Du lịch học tập cộng đồng đang trở thành một cách học thực tế của sinh viên

23/05/2024 06:27
Võ Văn Minh - Chu Mạnh Trinh

GDVN - Du lịch học tập cộng đồng đã và đang trở thành một tiếp cận học tập thực tiễn của sinh viên trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.

Từ trước đến nay, các trường đại học có xu hướng đào tạo chuyên sâu về kiến thức hàn lâm; tôi rèn kĩ năng nghề nghiệp cho người học tại các giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành,…

Trước khi kết thúc quá trình đào tạo, nhà trường thường cho sinh viên đến các doanh nghiệp, cơ quan quản lí nhà nước, các trung tâm nghiên cứu… để thực tập nghề.

Phần nhiều, chất lượng phụ thuộc ở trình độ giảng viên, cơ sở vật chất và trách nhiệm của các cơ sở thực tập.

Tốt nghiệp đại học, người học có xu hướng tiếp cận “xin việc” ở các cơ quan quản lí nhà nước, viện/ trung tâm, doanh nghiệp…

Một số tự chọn con đường khác, không liên quan gì đến lĩnh vực được đào tạo. Một số ít tự lập nghiệp với ngành nghề được đào tạo và thường là gặp khó khăn ở bước khởi đầu.

Trong thời gian gần đây, nhiều trường đã bắt đầu thay đổi và cổ vũ sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều tổ chức động viên, khích lệ các cuộc thi ý tưởng, kêu gọi vốn; nhiều hoạt động truyền thông khuyến khích sinh viên tốt nghiệp lựa chọn “khởi nghiệp” thay vì “xin việc”.

Tinh thần học tập cũng từ đó thay đổi, người học có khát vọng và nỗ lực nhiều hơn.

Song thực tế thì “khởi nghiệp” khi còn ở ghế nhà trường hay “lập nghiệp” sau khi ra trường thường rất ít “thành công” như mong đợi.

Xét rộng ra, chưa thành công không có nghĩa là thất bại, nhưng đôi khi chưa “đủ chín” và từng trải của tuổi 22-23 đã làm cho không ít người nhụt chí, mất phương hướng.

Bài viết này giới thiệu cách tiếp cận du lịch học tập từ Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và một vài kết quả bước đầu đã giúp các bạn trẻ thành công.

Du lịch học tập – cách tiếp cận từ Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

“Study tour” không phải là quá mới mẻ. Nhiều trường ở nước ngoài đã cho sinh viên đến Việt Nam học hay một số trường ở Việt Nam cũng có những khóa cho sinh viên ra nước ngoài…

Tuy nhiên, qua quan sát phần nhiều các khóa du lịch học tập của sinh viên đến từ các nước có sự đầu tư bài bản, thời gian tương đối đủ dài, sự trải nghiệm học tập rất thật chất… nên được xem là có hiệu quả cao.

Tuy nhiên, các khóa du lịch học tập của một số trường Việt Nam ra nước ngoài thường được người học phản hồi là cần nhưng chất lượng chưa thật nhiều. Phần nhiều là tham quan, quan sát và báo cáo những gì cảm nhận được.

Lí do là thời gian ít, kinh phí hạn chế (người học chưa sẵn sàng đóng phí để học sâu và lâu), nên khó đem lại kết quả tốt như kì vọng.

Tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng hơn 10 năm qua thường xuyên tiếp các đoàn du lịch học tập đến từ các trường đại học trên thế giới.

Sự kết hợp giữa sinh viên quốc tế và Việt Nam trong các chuyến fieldtrip và qua thảo luận đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Sinh viên Việt Nam tự tin hơn, mối quan hệ được thiết lập và nhiều ý tưởng, dự án đã được kết nối.

Bên cạnh đó, du lịch học tập từ một số ngành đào tạo tại trường không phải đến các nước trên thế giới mà thực hiện ngay tại các cộng đồng địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Với sự tài trợ của Qũy môi trường toàn cầu (GEF)/ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), các dự án cộng đồng đã được thiết lập. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng là một bên liên quan tham gia với các cộng đồng.

