Từ đó xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng mức án đó là chưa đủ mức răn đe và thời gian tới, các nhà làm luật cần chỉnh sửa bộ luật hình sự để cho những đối tượng gây ra hành vi tàn ác như Luyện đã làm, phải trả giá đích đáng cho hành vi của mình.
Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với TS. Đỗ Đức Hồng Hà nguyên là Giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội hiện đang là cán bộ của Bộ Tư pháp. Dưới đây là những ý kiến chia sẻ của TS Hà.
TS. Đỗ Đức Hồng Hà (nguồn internet) |
PV: Dưới góc độ là một chuyên gia luật, ông đánh giá thế nào về vụ án thảm sát cướp vàng ở Bắc Giang xảy ra vừa qua?
TS Đỗ Đức Hồng Hà: Đây là một vụ án nghiêm trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi mức độ gây án dã man, chết nhiều mạng người, những điều về bản thân hung thủ chưa đủ 18 tuổi này và vì giết người để thực hiện hành vi khác. Nhưng Luyện chưa đến 18 tuổi thì không thể nào xử nặng hơn 18 năm được.
PV: Xin ông nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Đó là năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi tất yếu của xã hội. Để có được năng lực này con người phải đạt độ tuổi nhất định. Do vậy, độ tuổi cũng là điều kiện của chủ thể của tội phạm nói chung và tội giết người nói riêng.
Xuất phát từ mối quan hệ giữa độ tuổi và năng lực TNHS, Luật Hình sự Việt Nam không trực tiếp qui định người như thế nào là người có năng lực TNHS mà chỉ qui định tuổi chịu TNHS và tình trạng không có năng lực TNHS.
Với việc qui định này, Luật Hình sự Việt Nam mặc nhiên thừa nhận những người đã đạt độ tuổi chịu TNHS và không trong tình trạng không có năng lực TNHS là những người có năng lực TNHS.
Cần nói thêm rằng: Năng lực TNHS là năng lực của tự ý thức được hình thành trong quá trình phát triển của cá thể về mặt tự nhiên và xã hội. Ở mỗi con người bình thường đều có khả năng hình thành, phát triển ý thức và tự ý thức, nhưng phải trải qua quá trình hoạt động và giáo dục trong điều kiện xã hội khả năng đó mới có thể trở thành hiện thực.
Vì vậy, năng lực TNHS chỉ được hình thành khi con người đã đạt độ tuổi nhất định và năng lực đã được hình thành sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện trong một thời gian nhất định tiếp theo. Khi đã đạt độ tuổi đó, con người nói chung sẽ có năng lực TNHS, trừ trường hợp cá biệt có sự không bình thường về tâm, sinh lí - những trường hợp mà Luật Hình sự coi là trong tình trạng không có năng lực.
Vì chủ thể của tội phạm nói chung và tội giết người nói riêng là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định khi thực hiện tội phạm cho nên, người chưa đạt độ tuổi bắt đầu có năng lực TNHS sẽ được coi là người không có lỗi vì chưa có năng lực TNHS.
Theo qui định tại khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 8 và Điều 93 BLHS năm 1999, thì chủ thể của tội giết người là những người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Qui định này dựa trên kết quả nghiên cứu tâm sinh lí con người và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam, đồng thời nó cũng phù hợp với khả năng nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vi giết người và khả năng điều khiển hành vi phù hợp với sự nhận thức của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
PV: Dư luận đang đặt ra, theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, con người phát triển sớm hơn so với thời gian trước. Chúng ta có cần thay đổi mốc tuổi 14 này hay không?
TS Đỗ Đức Hồng Hà: Mặc dù độ tuổi chịu TNHS của người phạm tội giết người đã được qui định trong BLHS là từ đủ 14, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm chưa tán thành. Có quan điểm đề nghị giảm độ tuổi chịu TNHS của người phạm tội giết người, nhưng có quan điểm lại đề nghị tăng.
Quan điểm đề nghị giảm độ tuổi chịu TNHS của người phạm tội giết người xuống 12 hoặc 13 cho rằng, hiện nay do KT - XH có sự phát triển nhanh chóng, năng lực nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi phù hợp với sự nhận thức của con người được hình thành sớm hơn so với trước.
Vì vậy, ở lứa tuổi 12 hoặc 13 cũng có thể nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng tự chịu trách nhiệm độc lập về hành vi đó, cho nên 12 hoặc 13 tuổi là phải chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do cố ý nói chung và tội giết người nói riêng.
Quan điểm đề nghị tăng độ tuổi chịu TNHS của người phạm tội giết người lên 15 hoặc 16 lại cho rằng, mặc dù độ tuổi là điều kiện để xác định năng lực TNHS, nhưng nó cũng có tính độc lập và là điều kiện thứ hai của chủ thể của tội phạm.
Tính độc lập của độ tuổi thể hiện ở chỗ nó vừa là điều kiện để con người có năng lực TNHS lại vừa thể hiện chính sách hình sự và truyền thống lập pháp của một quốc gia trong việc xử lí người chưa thành niên phạm tội. Do đó, xã hội càng phát triển, thì độ tuổi chịu TNHS càng (phải) cao.
