Trường trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trường miền núi với hơn 80% học sinh là con em dân tộc thiểu số.
Những năm gần đây, trường được biết đến là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại trong công tác đổi mới hoạt động dạy và học.
Chủ trương hay của Ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết:
“Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình cũng như các hoạt động giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã có các hoạt động tập huấn và cho phép các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh chủ động, linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại nhằm tạo hứng thú cho học sinh từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh”.
Ông Phùng Quốc Lập - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ “ủng hộ việc linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại tạo hứng thú cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh”. (Ảnh: hvu.edu.vn) |
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực đổi mới toàn ngành nhờ công nghệ, giúp mọi người học có thể học mọi lúc mọi nơi, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Ngày 5/3, phát biểu khai mạc Triển lãm công nghệ giáo dục quốc tế BESS Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng:
“Việc đẩy mạnh các hoạt động dạy, học ngoại ngữ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những đột phá trong đổi mới giáo dục”.
Độc đáo, điểm trường miền núi với những giờ học tiếng Anh xuyên lục địa
Tại một điểm trường ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nhờ biết áp dụng các công nghệ Zoom, Skype vào các tiết học mà các giáo viên dạy ngoại ngữ ở Trường trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã truyền cảm hứng học tập ngoại ngữ cho học sinh miền núi tỉnh Phú Thọ.
Các giáo viên dạy ngoại ngữ nơi đây đã ứng dụng các phần mềm Zoom, Skype để kết nối trực tuyến với các giáo viên và học sinh các quốc gia có chất lượng giáo dục hiện đại bậc nhất thế giới như: Nga, Mỹ và một số quốc gia Châu Phi nói tiếng Anh tốt…
Hoạt động dạy học ngoại ngữ bằng phương pháp Zoom, Skype vẫn còn khá mới mẻ, thông qua các tiết học giáo viên và học sinh của trường có thể giao tiếp trực tiếp với các giáo viên và học sinh nước ngoài, có cơ hội nói tiếng Anh trực tiếp với người nước ngoài hay quảng bá văn hóa, đặc sản của địa phương.
Nhờ ứng dụng Zoom, Skype vào mỗi tiết học tiếng Anh mà điểm trường Phú Thọ có thể học tập trực tuyến với nhiều quốc gia khác múi giờ trên thế giới, từ đó giúp không khí lớp học trở nên vô cùng sôi nổi, khác hẳn các giờ học truyền thống.
Skype là phần mềm rất nổi tiếng cho phép nhắn tin, thực hiện các cuộc gọi thoại hoặc cuộc gọi hình miễn phí hay cho phép thực hiện các cuộc gọi nhóm có hình có thể ứng dụng trong các cuộc họp trực tuyến nhỏ.
Zoom là một giải pháp hội nghị truyền hình, các cuộc họp trực tuyến, thảo luận nhóm trên một nền tảng rất đơn giản và dễ dàng.
Hệ thống hỗ trợ hình ảnh, âm thanh và chia sẻ màn hình chất lượng tốt nhất trên các hệ điều hành Windows, Mac, iOS, Android.
Nói về tâm lý của học sinh trong mỗi tiết học tiếng Anh, cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Thanh Sơn là một huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vượt qua các khó khăn giáo viên và học sinh Hương Cần luôn nỗ lực thực hiện theo chỉ đạo đổi mới giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ.
Đặc thù học sinh ở đây không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với người nước ngoài, vì thế trong những giờ học trên lớp, nhóm giáo viên tiếng Anh chúng tôi cố gắng sử dụng các phần mềm trực tuyến như Zoom, Skype để các em có thể rèn luyện kĩ năng giao tiếp, học các kiến thức mới và văn hóa các nước trên thế giới.
Được giao lưu bạn bè quốc tế từ đó học sinh cũng hứng thú hơn trong mỗi tiết học và rất tự tin giới thiệu về những nét văn hoá đặc trưng của người Mường với các thầy giáo nước ngoài trong tiết học tiếng Anh, nhưng không phải bằng cách giao tiếp truyền thống mà là một buổi học trực tuyến ở hai điểm cầu Washington D.C và một xã miền núi của Việt Nam”.
Những nhà giáo dục tâm huyết với nghề
Hiện nay, bên cạnh những giờ sinh hoạt chuyên môn truyền thống, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ và Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông còn có các buổi họp trực tuyến trao đổi, bàn bạc nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiện nay, Ban giám hiệu và các thầy cô dạy ngoại ngữ Trường trung học phổ thông Hương Cần đang rất tích cực trong việc đổi mới các phương pháp giáo dục hiện đại. (Ảnh: AP) |
Được biết, phía Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Hương Cần cũng đã mạnh dạn mời các chuyên gia, thầy cô trong nước và quốc tế đến trao đổi kinh nghiệm và tổ chức bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy trực tuyến cho giáo viên tiếng Anh.
Tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Bích Phượng giáo viên tiếng Anh Trường trung học phổ thông Hương Cần cho biết:
“Đội ngũ giáo viên tiếng Anh của trường hầu hết là giáo viên trẻ và nhiệt tình. Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, các thầy cô giáo trong trường cũng tích cực tự học, trao đổi chuyên môn trực tuyến với chuyên gia nước ngoài theo các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng và tham gia các lớp học trực tuyến do Sở triển khai.
Mặc dù có nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn lệch múi giờ nhưng các thầy cô ai cũng say mê và hứng thú vì những giá trị của các buổi học đó mang lại”.
Đổi mới việc kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ
Thầy Phan Trọng Đức, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hương Cần thông tin cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam được biết:
“Hiện nay, các thầy cô ở bộ môn ngoại ngữ cũng đang rất tích cực trong việc đổi mới các phương pháp giáo dục hiện đại, thường xuyên trao đổi học hỏi kinh nghiệm dạy học cũng như kiểm tra kiến thức, đánh giá hiểu biết bài học của học sinh từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển, đó cũng là thực hiện các nội dung của đề án ngoại ngữ 2020”.
Nhờ áp dụng Zoom, Skype vào mỗi tiết học tiếng Anh mà học sinh Trường trung học phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ có cơ hội kết nối, giao tiếp tiếng Anh với các em nhỏ đến từ Nam Phi và Nga. (Ảnh: AP |
Ngoài các bài kiểm tra theo quy định Trường trung học phổ thông Hương Cần còn có những buổi kiểm tra kĩ năng nói theo phòng thi nhằm tạo động lực và nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh theo định hướng phát triển năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc của Việt Nam, để mỗi giờ học ngữ pháp không trở nên nhàm chán.
Thầy Hiệu trưởng Phan Trọng Đức cho biết: “Không dừng lại ở những hoạt động kiểm tra, dạy học trong phạm vi nhà trường, nhà trường còn tổ chức các chuyến tham quan dã ngoại, trải nghiệm với giáo viên nước ngoài, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh nhằm tạo môi trường ngôn ngữ giúp các em có cơ hội rèn luyện và thực hành kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong thực tế”.
Với cách làm đúng đắn và thiết thực đã truyền được cảm hứng cho người học, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, hy vọng trong thời gian gần ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ sẽ có nhiều em học sinh học giỏi ngoại ngữ và thành công.