Du lịch học tập cộng đồng được Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) bắt đầu bằng các lớp học về tài nguyên môi trường, quản lý rác thải, phát triển bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nông nghiệp sinh thái, lâm nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu tại các khu bảo tồn, dần lan rộng đến các địa phương.

Nội dung chính sinh viên cùng học với bà con là phương pháp tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD).

Đây là một cách tiếp cận mềm mại, hữu hiệu, sinh động. Hoạt động này bắt đầu từ Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh (Hội An) sau đó chia sẻ kinh nghiệm cho các cộng đồng ở Tam Hải, Lý Sơn, Hòa Bắc, Bình Sơn, Mộ Đức, Sa Huỳnh… và cũng từ đó một hệ thống kết nối nguồn lực cho phát triển địa phương được đúc kết cùng với nghiên cứu từ các bạn quốc tế và cộng đồng địa phương.

Các lớp học được tổ chức ngày một quy củ hơn để sinh viên tìm hiểu về những nguồn lực kết nối, và cộng đồng đã vận dụng vào phát triển kinh tế ở địa phương.

Với công cụ kết nối nguồn lực, sinh viên được học tập từ thực tiễn, từ tri thức, kinh nghiệm, tình cảm của người nông dân và ngư dân.

Sinh viên cùng học tập với bà con, thảo luận với bà con, và cùng xây dựng các ý tưởng dự án với bà con.

Thực tiễn sinh viên và bà con học tập theo phương pháp này rất hiệu quả và phương pháp này thường gọi là học cùng cộng đồng (Community Engaged Learning).

Một số trường hợp nghiên cứu điển hình (case study) và kết quả bước đầu ở các địa phương miền Trung

Mô hình ở xã Hòa Bắc (Thành phố Đà Nẵng)

Xã Hòa Bắc cách trung tâm thành phố Đà Nẵng tầm 30km về hướng Tây Bắc, là xã miền núi nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà – Núi Chúa, hình thành nên từ các dãy núi có độ cao trung bình vào khoảng 200m so với mực nước biển.

Rừng chiếm 95% diện tích toàn xã, hệ thống khe suối dày đặc, dòng sông Cu Đê được tạo nên từ dòng sông Nam và Sông Bắc, bắt nguồn từ Tà Lang – Giàn Bí, Hòa Bắc chảy đến cửa biển Nam Ô.

Đây là nơi sinh sống của khoảng 4.000 dân bao gồm đồng bào Cơ Tu và người Kinh với các hoạt động kinh tế chủ yếu là nông - lâm - nghiệp.

Hiện nay diện tích rừng tự nhiên tại Hòa Bắc đang bị suy giảm mạnh cả về chất lượng và số lượng khi rừng tự nhiên đa loài bị thay thế bởi rừng cây đơn loài phần lớn là cây keo.

Chính sự suy giảm về chất lượng và diện tích rừng tự nhiên khiến nước từ các hệ thống khe suối và cả dòng sông Cu Đê dần khô cạn, thời tiết trở nên khác thường và sự xuất hiện của thiên tai như sạt lở núi, lũ quét, khô hạn kéo dài… diễn ra ngày càng nhiều tại Hòa Bắc.

Rừng mất cũng là lúc văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu dần mai một, bà con không còn nơi để tìm kiếm thức ăn, không giữ được những bài thuốc quý, không tìm được nguyên liệu để đan lát, dệt vải… không đủ điều kiện để bà con duy trì văn hóa, đời sống hằng ngày buộc bà con phải xa rừng hướng về thành phố để kiếm sống.

Lượng nước và phù sa mà rừng cung cấp hằng năm cho vùng nông nghiệp dần ít đi, khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp, tìm tới phân bón hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường đất, nước, không khí.

Giờ học văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, Hòa Bắc.
Giờ học văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, Hòa Bắc.

Kể từ khi du lịch học tập được kết nối, nhìn nhận được những chuyển biến tiêu cực tại địa phương, bà con Hòa Bắc được kết nối; chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng hỗ trợ, thúc đẩy thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Sinh thái và Du lịch Cộng đồng Hòa Bắc vào ngày 16/03/2023, với 19 thành viên chính thức và hơn 250 thành viên liên kết.

Hợp tác xã xác định mục tiêu là bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển địa phương bền vững.

