Đối nhau chan chát quanh phát ngôn của Đại biểu Đỗ Văn Đương

01/11/2014 07:31
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Bất chấp những phản ứng dữ dội từ giới luật sư, đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương vẫn khẳng định ông sẽ không đính chính phát ngôn trên của mình.

Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 27/10 vừa qua, ông Đỗ Văn Đương – Đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM nói rằng: Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền.

Phát biểu trên đã khiến dư luận dậy sóng còn giới luật sư không ít người phản ứng dữ dội vì cho rằng ông Đương nói như vậy là thóa mạ, xúc phạm họ.

Tuy vậy, vẫn có những luật sư có góc nhìn “thoáng” hơn về phát ngôn này gây tranh cãi nảy lửa trong nội bộ giới luật sư.

“Ông Đương chưa đọc luật, thiếu thực tế”

Bình luận về phát ngôn trên của đại biểu Đỗ Văn Đương, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, Hà Nội cho rằng, rõ ràng đây là phát ngôn thiếu cẩn trọng của ông Đương – một đại biểu do dân bầu.

“Phát ngôn như vậy là xúc phạm cả giới luật sư chứ không chỉ cá nhân một vài người. Có lẽ ông Đương là người chuyên nghiên cứu hoặc thiếu trầm trọng cái gọi là thực tế của ngành nghề luật sư tại Việt Nam.

Ngay trong các văn bản luật đã nêu rõ đạo đức hành nghề cũng như chức năng xã hội của luật sư. Phải chăng ông Đương chưa đọc luật hoặc ông ấy đã quên mất chức năng xã hội của luật sư?”, ông Truyền nhận định.

Khi được hỏi nhận định trên liệu có liên quan gì tới việc ông Đương từng là kiểm sát viên hay không, luật sư Truyền nói, ông không cho rằng do từng là kiểm sát viên nên ông Đương có định kiến với luật sư.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, Hà Nội

Ông Truyền cho hay: “Nhiều khi cái cảm tính chủ quan nó ăn sâu và mặc định trong đầu. Thế nên mới có chuyện điều tra viên, kiểm sát viên chỉ nhìn thấy luật sư đang gây khó khăn cho việc hành nghề của họ chứ họ chưa chịu nhìn xa hơn trong câu chuyện khi tuyên một bản án, một kết luận điều tra hay một bản cáo trạng – nó ảnh hưởng tới số phận, sinh mạng pháp lý của một con người. Nhiều lúc họ chỉ làm cho xong việc, xong nhiệm vụ mà quên đi yếu tố xã hội rất cần trong đó”.

Vị luật sư này cũng đề nghị, ông Đương phải đính chính, giải thích rõ lý do thay vì cứ nói giảm, nói tránh, thiếu sự thẳng thắn như hiện nay.

“Đây có lẽ cũng là cách mà nhiều quan chức Việt đang sử dụng trong trường hợp họ có phát ngôn ẩu, phát ngôn sai. Tại sao lại cứ loanh quanh, không dám thừa nhận rằng phát ngôn như vậy là chưa hoàn toàn chính xác?”, ông Truyền nói thêm.

Đối nhau chan chát quanh phát ngôn của Đại biểu Đỗ Văn Đương  ảnh 2

“Ghế cao” cộng “văn hóa lùn” = ?

(GDVN) - Cổ nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu “Ra cát”?

    Chia sẻ về nghề nghiệp của mình, ông Truyền cho biết, bất cứ luật sư nào muốn có khách hàng trả thù lao cho, trước tiên họ phải thực hiện chức năng xã hội của mình một cách miễn phí. Thậm chí việc trợ giúp pháp lý miễn phí còn kéo dài trong suốt quá trình làm nghề.

    Thông qua việc trợ giúp pháp lý cho những người yếu thế hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn một cách miễn phí, luật sư cũng quảng bá được hình ảnh của mình. Như vậy, họ được danh tiếng xã hội, được thêm khách hàng và đó là những cái được lớn nhất chứ không phải tiền thù lao.

    Cũng theo ông Truyền, chuyện một ai đó tới nhờ luật sư bào chữa mà không có tiền bị luật sư từ chối là chuyện hoàn toàn bình thường bởi vì người ta sống hoàn toàn dựa vào thù lao. Nhưng nếu mặc định quan điểm rằng chỉ có tiền họ mới làm hoặc họ chỉ bào chữa cho những người có tiền là sai. Lý do là bởi theo luật sửa đổi, 100% luật sư đều tham gia vào hoạt động bào chữa miễn phí ít nhất 3 – 5 lần/năm, dù có người hoạt động nhiều, có người hoạt động ít.

