Đòn cảnh báo của bà đầm thép đến Trung Nam Hải

04/08/2016 08:50
Ngọc Việt
(GDVN) - Ăn cắp công nghệ hạt nhân của các cường quốc Anh – Pháp mới là mục đích thực sự của Bắc Kinh khi quyết định tham gia dự án Hinkley Point C.

BBC ngày 1/8 đưa tin, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tha thứ cho những nghi ngờ của chính phủ Anh về các khoản đầu tư của Trung Quốc vương quốc sương mù, sau khi Số 10 phố Downing hoãn xem xét việc quyết định dự án điện hạt nhân Hinkley Point C mà Trung Quốc có 33,5% cổ phần trong đó.

Trước đó, nữ Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng bà lo ngại cho an ninh quốc gia khi có Trung Quốc tham gia vào dự án điện hạt nhân thế kỷ này của nước Anh.

Ngay lập tức, London nhận được phản ứng khó chịu từ Bắc Kinh. BBC dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho biết, Bắc Kinh không thể hiểu được "cách tiếp cận đáng ngờ về việc đầu tư của Trung Quốc".

Tân Hoa Xã nhận định sự chậm trễ "không chỉ gây nghi ngại trong chính sách thu hút đối đầu tư nước ngoài của chính phủ Anh, mà nó con gây tổn hại cho "kỷ nguyên vàng" của mối quan hệ Trung Quốc – Anh quốc".[1]

Tân Hoa Xã cũng cho biết: "Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn hiểu và tôn trọng yêu cầu của chính phủ Anh cần có thêm thời gian để suy xét sự việc. Trung Quốc sẵn sang chờ đợi chính phủ Anh đưa ra một quyết định hợp lý và có trách nhiệm.

Nhưng Trung Quốc không thể chấp nhận bất cứ lời buộc tội nào, phủ nhận sự chân thành của mình và luôn đảm bảo cho một hợp tác hai bên cùng có lợi".

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May – "Thatcher Đệ nhị" sẽ có thể chấm dứt kỷ nguyên vàng của quan hệ Trung Quốc – Anh quốc, khiến cho Trung Nam Hải giận giữ. Ảnh: PA.
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May – "Thatcher Đệ nhị" sẽ có thể chấm dứt kỷ nguyên vàng của quan hệ Trung Quốc – Anh quốc, khiến cho Trung Nam Hải giận giữ. Ảnh: PA.

Dự án điện hạt nhân Hinkley Point C được khởi phát ý tưởng từ thời chính phủ của cựu Thủ tướng Tony Blair vào năm 2006 khi nước Anh tìm kiếm nguồn năng lượng mới ổn định.

Dự kiến tổ hợp nhà máy điện hạt nhân này sẽ hoạt động trong 60 năm, được kỳ vọng sẽ cung cấp 7% lượng điện cho nước Anh và người dân chỉ phải trả một giá điện trong vòng 35 năm.

Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 18 tỷ bảng (khoảng 24,5 tỷ USD) được trao cho Công ty của Pháp EDF – đơn vị chuyên thực hiện các dự án điện hạt nhân của Pháp – triển khai. [2]

Tuy nhiên, do Công ty EDF khó khăn về nguồn vốn nên Dự án Hinkley Point C liên tục bị dời lại.

Đến hạ tuần tháng 9/2015, khi Bộ trưởng Tài chính Anh lúc đó là ông George Osborne có chuyến thăm Trung Quốc và nước Anh đã đồng ý để Trung Quốc tham gia vào dự án với 33,5% cổ phần.

Tháng 10/2015 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức nước Anh, mở ra "kỷ nguyên vàng" cho quan hệ Trung – Anh và Hinkley Point C được xem là dấu mốc khởi phát cho kỷ nguyên vàng ấy. [4]

Song dự án Hinkley Point C đã bị một số thành viên Nội các nghi ngại, thậm chí phản đối, trong số đó có Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.

Mặc dù vậy, bộ ba Thủ tướng Cameron – Bộ trưởng Tài chính George Osborne – Bộ trưởng Năng lượng Amber Rudd vẫn quyết định đồng ý cho Trung Quốc tham gia vào dự án điện hạt nhân thế kỷ này.

Thậm chí bà Rudd còn muốn Bắc Kinh nắm vai trò chủ đạo trong việc xây các nhà máy điện nguyên tử mới ở Anh. 