Từ nguồn lực sẵn có, cộng đồng xây dựng đa dạng chương trình học tập. Lớp học dành cho học sinh từ 6-16 tuổi kéo dài 2-5 ngày; sinh viên cả trong và ngoài nước với chương trình tham quan học tập về văn hóa, nông nghiệp, rừng… thường có thời gian từ 1-7 ngày; nhiều địa phương trên cả nước đến học tập mô hình tại Hòa Bắc.

Từ mục tiêu chung là giữ rừng tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, khôi phục và duy trì sản xuất nông nghiệp sạch, tạo sinh kế mới cho người dân.

Hợp tác xã lấy du lịch cộng đồng làm công cụ để kết nối lực lượng, nâng cao năng lực cộng đồng thông qua việc thực hiện các chương trình học tập…

Lớp học dành cho các bạn nhí được ưu tiên lựa chọn để nâng cao năng lực tổ chức cho cộng đồng, tự xây dựng và thực hiện chương trình (khảo sát nguồn lực, lên chương trình, chuẩn bị nhân lực, phân chia nhiệm vụ, chạy chương trình, họp tổng kết chương trình…).

Sự tò mò và gần gũi của các bạn nhí tạo cơ hội cho người dân được thoải mái chia sẻ câu chuyện.

Sự năng động luôn mong muốn học tập, trải nghiệm nhiều hoạt động của các bạn nhí buộc cộng đồng phải sáng tạo và linh hoạt trên nguồn lực sẵn có tại địa phương như các hoạt động về nông nghiệp (lội đồng, thăm vườn, tìm hiểu các loại cây,) các hoạt động về nếp sống vùng quê (dạo làng, kết nối với các bạn nhỏ địa phương, kể các câu chuyện, lễ nghi, nề nếp trong gia đình, lối xóm…) các hoạt động về tự nhiên (lội suối, tắm sông, ươm cây…), đưa cuộc sống của mình vào du lịch, một cách tự nhiên nhất.

Lớp dành cho các bạn nhí yêu cầu sự an toàn cao giúp bà con có thái độ làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng ngay từ đầu. Qua mỗi hoạt động giúp các bạn phát triển cảm xúc, thể hiện tình yêu thương con người với con người, con người với thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ và tôn trọng môi trường, xây dựng các thói quen lành mạnh như tập thể dục, phân loại rác, viết nhật ký… Kiến tạo môi trường cho các bạn nhỏ học hỏi và chỉ dạy lẫn nhau tạo sự tự tin, độc lập, chia sẻ.

Cộng đồng cần được kết nối với kiến thức khoa học; Nhà trường cần có môi trường đào tạo cho sinh viên; Sinh viên cần môi trường học thực tiễn.

Không chỉ nâng cao về năng lực thực hành, cộng đồng cần được nâng cao về kiến thức khoa học.

Từ những nhu cầu trên, cộng đồng xây dựng chương trình học tập để kết nối giữa khoa học và cộng đồng.

Sự đa dạng của lưu vực sông Cu Đê cùng sự kết nối, sáng tạo của cộng đồng Hòa Bắc phát huy được các thế mạnh về nhiều lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường… Và đó chính là môi trường dạy và học mà các trường đang mong muốn.

Sinh viên trình bày ý tưởng nghiên cứu được xây dựng từ thực tiễn, khi tham gia du lịch học tập cộng đồng tại Hòa Bắc.
Sinh viên trình bày ý tưởng nghiên cứu được xây dựng từ thực tiễn, khi tham gia du lịch học tập cộng đồng tại Hòa Bắc.

Thông qua các chương trình, hợp tác xã giữ gìn được môi trường, phát huy được văn hóa truyền thống, đảm bảo được sinh kế cho người dân, nâng cao được năng lực hoạt động và kiến thức cho cộng đồng.

Đồng thời, hợp tác xã còn là nơi kết nối để nhà khoa học hỗ trợ tri thức, nhà nước hỗ trợ bằng những chính sách, doanh nghiệp đóng góp bằng việc đầu tư và người dân là mấu chốt thực hiện và duy trì bền vững các mục tiêu.

