Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 4/6, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đặt vấn đề đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang hình thành, chiếm cả ngàn héc-ta đất. Tuy nhiên, vẫn chưa rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch.
Vậy, Bộ trưởng cho biết việc quy hoạch ngàn hécta, như vậy ở Việt Nam chúng ta có nên không? Dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có như Việt Nam chúng ta không?
Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời, hiện nay đã có quy định điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường. Thời gian qua, xuất hiện một số dự án kết hợp mục đích tâm linh, tôn giáo, hiện nay chúng ta kiểm soát bằng công cụ chủ yếu là giấy phép xây dựng.
Trong giấy phép xây dựng có quy định cụ thể việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước tôn giáo địa phương.
Trong các quy định pháp luật, chúng ta chưa cụ thể nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị nên một số địa phương vận dụng không thống nhất. Tới đây sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
"Về quy định, quy chuẩn sử dụng đất trong dự án hỗn hợp, chúng tôi sẽ có quy định cụ thể hơn để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất dành cho mục đích tâm linh, đất dành cho du lịch và mục tiêu khác để đảm bảo chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất và hiệu quả xử lý vấn đề về tài chính, đất liên quan", ông Hà nói.
Siêu chùa là hưng thịnh hay chỉ là sự khuếch trương của doanh nghiệp? Ảnh: Tùng Dương. |
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Tôi có một câu hỏi kết hợp với câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa, rất nhiều cử tri quan tâm và rất nhiều báo viết về tình trạng khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm hécta nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn héc-ta, có những trường hợp được cấp chục nghìn hécta, có sự nhập nhằng giữa công và tư.
Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước bỏ ra chục ngàn hécta đất đai rừng biển thì thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân.
Xuân Trường có lợi gì khi xây chùa Bái Đính? |
Thứ nhất, vấn đề quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy chúng ta có kiểm soát được không? Thứ hai, việc khai thác có công bằng hợp lý không và đúng pháp luật hay không?
Sáng nay (5/6), trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, công trình tôn giáo phải được cấp phép xây dựng và hồ sơ phải có bản sao giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai, bản sao quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư theo thẩm quyền, văn bản chấp thuận về sự cần thiết công trình và quy mô xây dựng của cơ quan quản lý nhà về tôn giáo ở địa phương.
“Nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên sẽ kiểm soát được khu du lịch tâm linh, tránh việc như đại biểu nêu”, ông Hà khẳng định.
Chưa đồng tình với giải trình của Bộ trưởng Xây dựng, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Phạm Văn Hòa tiếp tục giơ biển tranh luận.
Ông Nghĩa nói: "Cái mà dư luận, cử tri nêu là nhập nhằng giữa dự án tâm linh và du lịch. Có những tên bài báo viết rằng, “nghèo thì không có tiền đi chùa được đâu”.
Thứ 2 là quản lý phân bổ tài nguyên đất đai. Câu hỏi tôi đặt ra là việc phân bổ hàng chục ngàn héc-ta cho các dự án này có hợp lý hay không"?
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu rõ, câu hỏi ông đặt ra muốn Bộ trưởng Hà trả lời là ở Việt Nam có nên quy hoạch cả ngàn héc-ta cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng hay không, trong khi đất đai ở ta là đất sản xuất, hữu hạn? Trên thế giới có nước nào dành cả ngàn héc-ta để làm khu du lịch tâm linh như nước ta không?
Tuy nhiên, do thời gian đã hết nên một số câu hỏi chất vấn và tranh luận của các đại biểu đã được Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.