Có lẽ khái niệm đổi giờ học, giờ làm đến thời điểm này không còn được nhắc đến nhiều, khi ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô vẫn tiếp diễn. Sau hơn một tháng thực hiện đổi giờ nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, nhiều người đã bắt đầu nghĩ đến một phương án khác để đối phó với tình trạng tắc đường hiện nay. Anh Phạm Nhật Vinh, giám đốc một doanh nghiệp nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng tắc đường buổi sáng, anh đã quy định cho người lao động đi làm muộn hơn nửa giờ so với quy định, thời gian nghỉ trưa ít đi nửa tiếng để đảm bảo thời gian làm việc 8 tiếng mỗi ngày.
Hà Nội có nên để người lao động và doanh nghiệp tự quyết định giờ làm việc? |
“Tránh đi làm vào giờ cao điểm là tốt nhất. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để từng người lao động tự đăng ký giờ làm, giờ nghỉ, miễn sao vẫn đảm bảo 8 tiếng làm việc mỗi ngày” – anh Vinh chia sẻ. TS. Khuất Việt Hùng, Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng, bằng cảm quan có thể nhận thấy việc đổi giờ học, giờ làm không tác động nhiều đến giao thông đô thị.
TPHCM: Thu phí ô tô, mỗi ngày tiết kiệm 16 tỷ
Ảnh độc: Căn nhà 130 tỷ của thiếu gia tổ chức đám cưới siêu sang
Tuy nhiên theo ông Hùng điều này không lạ bởi qua nghiên cứu những kịch bản đổi giờ tốt nhất của các thành phố lớn trên thế giới cũng chỉ đạt hiệu quả từ 5 – 7%. Tất nhiên đó là trong trường hợp họ triển khai rất bài bản.
Kinh nghiệm cho thấy, các nước trên thế giới tiến hành đổi giờ chủ yếu theo hướng vi mô. Nghĩa là họ để các doanh nghiệp tự điều chỉnh giờ cho hợp lý, linh hoạt để tránh giờ cao điểm. Thậm chí doanh nghiệp còn tự cho người lao động chủ động đăng ký giờ làm việc.
Ngược lại khi điều chỉnh mang tính vĩ mô người ta sẽ phải làm cẩn thận, có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Còn ở Hà Nội chưa có sự nghiên cứu nghiêm túc đã triển khai. Vì thế hiệu quả đạt được có hạn chế chế cũng là điều dễ hiểu. Đây là kinh nghiệm để sau này khi triển khai các giải pháp khác sẽ có sự nghiên cứu kỹ càng hơn, cẩn thận hơn. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc đổi giờ không có sự chuyển biến, mặt khác giao thông thông thoáng ở chỗ này lại gây ùn tắc ở chỗ khác. “Những ngày đầu khi đổi giờ, cuộc sống của người dân thủ đô đã bị xáo trộn rất nhiều. Cũng may việc đồi giờ đã có sự điều chỉnh kịp thời nên cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường” – ông Hùng cho hay. Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm đã tác động rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Rất may sự tác động đó chưa đi quá xa vì Hà Nội đã sớm họp bàn và có sự điều chỉnh kịp thời. Những giải pháp như tăng phí lưu thông, đổi giờ học, giờ làm chỉ là giải pháp tình thế. Để giảm ùn tắc giao thông đạt hiệu quả cần một chiến lược tổng thể, mang tính lâu dài. Theo ông Nghiêm tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay xuất phát từ năm nguyên nhân chính: quy hoạch giao thông chưa hoàn thiện; năng lực quản lý còn nhiều lúng túng; loại hình giao thông công cộng quá ít, trong khi phương tiện cá nhân lại quá nhiều; Hạn chế về nhận thức của người dân; mật độ dân số tăng quá cao. “Muốn giải quyết được bài toán ùn tắc thì phải khắc phục được năm nguyên nhân cơ bản này. Đáng tiếc rằng trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế” – ông Nghiêm nói. Sau hơn một tháng triển khai đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn thủ đô, rõ ràng kết quả đã không như kỳ vọng. Trước thực tế trên đại diện sở GTVT Hà Nội cho biết trong một vài ngày tới sẽ tổ chức họp bàn để đánh giá, xem xét, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, thay đổi…để việc điều chỉnh giờ học, giờ làm đạt kết quả cao nhất.
Theo Zing.vn/Infonet