Đến nay, hợp tác xã đã tổ chức được 47 lớp Nhí với 1.155 học viên (các lớp học dịp cuối tuần, dịp lễ Tết, dịp nghỉ hè), 40 lớp sinh viên với 2.520 người, trong đó, 35 lớp sinh viên trong nước với 2.360 người từ các Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, và 5 lớp quốc tế với 160 sinh viên từ Trường Đại học Washington - Mỹ, Trường Đại học Malaysia.

Địa phương đến học tập mô hình gồm 27 đoàn với 1.432 học viên thuộc tỉnh thành trên cả nước (Đức Tân, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); Hội An, Cẩm Kim (Quảng Nam); Đắk Lắk; Hà Giang), và đồng thời Hợp tác xã cũng đã hỗ trợ các địa phương khác thực hiện mô hình du lịch cộng đồng gồm Quảng Ngãi, Cẩm Kim, Sa Huỳnh…

Mô hình ở Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh và Cẩm Kim (Thành phố Hội An, Quảng Nam)

Nằm cuối dòng sông Thu Bồn thơ mộng, thành phố Hội An được thiên nhiên ưu ái ban tặng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông, ven bờ và hải đảo.

Các cồn cát, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, quần cư rong biển, rừng tự nhiên trên đảo, cũng như cảnh quan trên cạn và dưới nước đã và đang mang lại cho Hội An một sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên.

Nơi đây cũng chính là một vùng đất giàu có về tài nguyên văn hóa với các di tích văn hóa lịch sử, lối kiến trúc nghệ thuật, con người đôn hậu, hiếu khách, là minh chứng cho sự giao thoa qua các thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt.

Với những giá trị độc đáo, đặc trưng, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người tại vùng đất này, ngày 26/5/2009 Cù Lao Chàm – Hội An chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cộng đồng nơi đây rất linh động, sáng tạo và biết phát huy các thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa để tạo nên các giá trị dịch vụ to lớn để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng thông qua các hoạt động bảo tồn biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập mặn; bảo tồn dòng sông tại Cẩm Kim, Cẩm Thanh và bảo tồn tính liên kết sinh thái biển, đảo và biển, vùng cửa sông ven bờ.

Đồng thời, cộng đồng nơi đây gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa tại khu phố cổ Hội An, các điểm di tích lịch sử văn hóa của các làng quê, làng nghề như ở đảo Cù Lao Chàm; các giá trị di sản văn hóa của các làng nghề truyền thống Mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà quế,…

Đồng thời, thông qua sự rèn luyện, nâng cao năng lực cộng đồng để cộng đồng phát huy tính sáng tạo trong công tác bảo tồn con Cua đá tại Cù Lao Chàm, các vườn rau hữu cơ, các cánh đồng lúa hữu cơ tại Cẩm Thanh, Cẩm Kim.

Tất cả các giá trị tài nguyên, sự sáng tạo của cộng đồng, sự định hướng của chính quyền thành phố Hội An, đã xác định các hướng đi rất rõ ràng cho thành phố Hội An: “Hội An thành phố Sinh thái, văn hóa và du lịch”.

Từ những năm 2016 đến nay, Hội An trở thành một điểm đến hấp dẫn, cho các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch học tập cộng đồng.

Đặc biệt, nơi đây trở thành một ngôi trường lý tưởng cho các cộng đồng, sinh viên, học sinh, các đoàn nghiên cứu đến tham quan, học tập, trải nghiệm, chia sẻ các câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa,… và hình thành nên khái niệm và mô hình du lịch học tập cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.

Ở Cẩm Thanh, sinh viên và bà con cùng trao đổi về nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, quản lý rác thải, kỹ thuật, kỹ năng, câu chuyện về làm rau, làm lúa, làm vườn, về dạy học trong cộng đồng...

Ở khu bảo tồn biển, sinh viên và các anh chị làm công tác bảo tồn thảo luận trao đổi về bảo tồn nguồn lợi, sinh quyển, về đa dạng sinh học, về phát triển sinh kế, về quan trắc giám sát chất lượng môi trường...

