Dù giảm 50% học phí, ngành kỹ thuật vẫn không thu hút được sinh viên nữ vào học

28/06/2023 06:37
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều năm nay, có cơ sở giáo dục liên tục giảm học phí nhằm thu hút sinh viên nữ học ngành kỹ thuật nhưng vẫn không hiệu quả.

Nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ hiện nay tương đối lớn. Mặt khác, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ khối ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, số lượng nữ sinh tham gia học khối ngành này vẫn còn rất ít.

Thực tế, nhiều năm nay, một số trường đại học, cao đẳng đã và đang thực hiện chính sách hỗ trợ giảm học phí nhằm thu hút đối tượng nữ tham gia học tập khối ngành kỹ thuật nhưng công tác tuyển sinh và đào tạo vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn nhất định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Bàn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Trần Việt Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Theo đó, nhà trường đã triển khai và áp dụng chính sách giảm học phí cho nữ sinh theo khối ngành kỹ thuật được nhiều năm nay. Hiện trường có 18 ngành, nghề liên quan đến kỹ thuật. Để thu hút, trường hỗ trợ giảm 50% học phí cho các nữ sinh trúng tuyển.

Ngoài ra, hàng năm nhà trường đều tổ chức các ngày hội doanh nghiệp cấp khoa, ngày thành lập trường, ngày hội việc làm, tại đây các doanh nghiệp cũng trao nhiều suất học bổng có giá trị ưu tiên cho sinh viên nữ theo học.

Các ngành thường có ít sinh viên nữ theo học bao gồm công nghệ cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật nhiệt. Những ngành học này thông thường chỉ có 1-2 sinh viên nữ/lớp, thậm chí có những năm không có sinh viên nữ nào theo học.

Thầy Việt Dũng nhận định: “Nữ giới theo học những ngành kỹ thuật chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam. Chính vì lẽ đó, trường luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa đối với các sinh viên nữ vì môi trường học tập liên quan các ngành kỹ thuật khá cứng nhắc, khô khan.

Nữ sinh không mạnh mẽ như nam sinh nhưng lại có sự khéo léo và tỉ mỉ, đây là điều rất cần thiết trong các ngành kỹ thuật để khiến mọi thứ trở nên hài hòa, cân bằng hơn”.

Không chỉ giúp cho môi trường học tập trở nên dễ chịu hơn, có nam và nữ trong một lớp học còn đảm bảo được tính kỷ luật, rèn luyện cách giao tiếp hàng ngày.

Ngoài ra, khi thực hiện làm bài tập nhóm hay bàn luận về một vấn đề cũng sẽ có những góc nhìn, ý tưởng và giúp buổi học sôi nổi, thú vị hơn.

Mặt khác, trong môi trường làm việc về lĩnh vực kỹ thuật khi có nữ giới phần nào tạo không khí làm việc sôi động, trẻ trung và không bị nhàm chán.

Điều này sẽ dễ dàng tạo tâm lý thoải mái, dễ chịu cho người học, người làm, giảm bớt áp lực, stress trong công việc để tạo ra hiệu quả làm việc và doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển.

Theo góc nhìn chuyên môn, sinh viên nữ học và làm về kỹ thuật có những đặc điểm rất phù hợp với các doanh nghiệp hiện nay về tác phong công nghiệp, cách tổ chức, kỷ luật, ý thức sắp xếp công việc.

Thầy Dũng nhìn nhận, nữ sẽ ít xảy ra tình trạng “nhảy việc”, “cả thèm chóng chán” nên doanh nghiệp có phần khá ưu ái khi tuyển dụng nhân sự.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, họ cũng rất ấn tượng với góc nhìn mới, chính kiến, có suy luận logic và sự độc lập trong công việc của nữ sinh học về ngành kỹ thuật.

Tuy nhiên một hiện thực đáng buồn là số lượng sinh viên theo đuổi khối ngành kỹ thuật lại có phần giảm sút. Theo thầy Dũng điều này cũng tác động không nhỏ đến số lượng sinh viên nữ trúng tuyển vào trường.

Mặc dù nhà trường đã chủ động tuyên truyền rộng rãi về chính sách hỗ trợ, ưu tiên với sinh viên nữ theo ngành kỹ thuật, thực hiện tư vấn tuyển sinh cho các trường phổ thông nhưng chưa thực sự có hiệu quả.

Trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là khoảng 4.000-5.000 vị trí việc làm, sinh viên tốt nghiệp lại chỉ có 3.000 khiến việc đảm bảo nguồn nhân lực ra thị trường vẫn còn khan hiếm và khó khăn.

Lý giải về thực trạng đang có ít bạn trẻ theo đuổi khối ngành về kỹ thuật, trong đó có cả sinh viên nữ, Trưởng phòng Đào tạo Trần Việt Dũng chỉ ra hai nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, xuất phát từ quan điểm “con trai làm việc nặng, con gái làm việc nhẹ” chính là rào cản làm ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành nghề kỹ thuật của nữ sinh. Mặt khác, bất cứ phụ huynh nào cũng luôn muốn con gái của mình được làm công việc nhẹ nhàng, ổn định, gần gũi gia đình.

Thứ hai, khi nhắc đến ngành kỹ thuật dễ khiến mọi người liên tưởng đến những công việc nặng nhọc, máy móc, dầu nhớt, cơ khí, hệ thống phức tạp. Nhưng trên thực tế với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào trong sản xuất, lao động các ngành kỹ thuật đều được hỗ trợ bằng các thiết bị điều khiển tự động, thay thế bằng robot, băng chuyền, hệ thống sản xuất khép kín.

Chính bởi chưa có cách hiểu toàn diện nên ít phụ huynh, bạn trẻ hướng tới việc đăng ký xét tuyển vào các nhóm ngành kỹ thuật.

Thầy Dũng cho rằng việc nhận thức là vấn đề gốc rễ. Vì vậy, để thu hút được sinh viên theo ngành kỹ thuật điều đầu tiên cần truyền đạt nguồn thông tin về ngành học đến gần hơn với phụ huynh và học sinh ngay từ cấp phổ thông. Theo đó, người tư vấn nghề nghiệp cũng cần hiểu sâu để có sự truyền đạt đúng, đủ, toàn diện về ngành học.

Thứ hai, là các trường cao đẳng, đại học đào tạo chuyên ngành kỹ thuật cần dành nhiều thời gian xây dựng kênh liên hệ thường xuyên, mở rộng phạm vi tuyên truyền, hướng nghiệp để giúp thu hút được sinh viên theo khối ngành kỹ thuật nói chung và sinh viên nữ nói riêng.

Điều này không chỉ giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển sinh, mà còn có nguồn cung dồi dào về nguồn nhân lực cho thị trường.

Thứ ba, về phía các doanh nghiệp tuyển dụng nữ kỹ thuật cũng cần có chính sách đặc thù, hỗ trợ nhiều hơn khi họ tham gia làm các công việc liên quan đến ngành kỹ thuật.

Còn tại Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thực hiện chính sách giảm học phí cho sinh viên nữ theo học ngành kỹ thuật tại trường được hơn 5 năm.

Cụ thể trường giảm 50% học phí năm thứ nhất cho các nữ sinh trúng tuyển các ngành: kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Thầy Nguyễn Minh Trí - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ cho biết tuy đã được triển khai và thực hiện trong khá nhiều năm nhưng lượng tuyển sinh đối với nữ sinh vào các nhóm ngành kỹ thuật vẫn khá chật vật.

Theo thầy Trí, nguyên nhân dẫn đến việc dù giảm học phí vẫn không có nhiều sinh viên nữ theo học là do ngành kỹ thuật là ngành học khá đặc thù, chủ yếu phù hợp với các bạn nam.

Tuy nhiên, thầy Trí cũng nhận định phái nữ làm kỹ thuật cũng có thế mạnh riêng so với nam giới, ngoài về năng lực chuyên môn thì nữ giới đôi khi còn là sợi dây kết nối mọi người trong cơ quan, doanh nghiệp tạo môi trường làm việc thân thiện.

Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng cơ hội việc làm với sinh viên nữ tốt nghiệp cùng ngành kỹ thuật tương đối rộng mở.

Nhà tuyển dụng, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài có sự đánh giá kỹ năng nghề của ứng viên không hẳn ở sức mạnh, mà vào sự khéo léo, tinh nhạy, thậm chí ở các kỹ năng mềm như khả năng ứng xử, giao tiếp… và đây là lợi thế của phái nữ.

Phương Nga