Reuters ngày 20/7 đưa tin, Nhật Bản đẩy mạnh chỉ trích các hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trong bản Sách trắng quốc phòng 2015 sửa đổi. Tài liệu dày 500 trang này đã được Nội các Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt, lần đầu tiên đưa vào các hình ảnh vệ tinh chụp đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: diariolongino.cl |
Sau khi một số thành viên Nội các Nhật Bản phàn nàn rằng dự thảo Sách trắng quốc phòng 2015 của nước này quá mềm mỏng với Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thêm các nội dung kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa ở Biển Đông mà nó bắt đầu cách đây 2 năm.
Nhật Bản lo ngại căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông có thể gây ảnh hưởng xấu đến tuyến hàng hải thương mại trọng yếu nơi có tổng kim ngạch thương mại trị giá 5 ngàn tỉ USD đi qua mỗi năm.
Bình luận về động thái này, tờ Defense News ngày 20/7 cho biết, trong 18 tháng qua Trung Quốc đã bồi lấp khoảng 800 ha trên 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa (mà Bắc Kinh xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ 1988, 1995 - PV), trong đó có 1 sân bay ở đá Chữ Thập cùng dấu hiệu của một căn cứ radar quân sự. Tất cả điều này được xem như một sự leo thang đáng kể của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi Mỹ đã lên án các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập, những chỉ trích của Nhật Bản làm tăng nhận thức về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, hỗ trợ các bên liên quan khác gồm Philippines, Malaysia và Việt Nam trong việc đối phó với yêu sách (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh ở Trường Sa.
Defense News cho rằng sự quyết đoán của Nhật Bản là tương đối mới và táo bạo, trong tháng này Nội các Nhật Bản đã thúc đẩy thông qua dự luật an ninh quốc gia mới cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể. Động thái này được xây dựng trên một khẳng định từ Sách trắng quốc phòng năm ngoái rằng Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Các nhà phân tích cho rằng đằng sau cách tiếp cận trực tiếp của Nhật Bản có thể là một sự thay đổi sâu sắc hơn về nhận thức, thái độ và phản ứng của người Nhật về vị trí, vai trò của mình ở châu Á.
Jeff Smith, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á tại Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ nhận định: "Cảm giác của tôi là đã có một sự đột biến hữu hình trong mối quan tâm của người Nhật cũng như các hoạt động của họ ở Biển Đông những tháng gần đây."
Đối với Việt Nam và Philippines, sự quyết đoán mới của Nhật Bản có thể báo hiệu rằng Tokyo đang quan tâm nhiều hơn trong việc thể hiện mình là một đối tác, đồng minh đáng tin cậy trong khu vực. Smith bình luận:
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hội nghị APEC năm ngoái tại Bắc Kinh. Ảnh: Japan Times. |
"Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này Tokyo ít quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh so với việc củng cố chiến lược hợp tác sâu sắc hơn với Hoa Kỳ và các nước khác ven Biển Đông để tạo hàng rào chống lại (sự bành trướng của) Trung Quốc".
"Dù tốt hay xấu, Thủ tướng Shinzo Abe dường như đã kết luận rằng biện pháp ngoại giao không thể giải quyết các bất đồng mạnh mẽ như tranh chấp Senkaku trước sự gia tăng hung hãn của Trung Quốc, đó là một xu thế liên tục, dài hạn chứ không phải nhất thời và có thể giảm nhẹ bằng biện pháp ngoại giao", Jeff Smith nói.
Nhật Bản ngày càng có vẻ sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức khác trong khu vực và củng cố vị trí của mình ở Biển Đông. "Điều này rất quan trọng không chỉ vì Nhật Bản có lợi ích trực tiếp trong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, độc chiếm Biển Đông, mà có lẽ còn vì Tokyo cho rằng điều này sẽ khiến các nước khác hỗ trợ lập trường của Nhật trong vấn đề Senkaku một khi căng thẳng bùng phát trở lại", Smith bình luận.
Giáo sư Christopher Hughes nghiên cứu chính trị quốc tế và Nhật Bản từ đại học Warwick bình luận: Nếu Nhật Bản sử dụng từ 'hiếu chiến' để gọi các hành động của Trung Quốc trong Sách trắng quốc phòng mới thì đó sẽ là một bước tiến về mặt ngôn ngữ.
Nhìn chung nó thể hiện sự quan tâm của Nhật Bản đối với Biển Đông. Lợi ích an ninh của Nhật Bản rõ ràng mở rộng xuống Biển Đông và điều này có thể thúc đẩy Tokyo tham gia các hoạt động tự vệ tập thể hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ duy trì tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Giám sát Biển Đông là hoạt động "bình thường mới"
Reuters ngày 20/7 dẫn lời Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ khẳng định trong một cuộc họp báo tại Seoul, Hàn Quốc hôm Thứ Hai 20/7 rằng, chuyến bay giám sát Biển Đông kéo dài 7 giờ của ông hôm Thứ Bảy vừa qua là bình thường, thói quen, giống như các chuyến bay có sự tham dự của phóng viên CNN trước đó.
"Chúng tôi có lực lượng triển khai trên toàn khu vực để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đảm bảo tự do hàng hải", tướng Swift nói. Washington đã yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Có sự bất ổn đang hiện diện trong khu vực này và chính điều đó tạo ra sự không chắc chắn. Tôi ước gì có một quả cầu pha lê mà có thể nhìn vào đó để thấy tương lai. Tôi lo ngại về các lực lượng gây bất ổn định và dường như nó ngày càng nhiều hơn trong thời gian gần đây", tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết.
Đa Chiều ngày 20/7 bình luận, kế hoạch "dấy binh ở Biển Đông" của Thủ tướng Shinzo Abe chỉ còn là vấn đề thời gian. Các tàu chiến, máy bay mà Mỹ bố trí ở Philippines, Singapore có thể giám sát Biển Đông bất cứ lúc nào