LTS: Là năm đi vào thực hiện triệt để tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hàng Trung ương khoá 11, 2015 ghi dấu ấn với nhiều hoạt động đổi mới trong toàn ngành giáo dục.
Nhìn lại những dấu ấn giáo dục trong năm 2015 để thấy được những điểm mới, điểm được và chưa được để chúng ta cùng nhau khắc phục và triển khai những nhiệm vụ trong năm 2016.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Phạm Hiệp, một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục, hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa (vùng lãnh thổ Đài Loan).
Ông Hiệp cũng là thành viên nhóm đối thoại giáo dục do GS. Ngô Bảo Châu chủ trì. Gần đây, ông Hiệp cùng 2 đồng nghiệp từ Đài Loan khởi xướng dự án Scientometrics for Vietnam (trắc lượng khoa học Việt Nam) nhằm minh bạch hoá các chỉ số công bố của Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Nội dung cuộc trò chuyện này quý độc giả sẽ theo dõi ở hai phần. Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc.
Bài 1: Từ những tín hiệu vui về đổi mới giáo dục
PV: Là một người nghiên cứu về giáo dục nhiều năm qua, ông có ấn tượng gì với giáo dục Việt Nam trong năm 2015?
Ông Phạm Hiệp: Năm 2015 - năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo đã diễn ra rất nhiều hoạt động đổi mới giáo dục.
Ví dụ như đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới tuyển sinh đại học, triển khai không chấm điểm học sinh tiểu học, triển khai mô hình trường học mới VNEN ....
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là trong năm qua, đã xuất hiện khá nhiều nỗ lực đổi mới “từ dưới lên” tức là từ phía người dân, từ các tổ chức xã hội dân sự hay từ các trường.
Ông Phạm Hiệp trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh Xuân Trung |
Ví dụ như chúng ta còn nhớ ngay từ ngày mùng 1 Tết âm lịch có sự kiện anh Nguyễn Quang Thạch đi bộ xuyên đất nước để vận động cho phong trào sách hóa nông thôn; rồi đến tháng 5 là báo cáo đổi mới giáo dục đại học của nhóm Đối thoại giáo dục do GS. Ngô Bảo Châu chủ trì.
Rồi thêm ngày hội STEM được tổ chức ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh do một số đơn vị tư nhân đứng ra thực hiện hoặc gần đây sự kiện Đại học Tôn Đức Thắng “một mực” muốn tự tự bổ nhiệm giáo sư; đúng hay sai của sự kiện này có thể chưa bàn, nhưng rõ ràng nó thể hiện ý muốn đổi mới của trường này.
Quan sát trong 10 năm gần đây của giáo dục, tôi thấy năm qua là năm nhiều hoạt động sôi nổi nhất.
Những hiệu quả mang lại của những hoạt động giáo dục năm qua ông thấy thế nào?
Ông Phạm Hiệp: Hiệu quả thì chắc là phải nhiều năm tới mới biết được. Bởi những hoạt động tôi vừa kể trên chủ yếu ở dạng đề án, đề xuất, hoặc mới triển khai.
Nhưng cá nhân tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt, vì sau nhiều năm khá trì trệ so với các ngành khác thì năm qua giáo dục có chuyển mình rõ rệt.
Nếu trước đây những đổi mới giáo dục đều do nhà nước triển khai, thì hiện nay đã xuất hiện đổi mới từ phía cơ sở?.
Ông Phạm Hiệp: Kinh nghiệm trên thến giới cho thấy rất nhiều đổi mới thành công là do từ cơ sở chứ không phải lúc nào cũng do nhà nước triển khai.
Lấy ví dụ như mô hình đại học tư phi lợi nhuận ở Mỹ phát triển từ thế kỷ 18,19 là do tư nhân tự đầu tư xây dựng trong bối cảnh nhà nước (Mỹ) khi đó không có đủ năng lực cung cấp giáo dục bậc cao cho người dân.
Hay như việc thành lập quỹ khoa học quốc gia của nước này ra đời từ năm 1950, (mà sau này nhiều nước, kể cả Việt Nam cũng học tập) đó là đề xuất của một giáo sư đại học.
Như ông vừa nói, tín hiệu đổi mới ở các cấp cơ sở năm qua có vẻ nhiều hơn mọi năm. Phải chăng từng cá nhân, từng cơ sở thấy được giáo dục đang là vấn đề đặc biệt cấp bách cần chuyển mình thì họ mới lên tiếng hay là một suy nghĩ khác nào đó?
Ông Phạm Hiệp: Đó chính là một khía cạnh của xã hội hóa giáo dục.
Trước đây chúng ta chỉ hiểu xã hội hóa giáo dục là nhân dân đóng tiền chia sẻ chi phí với nhà nước, nhưng thực tế xã hội hoá giáo dục còn là nhân dân cùng tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng các chính sách, triển khai các hoạ động giáo dục cùng với Bộ.
Theo tôi, đấy mới thực sự là bản chất của xã hội hóa giáo dục.
Nói tích cực là thế, nhưng cũng phải nói ngược lại thì cũng phải thấy có sự mất niềm tin của xã hội vào giáo dục chính thống do Bộ Giáo dục quản lý.
Và khi người ta không tin thì cứ khi Bộ đưa ra cái gì mới thì người ta sẽ phản ứng hoặc người ta sẽ tự làm theo cách của người ta.
Như vậy những phản ứng của xã hội là tốt vì có phản ứng mới thấy được vấn đề đó có chỗ chưa phù hợp?
Ông Phạm Hiệp: Xin trích ý kiến của nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair khi ông sang thăm Việt Nam gần đây: “Cải cách mà không có phản đối thì không gọi là cải cách”.
Cũng như cải cách, đổi mới mà không có phản đối, phản ứng tức là không phải đổi mới. Chúng ta cần chấp nhận phản đối, phản ứng là một phần tất yếu của đổi mới và rồi từ những phản đối, phản ứng đó, ta sẽ tìm ra được những ý mới có giá trị trong đó.
* Ý kiến của ông Phạm Hiệp trong bài này không đại diện cho ý kiến của bất kỳ tổ chức, đơn vị nào mà ông Hiệp là thành viên.
Còn nữa…