Ngày 22/2, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 31 do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) ký, đã khuyến khích bỏ tục đốt vàng mã.
Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) thống nhất tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm.
"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo", công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.
Đốt vàng mã là một tập tục thể hiện quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo nhưng ngày càng bị lạm dụng (ảnh nguồn vtv.vn - chỉ mang tính minh họa). |
Công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.
Đề xuất loại bỏ tục lệ đốt vàng mã ở các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng Phật tử.
Chị Nguyễn Thị Bình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Hàng năm tôi vẫn đốt vàng mã tại các cơ sở tín ngưỡng đền, chùa.
Qua báo chí, có nói đến mặt trái của tệ nạn đốt vàng mã nhưng thấy ai cũng đốt vàng mã nên tôi cũng làm theo.
Do đó, nếu các cơ sở Phật giáo không cho phép đốt đồng loạt thì tôi cũng chấp hành.
Bởi, tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng ở chỗ thành tâm chứ “hối lộ” thánh, thần, Phật là không nên”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Bính ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ với phóng viên: “Rõ ràng, nếu không được đốt vàng mã ở chùa là tốt.
Bởi, nhà Phật không có tín ngưỡng đốt vàng mã. Nhưng thấy ai cũng đốt nên nhiều năm gia đình cũng mang vàng mã đến chùa đốt. Giờ, nếu cấm thì tôi cũng tuân thủ chứ không có ý kiến gì”.
Phó Giáo sư Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) |
Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Ông Lê Quý Đức rất đồng tình với chủ trương loại bỏ tục lệ đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tín ngưỡng của Phật giáo.
Theo vị chuyên gia này: “Nhà Phật không dạy đốt vàng mã. Nếu như bên các nhà chùa mà người ta chủ trương như vậy thì những ai là tín đồ của Phật, theo Phật hãy ủng hộ, làm theo”.
Phó Giáo sư Lê Quý Đức phân tích thêm: “Việc đốt vàng mã ngày nay đã có những biểu hiện của sự cuồng tín.
Việc dừng đốt vàng mã có quá nhiều lợi ích. Trước hết, không bị tốn phí, tiền của. Giảm được ôi nhiễm môi trường và nguy cơ cháy.
Do đó, nếu đã đi theo nhà Phật, là phật tử thì chủ trương của Giáo hội Phật giáo đưa ra các phật tử nên chấp hành tuân theo”.
Bàn luận thêm về tục đốt vàng mã, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cho rằng: “Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Đạo giáo hay tín ngưỡng tùy táng chôn theo người chết.
Việc quan niệm đốt vàng mã cho người dưới âm phủ, ở thế giới bên kia có tiền tiêu, quần áo, trang phục để mặc đó là quan niệm của tín ngưỡng dân gian.
Tôi cho rằng, những người theo tín ngưỡng trên nên tiết kiệm và hưởng ứng nhà Phật, những người theo Phật”.
Cuối cùng ông Lê Quý Đức cho rằng: “Nên vận động người dân bỏ dần tục lệ đốt vàng mã nhưng không nên bắt buộc họ từ bỏ tục lệ bằng mệnh lệnh hành chính.
Các phật tử nêu gương để những người có niềm tin, tín ngưỡng khác thấy rằng nhà Phật đưa ra như vậy, phật tử không đốt vàng mã nhưng vẫn sống đàng hoàng, ăn nên làm ra.
Chứ không cứ đốt nhiều vàng mã cho thánh thần, tổ tiên ông bà thì mới được phù hộ, mới là có hiếu”.