Theo dự kiến thì ngày cuối tháng 7/2016 sẽ chính thức ký kết thoả thuận về Dự án Hinkley Point C và tháng 9/2016 sẽ khởi công. Vậy nhưng, chỉ vài giờ trước khi thoản thuận được ký kết, chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May đã tuyên bố tạm thời dừng lại việc ký kết.

Nguyên nhân được nhận diện là sự lo ngại về an ninh của nước Anh khi có Trung Quốc tham gia vào dự án, bởi người Anh cho rằng kỹ thuật điện hạt nhân của Trung Quốc chưa được kiểm chứng.

Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, việc dự án Hinkley Point C bị đình lại có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ là an ninh cho nước Anh hay sự tốn kém, không hiệu quả của dự án này. 

Ngăn chặn nguy cơ từ sai sót của Thủ tướng Cameron biến thành hậu hoạ cho nước Anh

Người viết cho rằng, chính phủ của cựu Thủ tướng Cameron đồng ý để Trung Quốc tham gia vào dự án Hinkley Point C không thể được xem là sự lựa chọn hợp lý.

Đòn cảnh báo của bà đầm thép đến Trung Nam Hải ảnh 2

Brexit không hẳn là sai lầm, không chỉ có hậu quả

(GDVN) - Lợi hay hại từ Brexit là do nhận diện sự tích cực của vấn đề này. Đặc biệt là nhận diện thật – giả trong hiệu ứng của Brexit với mỗi quốc gia.

Một phần là bởi kỹ thuật điện hạt nhân của Trung Quốc chưa đạt tới trình độ theo như mong muốn của người Anh, một phần bởi sự lựa chọn kiểu như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Cả Bắc Kinh và London đều không có quá trình chuẩn bị cho sự việc này, do vậy đây là một sự lựa chọn mạo hiểm của chính phủ Anh. Biết là mạo hiểm sao ông Cameron vẫn quyết đính định? Người viết cho rằng tất cả đều nằm ở nguy cơ Brexit.

Ngược dòng thời gian, tháng 1/2013 Thủ tướng David Cameron hứa với cử tri nước Anh sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU, nếu đảng của ông đạt được đa số trong cuộc bầu cử ngày 7/5/2013.

Kết quả đảng Bảo thủ thắng cử. Vì vậy, ngày 13/5/2013, đảng Bảo thủ công bố dự luật Trưng cầu dân ý về EU (gọi tắt là HC Bill 11). [6]

Dự luật HC Bill 11 đã được Nghị viện Anh thông qua và ngày 23/6/2016 được chọn là ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hay None – Brexit.

Tuy nhiên, với tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi trước khi diễn ra trưng cầu dân ý, Thủ tướng Cameron đã dự cảm được việc phần đông người dân xứ sương mù sẽ chọn Brexit.

Điều đó cũng đồng nghĩa với sự nghiệp chính trị của ông sẽ khép lại. Ông Cameron sẽ trắng tay theo canh bạc cuộc đời này.

Đương nhiên ông Cameron sẽ không chấp nhận điều ấy, Nhưng phải làm sao, nhờ vả ai? Hoa Kỳ đã chuyển hướng về Châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ London – Washington không còn thân thiết như dưới thời cặp đôi Bush – Blair.

Với Nga thì Anh đang nằm trong liên minh cấm vận nước này. Còn Pháp, nếu Brexit diễn ra thì Cameron không thể là người bạn gần gũi được nữa.

Trong 4 thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chỉ có Trung Quốc là nơi mà Cameron hy vọng có thể cứu vãn sự nghiệp của mình, dù Brexit hay None - Brexit.

Một chức vị như đặc sứ Trung Đông của Tony Blair với đầy bổng lộc có thể nhận diện là ước muốn của Cameron, nhưng nếu không có 1 trong 5 thành viên của “bộ Ngũ quyền lực” đề cử thì ước mơ sẽ chỉ là mơ ước.

Cameron chọn Trung Quốc để làm “bà đỡ” cho hậu vận của ông. Việc xây dựng "kỷ nguyên vàng" với Trung Quốc ngay từ khi cuộc trưng cầu dân ý chưa diễn ra cho thấy ông Cameron đã từng bước chuẩn bị cho hậu vận của mình.