Ở Cù Lao Chàm, sau khi sinh viên có được kiến thức đúc kết về ABCD (Mục tiêu - hành vi -điều kiện- trình độ) thông qua học tập cộng đồng ở Cẩm Thanh và bảo tồn biển thì một lần nữa kiến thức đó được kiểm chứng, củng cố qua hiện trạng bảo tồn, và phát triển cộng đồng ở đảo này.

Sinh viên sẽ có điều kiện học cùng với các nhóm cộng đồng về bảo tồn Cua Đá, du lịch homestay, rau rừng, lá thuốc, sự hợp tác cùng nhau với các nhóm hợp tác xã, hoặc xây dựng các ý tưởng dự án từ cộng đồng như nói không với túi nylon, giảm rác thải nhựa, các mô hình tái chế... hoặc văn hóa truyền thống thông qua đánh bắt, khai thác bền vững...

Đó là các trải nghiệm rất tích cực để bà con cùng sinh viên học tập hiểu sâu sắc về ABCD tại đây.

Mô hình ở Bình Sơn và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

Bình Sơn là huyện nằm phía bắc tỉnh Quảng Ngãi; diện tích 426,78 (km2), dân số 182.150 người, gồm 21 xã và 1 thị trấn. Bình Sơn có Khu Kinh tế Dung Quất, nơi tập trung các nhà máy công nghiệp nặng, lọc hoá dầu và dịch vụ cảng biển mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, với địa hình phức tạp, nhiều đồi núi là phần rẽ nhánh kéo dài từ dãy Trường Sơn ra đến biển tạo ra những thung lũng, đồng bằng nhỏ hẹp, nhiều đồi bát úp và các vũng vịnh dọc theo bờ biển.

Dựa trên lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử đấu tranh giữ nước, mở mang bờ cõi, nét văn hoá đặc trưng duyên hải Nam Trung Bộ và giữ gìn thói quen lao động sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, du lịch cộng đồng Bình Sơn được hình thành từ năm 2020 và phát triển đến hôm nay.

Sinh viên được giới thiệu về sưu tập đồ cổ tại cộng đồng.
Sinh viên được giới thiệu về sưu tập đồ cổ tại cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hoá tri thức bản địa được lựa chọn cho Bình Sơn với mục đích tạo sự hài hoà, thân thiện, đảm bảo sự cân bằng thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội trong bối cảnh công nghiệp nặng đang phát triển mạnh mẽ ở đây.

Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản địa trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” được Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (UNDP/GEF SGP) tài trợ, được sự tham gia đối ứng ngân sách từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn với sự chủ trì của Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật tỉnh Quảng Ngãi triển khai vào tháng 10/2022 trên địa bàn đã góp phần hình thành và phát triển Du lịch cộng đồng Bình Sơn, gồm 4 điểm kết nối: Bàu Cá Cái – xã Bình Thuận, Gành Yến – xã Bình Hải, Cà Ninh – xã Bình Phước và Làng Gốm Mỹ Thiện – Thị trấn Châu Ổ.

Các lớp du lịch học tập cộng đồng được liên tục tổ chức từ đầu năm 2022 đến nay: (1) Sinh viên trường Western Washington University (8/2022); (2) Lớp Cao học Quản lý Tài nguyên – Đại học Đà Nẵng; (3) Các lớp sinh viên Quản lý Tài nguyên, Sinh – Môi trường, Việt Nam học,… từ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng; (4) Các lớp học Nhí; (5) Các đoàn khách quốc tế, các tổ chức trong nước cũng đã về đây tham quan và học tập về mô hình trồng phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn Bàu Cá Cái.

Đặc biệt, tại điểm Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận cùng với Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái (được thành lập tháng 2/2024) chọn năm 2024 là Năm Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái.

Từ đó đến nay, lượng du khách về tham quan và trải nghiệm tại đây tăng đột biến, hơn 10.000 người trong vòng 2 tháng.

Người dân và chính quyền ở đây cũng đã được tham quan, học tập các mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi.

Còn tại Sa Huỳnh - vùng ven biển với đa dạng tài nguyên thiên nhiên (biển, sông, đầm, hồ, cánh đồng, núi...) và bề dày văn hoá lịch sử (văn hoá Sa Huỳnh, làng cổ Chăm pa, đầm An Khê – di tích quốc gia đặc biệt, đền thờ Tổ muối, nghề muối truyền thống, nghề biển, điệu hát múa truyền thống: Sắc Bùa, Bả Trạo, Bài Chòi …). Nơi đây, hội tụ nhiều ưu đãi và lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch học tập cộng đồng hướng đến bảo tồn.

