LTS: Nối tiếp bài phỏng vấn với ông Phạm Hiệp, trong bài này, nhân vật phỏng vấn sẽ chỉ ra những bất cập trong quá trình phản biện giáo dục hiện nay. Đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn dữ liệu để xã hội có căn cứ để góp ý cho giáo dục.
Toàn soạn giới thiệu phần 2 cuộc trao đổi.
PV: Cá nhân ông là người tích cực tham gia phản biện các chính sách giáo dục, theo ông việc phản biện nên như thế nào cho phù hợp?
Ông Phạm Hiệp: Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phản biện ở đây chính là hoạt động “dân bàn”. Các nhà làm chính sách “khôn ngoan” là những người biết lắng nghe và sử dụng phản biện từ xã hội.
Đổi mới thành công thường bắt nguồn từ...dưới lên |
Tất nhiên, người phản biện cũng cần phản biện một cách sòng phẳng. Ví dụ như khi Bộ đưa ra một chính sách mới xin ý kiến, thì người phản biện cần ít nhất là đọc hết văn bản của Bộ rồi hãy phản biện.
Tuy vậy, ở đây tôi muốn nhấn mạnh một ý khác về khó khăn ở Việt Nam trong việc phản biện. Đó là tình trạng thiếu dữ liệu nghiêm trọng. Điều này không chỉ là vấn đề đối với ngành giáo dục mà còn với mọi ngành.
Thiếu dữ liệu tin cậy và chính xác khiến chúng ta rất khó phản biện. Mọi nhận định đưa ra hoàn toàn chỉ là các ý kiến mang tính chất định tính, dựa trên kinh nghiệm, quan sát của cá nhân từng người mà không có “thước chung” để đối sánh. Phản biện thiếu dữ liệu chả khác gì “thầy bói xem voi”.
Đây phải chăng chính là lý do trong thời gian qua ông và các cộng sự thường thống kê những số liệu liên quan tới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học?
Ông Phạm Hiệp: Chính xác. Tôi xác định rằng khi không có dữ liệu có sẵn thì tự mình tạo ra dữ liệu vậy. Trong hầu hết các bài viết phản biện gần đây, tôi luôn cố gắng kết hợp dành công sức xây dựng dữ liệu để minh hoạ cho phần nhận định của mình.
Theo ông Phạm Hiệp, giáo dục của chúng ta đang thiếu nguồn dữ liệu để phản biện. Ảnh Xuân Trung |
Từ tháng 10 năm ngoái, tôi và 2 cộng sự khác đang làm một dự án khá dài hơi hơn có tên gọi Scientometrics for Vietnam (Trắc lượng khoa học Việt Nam) có mục tiêu bạch hoá các kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Kết quả của dự án này như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Hiệp: Dự án bước đầu được cộng đồng khoa học, nhất là cộng đồng các nhà khoc học trẻ đón nhận khá hào hứng. Kết quả bước đầu cũng khá thú vị.
Ví dụ như trong 5 năm qua, ngành toán học của Việt Nam đã vượt qua Singapore để trở thành nước có số lượng công bố trên các tạp chí ISI số 1 Đông Nam Á. Còn nếu tính tất cả các ngành thì chúng ta xếp thứ 4, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Trở lại câu chuyện nhìn nhận vấn đề cải cách giáo dục từ cấp cơ sở, ông quan sát ở Việt Nam và một số nước phương tây khi họ tham gia cải cách thì có các trường phái hay có nhiều cách đi nào?
Ông Phạm Hiệp: Tôi nghĩ dù ở cách gì thì luôn luôn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và nghiên cứu đều dựa trên số liệu định lượng. Tất cả các cuộc cải cách giáo dục trên thế giới, từ phía nhà nước xuống hay từ cơ sở lên thì nói chung đều có xuất hiện của 2 yếu tố trên.
Rất tiếc ở nước ta, 2 điều này nói chung là chưa thấy xuất hiện nhiều trong các cuộc cải cách giáo dục.
Năm 2016, ông kỳ vọng gì ở giáo dục Việt Nam không?
Ông Phạm Hiệp: Trước mắt thì tôi mong Bộ GD&ĐT sẽ làm tốt hơn công tác dữ liệu, sao cho chính xác và tin cậy. Thực ra, từ năm 2009, Bộ đã có chương trình 3 công khai, yêu cầu các trường báo cáo các chỉ số hàng năm, nhưng thực hiện có vẻ không được tốt lắm.
Tôi thử lên web của các trường xem thì thấy mỗi trường báo cáo một kiểu; và dường như Bộ không hề thực hiện bước kiểm tra tính chính xác của dữ liệu này. Hy vọng, Bộ trưởng mới sẽ quan tâm hơn đến nội dung này.
Còn về dài hạn, nếu chia giáo dục thành giáo dục phổ thông và giáo dục đại học thì tôi thấy vấn đề lớn nhất ở giáo dục đại học là chất lượng. Chất lượng thể hiện qua đầu ra của sinh viên, tỷ lệ có việc làm cho đến kết quả nghiên cứu khoa học ở các trường đại học học.
Còn giáo dục phổ thông vấn đề lớn hơn là bất bình đẳng, thể hiện qua thông số so sánh giữa các tỉnh, giữa khu vực thành thị và nông thôn ....
Cái tôi kỳ vọng nhất ở Bộ là trong 5 năm tới sẽ giúp giải quyết được hai điều trên. Đại học không cần quá mở rộng, tập trung vào chất lượng. Còn giáo dục phổ thông làm sao để cho cơ hội tiếp cận với giáo dục tốt hơn đối với khu vực nông thôn, miền núi.
Tôi nghĩ Bộ cũng không cần phải đề ra chương trình cải cách mới làm gì, cứ thực hiện tốt các điểm đã đề ra từ Nghị quyết 29 của Trung ương (năm 2013), hay Nghị quyết số 14 của Chính phủ (năm 2005) thì chắc chắn đã đổi mới được khá nhiều rồi.
Ở nước ta, có khi chỉ cần ít việc thôi nhưng việc nào làm thì làm đến nơi đến chốn thì có khi lại hiệu quả hơn việc đề ra quá nhiều chương trình, đề án.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
* Ý kiến của ông Phạm Hiệp trong bài này không đại diện cho ý kiến của bất kỳ tổ chức, đơn vị nào mà ông Hiệp là thành viên.