Vì vậy, việc nữ Thủ tướng May hoãn lại, thậm chí có thể đình lại dự án Hinkley Point C không chỉ làm Bắc Kinh phật lòng mà còn khiến cho Cameron thất vọng, tình bạn vàng David Cameron – Tập Cận Bình có thể sẽ kết thúc vì Trung Quốc bị hất khỏi dự án Hinkley Point C.

Ông David Cameron mời bia ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, ảnh: CNN.
Ông David Cameron mời bia ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, ảnh: CNN.

"Magaret Thatcher Đệ nhị" đã quyết định chấm dứt cơ hội cho Cameron một ngày nào đó có thể quay trở lại Số 10 phố Downing, cũng như muốn kết thúc sớm sự nghiệp chính trị của đồng minh một thời để tránh hậu hoạ cho nước Anh.  

Tránh thất bại như bài học Hồng Kông khi Trung Nam Hải nuốt lời

Năm 1984, khi chính phủ Anh của Thủ tướng Magaret Thatcher phải chấp thuận trả Hồng Kong về cho Trung Hoa đại lục vào năm 1997, điều đó được xem là thất bại của “Bà đầm thép” trước nhà lãnh đạo “thấp bé” Đặng Tiểu Bình.

Tuy nhiên, việc giữ cho Hồng Kông được hưởng quy chế riêng trong 50 năm với hình thức “một nhà nước hai chế độ” được xem là thành quả của cố Thủ tướng Thatcher trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân xứ thuộc địa này.

Tuy nhiên, khi đã thuộc về Trung Hoa đại lục thì Hồng Kông nhanh chóng bị Trung Quốc hoá với nhiều hệ luỵ từ chính trị đến kinh tế - xã hội.

Việc lựa chọn người đứng đầu đặc khu này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc Kinh đã khiến cho dân chúng Hồng Kong liên tục biểu tình phản đối.

Cùng với đó là “chất Trung Quốc” đã nhanh chóng gây hại cho Hồng Kông khi những doanh nghiệp làm ăn gian dối từ Trung Hoa đại lục tràn vào Hồng Kông, mang nhãn mác Hồng Kông đi gây hại khắp thế giới.

Công ty Lee&Man đang đầu tư tại Việt Nam là một ví dụ.

Có lẽ khi về dưới suối vàng, cố Thủ tướng Thatcher không nguôi trăn trở về những gì diễn ra tại Hồng Kông bởi bà có lỗi là quá tin vào Bắc Kinh mà không chặt chẽ hơn trong những thoả thuận, khi quyết định trao trả Hồng Kông.

Như vậy, ai có thể đảm bảo người Trung Quốc không nuốt lời, tạo ra những nguy hại cho nước Anh nếu họ được tham gia và triển khai dự án Hinkley Point C? Việc giữa chừng gặp sự cố là hoàn toàn có thể xảy ra theo ý người Trung Quốc. 

Khi kết hợp với EDF của Pháp, Trung Quốc có thể ăn cắp được công nghệ hạt nhân của đất nước hình lục lăng mà họ chưa đủ khả năng vươn tới.

Khi người Trung Quốc quyết tâm gây trục trặc khiến cho người Anh phải tham gia và người Trung Quốc lại có cơ hội ăn cắp công nghệ hạt nhân được xem là bí mật quốc gia tại xứ sở sương mù.

Có thể thấy rằng, ăn cắp công nghệ hạt nhân của các cường quốc Anh – Pháp mới là mục đích thực sự của Bắc Kinh khi quyết định tham gia dự án Hinkley Point C.  

Việc Trung Quốc có thể nuốt trọn Hinkley Point C cũng hoàn toàn có thể xảy ra và lúc đó thì nước Anh phập phồng lo sợ chứ không chỉ trăn trở hay không hài lòng với cách mà Bắc Kinh đang hành xử tại Hồng Kông.

Hồng Kông thì xa, còn Hinkley Point C nằm ngay trên đất nước Anh nên nguy hại của “chất” Trung Quốc trong dự án thế kỷ này là không thể lường được. Rõ ràng, cơ quan tình báo Hoàng gia Anh (MI5) có lý để tác động tới chính phủ hoãn dự án này.

“Ông Nick Timothy, tham mưu trưởng và cố vấn lâu năm của bà May, cũng đã từng chỉ trích thỏa thuận dự án Hinkley Point C khi viết trên trang web Conservativehome.

