Doanh nghiệp "xẻ thịt" cống mương làm nhà hàng, Chính phủ yêu cầu Hà Nội báo cáo

04/05/2017 08:31
Trần Việt
(GDVN) - Mặc dù, được quy hoạch làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ nhưng hơn 6.000m2 tại khu vực cống hóa mương Phan Kế Bính lại bị doanh nghiệp “hô biến" thành nhà hàng.

Ngày 26/04/2017 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 4262/VPCP-V.I gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội làm rõ cơ sở pháp luật cho thuê mương thoát nước Phan Kế Bính để sử dụng làm mặt bằng kinh doanh và các vi phạm pháp luật trong việc cho thuê đất, xây dựng trên đất mương thoát nước Phan Kế Bính. Đồng thời, chỉ đạo thành phố Hà Nội phải có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/06/2017.

Nhà hàng Hải sản phố được xây dựng trên diện tích hơn 6.000m2 tại khu vực cống mương hóa Phan Kế Bính. Ảnh Trần Việt.
Nhà hàng Hải sản phố được xây dựng trên diện tích hơn 6.000m2 tại khu vực cống mương hóa Phan Kế Bính. Ảnh Trần Việt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 31/12/2008, ông Đinh Trọng Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm đại diện đã ký Hợp đồng số 198-08/HĐTĐTN cho Công ty cổ phần Đa quốc gia do ông Võ Trí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, có trụ sở chính tại số 356 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thuê 6.078m2 đất nằm ngoài chỉ giới mở đường, trên phố Phan Kế Bính để xây dựng công trình theo quy hoạch.

Mục đích sử dụng đất trong hợp đồng nêu rõ: "Sử dụng làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ. Thời gian thuê đất 20 năm kể từ năm 2008”.

Đến ngày 24/02/2009, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 6.078m2 đất nói trên cho Công ty cổ phần Đa quốc gia.

Toàn bộ diện tích đất cho thuê được chia làm ba ô đất gồm: Ô số 1 = 537,6m2; Ô số 2 = 1.287m2, Ô số 3 = 4.253,4m2. Tại Giấy chứng nhận này khẳng định lại một lần nữa về mục đích sử dụng: “Để cống hóa mương Phan Kế Bính và sử dụng làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ”.

Chủ đầu tư được thành phố giao làm dự án cống hóa này là Công ty Cổ phần Đa quốc gia. Ngay sau khi được thành phố chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp này đã nhanh tay “xẻ” dự án này ra làm nhiều mảnh, cho các doanh nghiệp khác thuê lại vào các mục đích khác nhau như kinh doanh nhà hàng, cho thuê làm trường học, quán cà phê, bãi trông giữ ô tô…

Đáng nói, theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, đến nay, Công ty Đa quốc gia vẫn nợ Thành phố số tiền thuê đất lên tới 60 tỷ đồng từ năm 2010 đến nay.

Vậy mà không hiểu vì lý do gì, những sai phạm tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cửa hàng tiền ích và quán bia Hải Xồm cũng được xây dựng ngay trên dự án Cống mương hóa Phan Kế Bính mà không hề bị xử lý. Ảnh Trần Việt
Cửa hàng tiền ích và quán bia Hải Xồm cũng được xây dựng ngay trên dự án Cống mương hóa Phan Kế Bính mà không hề bị xử lý. Ảnh Trần Việt

Được biết, năm 2015, Thanh tra Thành phố đã tiến hành rà soát và có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xác định, Công ty cổ phần Đa Quốc gia đã ký hợp đồng cho nhiều đơn vị, cá nhân thuê địa điểm kinh doanh.

Tháng 01/2016, thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị hữu quan và Công ty cổ phần Đa Quốc gia yêu cầu Uỷ ban nhân dân quận Ba Đình chủ trì, cùng Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường có phương án xử lý, giải quyết dứt điểm các hạng mục vi phạm của Công ty cổ phần Đa Quốc gia, báo cáo kết quả trước ngày 31/03/2016.

Thành phố Hà Nội cũng giao Cục Thuế chủ trì cùng quận Ba Đình, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra làm rõ việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, kiểm tra việc thu và xuất hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty cổ phần Đa Quốc gia từ việc cho thuê mặt bằng kinh doanh giai đoạn 2010 - 2015.

Tuy vậy, từ đó đến nay, những sai phạm đã được chỉ ra vẫn y nguyên.

Đầu năm 2017, quận Ba Đình tiếp tục có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân Thành phố liên quan đến dự án này.

Theo báo cáo do ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình ký, qua kiểm tra của quận này, trên tuyến mương Phan Kế Bính có 4 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh gồm: Công ty CP Đa quốc gia, Công ty CP đầu tư Thương mại Dịch vụ Thành phố xanh (nhà hàng Hải Sản Phố), Công ty CP trường mầm non Koala House, Công ty TNHH Genkiland.

Trong đó, nhà hàng Hải Sản Phố thuê tòa nhà 48A Liễu Giai, thời hạn thuê 13 năm, tiền thuê xấp xỉ 850 triệu đồng/tháng; Công Cổ phần trường mầm non Koala House thuê 10 năm, với giá năm đầu (2013) là hơn 1,2 tỷ đồng chưa kể phí dịch vụ. Công ty TNHH Genkiland ký hợp đồng 10 năm, giá 160 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, khảo sát của phóng viên cho thấy, ngoài các đơn vị trên, hiện tại dự án này còn có Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc Kim Oanh thực hiện trông giữ xe không phép trên diện tích hơn 500m2 với giá thuê đất là hơn 4,6 tỷ đồng…

Vấn để đặt ra là cán bộ nào đang đứng ra che chắn, dung túng cho hành vi "xẻ thịt" dự án cống hóa mương phố Phan Kế Bính để doanh nghiệp trục lợi?

Trần Việt