Diễn biến nhận thức cộng đồng theo thời gian tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.
Diễn biến nhận thức cộng đồng theo thời gian tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

Có thể thấy du lịch học tập cộng đồng Sa Huỳnh tuy mới hình thành nhưng có nhiều hoạt động tích cực. Sự thay đổi về tinh thần và nhận thức của cộng đồng trong du lịch cộng đồng, phát huy vai trò chủ nhà trong tour du lịch cộng đồng.

Một số kết quả bước đầu

Xuất phát từ việc tiếp cận các nguyên lí và triển khai bài bản trong các hoạt động cùng với cộng đồng, nên những “bài toán” khó trong thực tiễn đã được các bên tham gia khảo sát, thảo luận kĩ tại hiện trường.

Sự kết hợp giữa lí thuyết hàn lâm và thực tế trong đời sống đã được tháo gỡ. Các ý tưởng đề xuất rất bài bản, khả thi.

Sự tham gia “học tập” của rất nhiều bên như chính quyền địa phương, nhà khoa học, người dân (rất nhiều thành phần), sinh viên và doanh nghiệp… nên các giải pháp đã giúp ích cho cộng đồng, cho sinh viên và cho cả giảng viên…

Người dân tự tin hơn, sinh viên học được nhiều hơn; những vấn đề nảy sinh giữa chính quyền và người dân đã được hóa giải…

Nhờ mô hình du lịch học tập, các địa phương đã hình thành các tổ chức kinh tế, như:

  1. Hợp tác xã Nông nghiệp Sinh thái và Du lịch Cộng đồng Hòa Bắc
  2. Hợp tác xã Muối biển Truyền thống và Du lịch Cộng đồng Sa Huỳnh
  3. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Du lịch Thanh Đông, Cẩm Thanh
  4. Tổ Hợp tác Du lịch Cộng đồng Bàu Cá Cái…

Bên cạnh các tổ chức được thành lập, nhiều con em của cộng đồng chọn khởi nghiệp tại quê hương sau khi tốt nghiệp đại học. Điển hình như:

Em Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên ngành Báo chí của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, trong quá trình học đại học tham gia các hoạt động du lịch học tập và ngay khi tốt nghiệp năm 2023 đã tham gia Hợp tác xã và hiện nay là Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sinh thái và Du lịch Cộng đồng Hòa Bắc.

Em Huỳnh Bá Hưởng, sinh viên Trường Đại học Nội vụ cũng là người con Hòa Bắc sau khi tốt nghiệp đại học chọn quê hương lập nghiệp khởi đầu từ 10 chiếc xe đạp, đến nay có hơn 100 chiếc xe đạp và xe điện phục vụ du lịch học tập.

Em Phạm Thị Hồng Thắm, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sau khi tốt nghiệp đã về quê khởi nghiệp từ nghề muối, nay là Giám đốc Hợp tác xã Muối biển Truyền thống và Du lịch Cộng đồng Sa Huỳnh.

Ngoài ra còn có rất bạn trẻ tại Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Hội An, Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, Sa Huỳnh,… thông qua du lịch học tập cộng đồng đã tìm cho mình những hướng đi sáng tạo tại quê hương, tự hào về quê hương và đang từng ngày dựng xây quê hương tươi đẹp.

Kết luận

Du lịch học tập cộng đồng đã thực sự trở thành công cụ để phát triển cộng đồng, cùng với nhà trường, nhiều giá trị kết nối, góp phần đáng kể trong việc cải thiện sinh kế người dân và kinh tế địa phương.

Du lịch học tập cộng đồng ngày một trở nên hấp dẫn đối với sinh viên và bà con người dân địa phương, khơi dậy nhiều ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp đối với thanh niên địa phương.

Du lịch học tập cộng đồng đã và đang trở thành một tiếp cận học tập thực tiễn của sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và một số cơ sở đào tạo khác.

Võ Văn Minh - Chu Mạnh Trinh