Timothy cho biết MI5 tin rằng việc tham gia vào dự án Hinkley Point C sẽ tạo điều kiện cho tình báo Trung Quốc tiếp tục hoạt động chống lại lợi ích của Anh không chỉ ở nước ngoài, mà ngay cả tại chính nước Anh." [1]

Đảm bảo giá trị của Brexit

Theo cá nhân người viết, đa số người dân nước Anh chọn Brexit là họ chọn độc lập cho đất nước chứ không chỉ đơn thuần là việc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Đòn cảnh báo của bà đầm thép đến Trung Nam Hải ảnh 4

Không xem quảng cáo… đừng đọc báo

(GDVN) - Trước thực trạng độc giả báo mạng chặn các quảng cáo, một số tờ báo lớn trên thế giới đã phản pháo bằng thông điệp: “Không xem quảng cáo thì đừng đọc báo".

Có thể nhận diện mong muốn của người dân xứ sương mù là nước Anh hậu Brexit sẽ là một nước Anh có quyền tự quyết trong mọi vấn đề mà không bị chi phối hay ràng buộc bởi bất cứ cơ chế nào khác. Khi còn ở trong EU thì điều đó bị hạn chế vì chủ quyền bị nhạt nhoà trong cơ chế liên minh.

Tuy nhiên, khi cựu Thủ tướng David Cameron xây dựng mối "quan hệ vàng" Anh quốc – Trung Quốc thì điều đó có thể khiến cho nước Anh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

London có thể phụ thuộc vào Bắc Kinh với nhiều lợi ích đan xen trong nhiều cơ chế. Khi “ma trận phá hoại” của Trung Nam Hải giăng ra thì có lẽ người bạn vàng ở bên bờ đông Đại Tây Dương ngày càng lệ thuộc vào họ nhiều hơn.    

Có thể nhận diện quan điểm của chính phủ đầu tiên tại xứ sương mù thời hậu Brexit là sẽ xây dựng quan hệ với cả “bộ ba 10.000 tỷ USD” theo phương châm cùng có lợi, chứ không phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào.

Nước Mỹ của Donald Trump hay của Hillary Clinton đều không phải dễ cho nước Anh khai thác lợi ích. EU thì hiện nay chưa thể xem nước Anh là đối tác tin cậy. Như vậy chỉ còn Trung Quốc và đó là điều nguy hiểm nếu London quá ngả về Bắc Kinh.

Carrie Gracie, biên tập viên của BBC cho rằng, Bắc Kinh đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Hinkley Point C bị hoãn lại:

"Bắc Kinh thất vọng bởi sự ảnh hưởng của họ với ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Anh trong tương lai…

Tuyên bố chính thức của Bắc Kinh về việc Hinkley Point C bị chậm trễ là bình thường. Nhưng thực ra Bắc Kinh đang rất lo ngại kỷ nguyên vàng của quan hệ Trung – Anh có thể kết thúc."

Trong khi đó, phát ngôn viên chính thức của Thủ tướng Theresa May đã cho biết quan điểm của chính phủ Anh trong quan hệ với Trung Quốc, sau khi hoãn Hinkley Point C:

"Tất nhiên, với vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với các vấn đề thế giới, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu và trên hàng loạt các vấn đề quốc tế khác, chính phủ Anh sẽ tiếp tục tìm xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc." [1]

Tóm lại, việc chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May hoãn quyết định về dự án điện hạt nhân Hinkley Point C có thể là sự bắt đầu cho nhiều động thái tiếp theo của chính phủ Anh trong việc xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc.

Việc này cũng có thể báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên vàng ngắn ngủi mà cặp đôi Tập Cận Bình – David Cameron vừa mới đặt nền móng. Và điều này cũng được xem là lời cảnh báo nghiêm khắc mà "Thatcher Đệ nhị" của nước Anh gửi tới Tập Cận Bình trong việc xây dựng quan hệ Trung – Anh thời hậu Brexit. 

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.bbc.com/news/uk-36943792

[2]http://www.bbc.com/news/business-36897180

[3]http://www.bbc.com/news/business-36126197

[4]http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/09/150921_uk_china_nuclear_plant

[5]http://www.bbc.com/news/uk-politics-22530655

[6]http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/10/151020_xijinping_uk

Ngọc Việt