Trong hai quan điểm trên, tôi ủng hộ quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, việc hạ thấp độ tuổi chịu TNHS là không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội giết người do người chưa thành niên thực hiện, việc tăng độ tuổi chịu TNHS sẽ không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Vì vậy, tôi cho rằng, lựa chọn mức "đủ 14 tuổi" như qui định tại Điều 12 BLHS năm 1999 là phù hợp với lí luận và thực tiễn
PV: Ở các nước trên thế giới, quy định về độ tuổi tối thiểu chịu TNHS như thế nào? Xin ông cho ví dụ cụ thể?
TS Đỗ Đức Hồng Hà: Trên cơ sở kết quả của các công trình nghiên cứu về tâm sinh lí, trên cơ sở truyền thống lập pháp và chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, các nước khác nhau qui định tuổi bắt đầu có năng lực TNHS không giống nhau.
Cụ thể: Độ tuổi này ở Bồ Đào Nha, Cu Ba là 16; Na Uy là 15; I-ta-li-a là 14; Gia-mai-ca là 12; Anh là 10; Ni-giê-ri-a là 7...
Do có qui định chung về tuổi chịu TNHS khác nhau dẫn đến những qui định khác nhau về tuổi chịu TNHS của chủ thể tội giết người: ở Bồ Đào Nha, Cu Ba là 16; Na Uy là 15; I-ta-li-a là 14; Gia-mai-ca là 12; Anh là 10; Ni-giê-ri-a là 7.
"Nguồn: Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lí (1999), Chuyên đề về: Tư pháp hình sự so sánh, Hà Nội, tr. 278". |
Các nước qui định tuổi chịu TNHS cao như Bồ Đào Nha, Cu Ba, Na Uy, I-ta-li-a..., thì biện pháp của TNHS thường rất nghiêm khắc. Người phạm tội khi đã đủ tuổi chịu TNHS đều bị đe doạ áp dụng hình phạt.
Ngược lại, các nước qui định tuổi chịu TNHS thấp như Gia-mai-ca, Anh, Ni-giê-ri-a, Xing-ga-po..., thì biện pháp của TNHS thường ít nghiêm khắc.
Người phạm tội khi vừa đủ tuổi chịu TNHS sẽ không bị áp dụng hình phạt mà chỉ bị áp dụng những biện pháp mang tính phòng ngừa như: Giáo dục tại địa phương, đưa vào trường giáo dưỡng, bắt buộc lao động trong một số cơ sở nhất định...
PV: Trở về với trường hợp Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát cướp vàng ở Bắc Giang vừa qua, nhiều người cho rằng: khi không thể xử tử hình hoặc tù chung thân đối Lê Văn Luyện thì phải xử Lê Văn Luyện nhiều năm tù hơn là con số 18 năm?
Lê Văn Luyện khi bị bắt |
TS Đỗ Đức Hồng Hà: Đứng về phía nạn nhân và dư luận, việc xử Luyện nặng hơn thì có thể làm dịu bớt dư luận. Nhưng đứng ở góc độ gia đình của Luyện thì việc này làm tăng mức độ đau đớn của họ.
Mặt khác, điều này trái với bản chất nhân đạo của nhà nước XHCN. Vì đây là tuổi của người chưa thành niên mà có các đặc điểm đặc biệt. Việc Luyện phải chịu mức án tối đa như báo chí đã đưa thể hiện chính sách nhận đạo của nhà nước đối với người chưa thành niên.
Xã hội càng văn minh, càng nhân đạo thì mức án dành cho người chưa thành niên càng nhẹ và tuổi phải chịu TNHS càng cao. Điều đó không có nghĩa là sẽ không xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội. Người ta sẽ chuyển sang những biện pháp khác như hành chính, dân sự hoặc là biện pháp tư pháp.
Tôi nghĩ chúng ta không nên chỉnh sửa bộ luật hình sự vì lý do này.
Đối với trường hợp của Luyện thì chỉ phải chịu hình phạt cao nhất là 18 năm. Không chỉ vậy, Luyện còn có thể phải có trách nhiệm dân sự liên quan đến việc bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Ngoài ra tôi nghĩ, đối với người chưa thành niên còn có rất nhiều lý do để người chưa thành niên không phải chịu mức án cao quá 18 năm tù:
Thứ nhất là: Do phát triển chưa hoàn thiện tâm sinh lý
Thứ hai là: Do ảnh hưởng bởi môi trường sống: bởi sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Lỗi của người chưa thành niên, nói 1 cách nôm na là: được chia làm 2, gia đình, nhà trường và xã hội chịu một nửa, người chưa thành niên chỉ chịu một nửa thôi. Cho nên không thể xử họ quá 18 năm tù.
Thứ ba là: Người chưa thành niên là tương lai của đất nước nên những người ở lúa tuổi đó, họ chưa bước vào đời nên cần phải có con đường mở để cho họ có thời gian để họ có thời gian cống hiến cho đất nước. Họ chưa biết gì về đời mà xử tủ họ thì hết đời. Không những vậy họ còn là những người dễ cải tạo.
Thứ tư là: Người chưa thành niên là người còn đang muốn khám phá, tò mò. Nếu trừng trị nặng sẽ triệt tiêu động lực phát triển.
Thứ năm là: Nguyên tắc nhân đạo: người chưa thành niên là hạnh phúc gia đình. Nếu mình xử nặng thì coi như mình đã giết chết một gia đình. Ví dụ như một đứa con của một gia đình mà bị xử tử thì gia đình đấy gần như tan nát. Mà gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào xã hội bị tổn thương thì xã hội đó bị tổn thương.
Như vậy bảo vệ người chưa thành niên cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ xã hội.
Xin cảm ơn Tiến sỹ!