Tháng 10-2000, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu (20-10-1950/ 20-10-2000), nhà báo lão thành Hoàng Xuân Tùy đã để lại trên nguyệt san sự kiện và Nhân chứng (số 82, tháng 10-2000) những kỷ niệm sâu sắc trong thời kỳ ông phụ trách tờ Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bắt đầu từ hôm nay, Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng lại bài báo của tác giả Hoàng Xuân Tùy, cùng một số bài viết của các tác giả khác về Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu 60 năm trước.
Cuối tháng 11-1953, vài ngày sau khi quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, tôi được mệnh lệnh lên đường cùng với các cán bộ cần thiết để hình thành một tòa soạn gọn nhẹ ở mặt trận...Tuy ít người, nhưng hiệu suất làm việc của các anh rất cao. Hỗ trợ cho báo Quân đội có một số nhà báo dân sự: Thái Duy, Chính Yên (Báo Cứu quốc); Trần Đĩnh ( Báo Nhân Dân); Nguyễn Văn Nhất ( Đài tiếng nói Việt Nam), Hoàng Tuấn (Việt Nam thông tấn xã). Các anh đó vừa lăn lộn ở mặt trận để viết bài gửi về cho báo, đài của mình nhưng cũng đồng thời cung cấp cho Báo Quân đội nhân dân, tại mặt trận nhiều phóng sự rất có chất lượng do tính chất phục vụ kịp thời của các bài báo đó. Ngoài ra, báo Quân đội nhân dân lại có sẵn nhiều thông tin viên ở các đơn vị chiến đấu cùng ra mặt trận, trong số này tôi vẫn nhớ nhất là anh Lê Kim với nhiều bài thơ trào phúng dí dỏm và anh Ngọc Bằng với nhiều bài phóng sự sống động. Hai anh sau chiến dịch đã trở thành thành viên của tờ báo Quân đội nhân dân.
Nhà báo Hoàng Xuân Tùy (1922-2013) (Ảnh chụp từ sách) |
Ngoài ban biên tập phục vụ cho tờ báo còn có bộ phận phát hành gọn nhẹ và một nhà in dã chiến bảo đảm 2-3 ngày in một tờ Quân đội nhân dân 2 trang với khuôn khổ giống tờ Quân đội nhân dân ở hậu phương, nhưng có thêm dòng chữ " Xuất bản tại mặt trận".
Ngày 28-12-1953, Quân đội nhân dân cho ra số đầu tiên tại mặt trận, đánh số 116 (cùng số với tờ Quân đội nhân dân ở hậu phương) đúng vào thời kỳ các đơn vị chiến dấu đang khẩn trương chuẩn bị trận địa, làm đường kéo pháo, đưa pháo vào trận địa để kịp ngày 26-1-1954 bắt đầu cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ theo phương châm " Đánh nhanh, giải quyết nhanh".
Nhưng đến trưa 26-1-1954, khi các đơn vị tác chiến đã sẵn sàng thì có lệnh hoãn cuộc tiến công và chuẩn bị lại cuộc chiến đấu theo phương châm "Đánh chắc, tiến chắc". Rất nhiều vấn đề đặt ra trong lãnh đạo và chỉ đạo tại mặt trận và Báo Quân đội nhân dân đã cố gắng phản ảnh đầy đủ thực trạng này, theo sát sự diễn biến của tình hình từng nơi, từng lúc.
Tất cả các mệnh lệnh, chỉ thị, ý đồ chỉ đạo của bộ chỉ huy chiến dịch đều thông qua tờ báo truyền đạt đến từng cán bộ, từng chiến sĩ ngay tại các chiến hào hoặc ở các tuyến phía sau.
Nhưng báo không chỉ đăng văn bản chỉ thị, chủ trương, mệnh lệnh của cấp trên ở cơ sở, nêu gương dũng cảm chiến đấu, phục vụ của bộ đội, dân công...có tác dụng cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội và dân công. Báo không chỉ phản ánh cuộc chiến đấu mà phản ánh nhiều mặt khác trong đời sống của bộ đội tại mặt trận như việc ăn, ngủ, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, đời sống tinh thần văn hóa, văn nghệ của bộ đội. Lực lượng dân công, các đơn vị hậu cần, các đoàn xe vận tải cơ giới, thô sơ (xe đạp, ngựa thồ, các thuyền độc mộc chở gạo) đều được phản ánh trên báo; rồi tóm tắt tình hình thế giới, nhất là sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta, tình hữu nghị Việt- Trung -Xô, tin tức ở các chiến trường khác ( Đồng bằng Bắc Bộ, Trung du, Đông Bắc, Liên khu 4, Nam bộ), sự ủng hộ của hậu phương đối với tiền tuyến; tin về cải cách ruộng đất; tình hình địch và những khó khăn chồng chất của địch. Báo có rất nhiều đề án hấp dẫn, các bài viết trên báo thường có ưu điểm ngắn gọn, súc tích nên làm cho cán bộ và chiến sĩ ham thích, đón chờ và say mê tìm đọc.