    “Nói thật phần thù lao nhà nước trả cho việc trợ cấp pháp lý của luật sư không đáng kể, không đủ để chi trả cho bất kỳ khoản phí hàng ngày nào cả. Đó chỉ như một “món quà” động viên chúng tôi thôi”, ông Truyền nhấn mạnh.

    Không nên xét nét câu nói vạ miệng!

    Một góc nhìn khác, Luật sư Lê Đức Tiết – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại cho rằng có thể ý ông Đương không phải vậy.

    “Có lẽ ông ấy không có chủ ý nói chỉ những người có tiền mới được luật sư bào chữa cho. Xét về bối cảnh phát ngôn, nhiều khi người ta chỉ cần cắt phần phát biểu của ông ấy ra lấy đúng mỗi câu đó, người đọc có thể sẽ hiểu sai ý.

    Luật sư Lê Đức Tiết – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    Luật sư Lê Đức Tiết – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

    Cũng có thể câu hỏi của phóng viên chưa rõ ý hoặc cách ông ấy trả lời chưa rõ ràng dẫn tới câu nói sơ hở, vạ miệng đó. Chỉ dựa vào một câu nói mà đánh giá ông ấy thì không nên và làm thế cũng không thỏa đáng. Chúng ta chỉ nghe báo chí tường thuật lại như thế chứ thực hư câu nói của ông ấy như thế nào thì chưa rõ”, ông Tiết nêu quan điểm.

    Tuy nhiên, vị luật sư này cũng thừa nhận thực tế, đúng như ông Đương nói “không có thù lao thì lấy không khí sống à?”. Theo ông Tiết, đại đa số luật sư đều có nhận thức là phải cống hiến cho xã hội, phải bào chữa, bảo vệ cho những người yếu thế, những người thuộc diện chính sách...

    Đối nhau chan chát quanh phát ngôn của Đại biểu Đỗ Văn Đương  ảnh 4Binh pháp quan trường - kế thứ hai: “Tân tạo nhân diện”

    (GDVN) - Trong dân gian, người Việt cũng lưu truyền nhiều kiến thức về Nhân trắc học cho hậu thế,...“mặt vuông chữ điền”, “mặt sắt đen xì” ,“mặt thịt”.

    “Thế nhưng, nếu chỉ bào chữa miễn phí mãi thì sao họ sống được? Chưa kể, ở xã hội Việt Nam, luật sư không thể sống được theo phí của luật sư, nhất là khi họ không có lương hưu. Do vậy, nhiều luật sư, nhất là lớp trẻ mới vào nghề phải quan tâm tới phần phí. Có như vậy họ mới sống được và tôi nghĩ đó cũng là nguyện vọng chính đáng”, ông Tiết khẳng định.

    Bên cạnh đó, ông Tiết cũng cho rằng, không hẳn luật sư chỉ bào chữa cho những người có tiền. Luật sư nào cũng có lúc bào chữa miễn phí, có lúc bào chữa phải có phí.

    “Đáng buồn là có những người, ngay cả thẩm phán hay kiểm sát viên lại có quan niệm sai trái rằng luật sư chỉ bào chữa cho những người có tiền. Vậy nên mới xảy ra tình trạng nhiều khi người ta “ngại” mời luật sư, thậm chí thẩm phán, kiểm sát viên cũng có người khuyên các bị cáo không nên mời luật sư”, ông Tiết nói.

    Đến nay, bất chấp những phản ứng dữ dội từ giới luật sư, đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương vẫn khẳng định ông sẽ không đính chính phát ngôn trên của mình.

    “Tôi nói thế là đúng, xuất phát từ thực tế. Tôi không nói luật sư bào chữa vì tiền mà là bào chữa cho người có tiền. Người ta làm việc thì phải có thù lao chứ không lấy gì mà sống”- ĐB Đương nhấn mạnh.

    Hôm qua, 31/10, đại biểu Đương tiếp tục có thêm phát biểu Công chức ma, hưởng lương không làm việc, chỉ muốn làm quan, dự báo sẽ tiếp tục gây tranh cãi.

    PHONG NGUYÊN