nhiều hơn (dạy học liên trường, liên cấp…)

Thầy Nguyễn Bá Dũng cũng chia sẻ nhiều tâm tư. Hiện nay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường Tiểu học cơ bản tổ chức dạy 2 buổi/ngày để đáp ứng tổ chức một số môn học bắt buộc mới như Ngoại ngữ, Tin học, hoạt động trải nghiệm và các môn học tự chọn.

Vì vậy, định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định tại thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT đối với trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày là còn thấp dẫn đến thiếu người làm việc. (1 giáo viên tiểu học thực hiện 23 tiết tiêu chuẩn, 1,5 giáo viên = 34,5 tiết, 2buổi/ngày = 7 tiết/ngày x 5 ngày/tuần = 35 tiết.

Mặt khác tại thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định rất nhiều các nhiệm vụ kiêm nhiệm được giảm trừ tiết dạy như: Giáo viên làm công tác chủ nhiệm; Tổ khối trưởng; Bí thư đoàn; Chủ tịch công đoàn; phó chủ tịch công đoàn; Bí thư chi bộ cơ sở; Chủ tịch, thư ký hội đồng trường; trưởng ban thanh tra nhân dân; Phụ trách phòng học bộ môn…Vì vậy định mức trên là thấp so với nhu cầu số người làm việc)

Thầy Dũng đề xuất, thay thế quy định giảm định mức tiết dạy tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 (TT28), Thông tư số 15/2015 điều chỉnh một số điều tại thông tư 28 về việc quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông bằng chế độ (hệ số) phụ cấp đối với giáo viên thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. (ví dụ: giáo viên làm công tác chủ nhiệm được giảm trừ 3 tiết/tuần thì nay tính thành hệ số tương đương là 0,13 (3 tiết/23 tiết = 0,13)…) khi đó thực hiện 2 buổi/ngày thì bố trí 1,5 giáo viên/lớp mới đủ người để làm việc.

Thứ hai,nếu giữ nguyên quy định giảm định mức tiết dạy tại Thông tư 28 thì rất mong Bộ giáo dục và đào tạo điều chỉnh định mức số lượng người làm việc được quy định tại thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, em xin đề xuất Đối với cấp tiểu học, cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bố trí định mức giáo viên là 1,7 giáo viên/lớp để đảm bảo đủ số người làm việc

Hai là, cần có chế độ tiền lương phù hợp đối với nhân viên thư viện, văn thư, y tế trường học. Hiện nay lương thấp, nhân viên thiếu, các em cũng không đăng kí ngành học để tuyển dụng. Vì vậy, kính mong Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các bộ ngành đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ này yên tâm công tác.

Phạm Minh