Không phải ban biên tập có tài năng gì đặc biệt nhưng hoàn cảnh ở chiến trường, cuộc chiến đấu quyết liệt, tinh thần chiến đấu của mọi người đã tạo nên một không khí vô cùng thuận lợi cho người làm báo chúng tôi. Ngoài ra phải nhắc đến sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy mặt trận mà trực tiếp là chủ nhiệm chính trị mặt trận thường xuyên định hướng đúng hướng cho tờ báo.
Sau đây, tôi có sưu tầm được một vài trích đoạn trong các bài báo in tại mặt trận để nói lên tính đa dạng, hấp dẫn của tờ Quân đội nhân dân đối với bộ đội và dân công.
" Trong điều kiện chiến đấu ác liệt và gian khổ ấy, hình ảnh những chiến sĩ nuôi quân tận tụy đã được báo chí phản ánh là những tấm gương hết mình vì đồng đội. Đó là hình ảnh của ba nuôi: Thồ, cò, Long đã đi bộ hơn 3 ngày, trở về 2 ngày, mỗi người gánh 40 cân rau để bộ đội ăn ngon, đánh thắng" ( Lê Yên, bài "Bữa rau mát ruột", Báo Quân đội nhân dân số 122, ngày 11-2-1954).
"Ngoài này anh Vệ thật tươm
Có thức ăn lại có cơm nóng đều
Trong kia lính địch tiêu điều
Mỗi ngày 2 lạng, trôi vèo hết bay
Anh có nước uống đủ đầy
Lính địch thì chỉ mỗi ngày 1 ca
Anh còn có chỗ vào ra
Lũ Tây thì chỉ bó giò một khu
Trời nắng, trong hố tối mò
Giặt Tây chết ngốt, bơ phờ sợi râu
Trời mưa nước chảy hầm sâu
Thì Tây lại nhục hơn trâu ruộng lầy..."
( Lê Kim, bài "Tây còn khổ gấp 10 ta", Báo Quân đội nhân dân số 139, ra ngày 4-4-1954).
"Từ trên các triền núi cao, các chiến hào đổ xuống cánh đồng Mường Thanh. Đó là những giao thông hào trục, nó chạy men theo chân núi thành một vòng lớn xung quanh khu trung tâm. Đường hào lúc này phải sâu ngập đầu người, rộng để mang vác sơn pháo 75, cáng thương vận chuyển dễ dàng hai chiều. Từ đường hào trục, các đường hào ngang hướng thẳng vào căn cứ địch. Trong hào này, hàng loạt hầm được xây dựng: Hầm trú quân, hầm nhà bếp, hầm Ếch để tránh phi lao và máy bay... bảo đảm cho bộ đội sinh hoạt bình thường ngay giữa cánh đồng, kể cả khi địch dùng không quân và pháo binh đánh phá. Từ đây, các đường hào nhỏ hơn chạy chi chít ngang dọc lập thành trận địa các đại đội, trung đội, tiểu đội. Hầm hào được xây dựng thành nhiều kiểu: Hầm vuông cho tổ 3 người có sẵn sàn tre rải lá mắc được màn, hầm chữ thập cho tiểu đội, mỗi tổ một cánh, khi hôị họp học tập, tiểu đội trưởng đứng giữa ngã tư, chiến sĩ ai cũng trông thấy, nghe rõ được " ( Báo Quân đội nhân dân số 128 ra ngày 5-3-1954).
"Đầu tháng 4-1954, chiến hào ta từ hai phía đông - tây khép lại cắt đứt phân khu Nam và khu trung tâm. Sân bay Hồng Cúm bị cắt làm hai. Đến đêm 16-4 trận địa ta đã từ phía đông thông suốt qua phía tây sân bay Mường Thanh. Nhiều giao thông hào của ta đã gặp nhau giữa sân bay, cắt cả phía bắc sân bay thành nhiều mảnh, thực tế biến khẩu hiệu thọc sâu vào dạ dày địch thành cắt đứt dạ dày địch" ( Báo Quân đội nhân dân số 143, ra ngày 19-4-1954).
Đọc lại vài đoạn báo trên đây, tôi như sống lại những tháng ngày làm báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ và rất mong các nhà sử học, các nhà giáo dục học có kể hoạch sưu tầm, khai thác những tư liệu đã đăng trong các bài báo để làm tư liệu giáo dục cho các thế hệ hiện nay và say này, vì các tờ báo tuy in ấn còn thô sơ nhưng lại chưa đựng nhiều nội dung giáo dục vô cùng phong phú.
Nhà báo Hoàng Xuân Tùy (1922-2013) tên thật là Hoàng Tiêu Diêu, quê ở làng Xuân Tùy ( Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Ông nguyên là thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và đào tạo), nguyên Hiệu trưởng trường Bách khoa Hà Nội, nguyên Trưởng ban tuyên huấn mặt trận Điện Biên Phủ, phụ trách Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận.
Bài viết này lấy nguồn từ cuốn sách "Tòa soạn Tiền Phương trong rừng Mường Phăng", nhà xuất bản Quân đội nhân dân.