Căng thẳng trên Biển Đông đang tiếp tục leo thang bởi những hoạt động xây dựng, bồi đắp, quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp với quy mô, tốc độ chưa từng có.
Theo Reuters ngày 20/1, trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tư lệnh Hải quân Trung Quốc ông Ngô Thắng Lợi với Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson hôm Thứ Ba, ông Lợi nói toạc ra rằng:
Trung Quốc không thể không "thiết lập phòng thủ" các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Mức độ phòng thủ đến đâu sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào "mức độ đe dọa" mà Bắc Kinh phải đối mặt.
Ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều. |
Mặc dù ông Lợi vấn nhấn mạnh cái gọi là, Bắc Kinh không tìm kiếm mục tiêu quân sự hóa Biển Đông, nhưng những gì Trung Quốc đang làm và điều ông mới nói đã chứng minh điều ngược lại.
Website chính thức của Viện Hải quân Hoa Kỳ USNI News ngày 20/1 khi đưa tin về cuộc hội đàm này, chỉ thấy nhấn mạnh tuyên bố cứng rắn của ông Ngô Thắng Lợi mà không thấy Đô đốc Richardson phản ứng gì.
Ngược lại, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đánh giá cao buổi hội đàm. Ông cho rằng tương tác mặt đối mặt và trao đổi thẳng thắn giúp xây dựng quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo hải quân 2 nước, có lợi cho tương tác giữa hai lực lượng hiện tại và tương lai.
Bắc Kinh có thể biến Biển Đông thành ao nhà vào năm 2030
Đó là nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) trong báo cáo mới nhất, theo Business Insider ngày 21/1, bởi đến năm 2030 Trung Quốc sẽ là một siêu cường.
Sự thống trị của Bắc Kinh trong khu vực này là do chính sách phát triển liên tục của Trung Quốc đối với các cụm tàu sân bay, đồng thời tập trung phát triển sức mạnh quân sự, chú trọng năng lực cơ động và tác chiến đường xa vươn ra ngoài lãnh thổ.
CSIS lưu ý rằng, trong tương lai gần quân đội Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, tiến vào Ấn Độ Dương. Đây là một mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ vì việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc nhấn mạnh các hoạt động an ninh phi truyền thống.
Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh vào phát triển và triển khai nhiều cụm tàu sân bay, đồng thời thực hiện mục tiêu đến năm 2030 sẽ biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc giống như biển Caribbean hoặc vịnh Mexico đối với Hoa Kỳ hiện nay, CSIS nhận định.
Việc triển khai sức mạnh quân sự như vậy sẽ cho Trung Quốc khả năng kiểm soát mạnh mẽ hơn trong các vùng lãnh thổ (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trên toàn châu Á, đặc biệt là BIển Đông. Hiện tại Bắc Kinh đang trong quá trình bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) khắp Biển Đông.
Những hòn đảo nhân tạo này được quân sự hóa, kè bờ, xây dựng cầu cảng, sân bay nhằm nâng cao đáng kể ảnh hưởng, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng.
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn úp mở bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Malaysia cuối năm ngoái rằng, Trung Quốc bỏ ngỏ khả năng cái gọi là "thu hồi" các đảo ở Biển Đông. Có lẽ đây không phải là phát biểu ngẫu hứng. Ảnh: EPA. |
Cho đến nay Trung Quốc mới chỉ có một tàu sân bay cho huấn luyện, nhưng họ đã công khai thừa nhận ít nhất đang đóng mới một tàu sân bay hiện đại thứ 2.
"Dựa hoàn toàn vào Hoa Kỳ chống Trung Quốc bành trướng"
Giáo sư Richard Javad Heydarian từ Đại học De La Salle, Philippines bình luận của mình trên The Straits Times ngày 21/1, Hiệp định Hợp tác quốc phòng mở rộng Philippines - Hoa Kỳ gọi tắt là EDCA được Manila tin là biện pháp hữu hiệu đối phó với hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhưng thực tế theo ông, EDCA không những chẳng giúp được gì Philippines, mà còn làm tăng nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Philippines hy vọng dưới sự trợ giúp của Hoa Kỳ trong khuôn khổ EDCA có thể ngăn chặn được Trung Quốc tiếp tục bành trướng vào vùng biển mà nước này yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.
Hoa Kỳ được phép sử dụng 8 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó bao gồm cảng Subic, căn cứ không quân Clark và vịnh Oyster nắm sát quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Heydarian cho rằng, rõ ràng dấu chân của quân đội Mỹ đang gia tăng trong khu vực có thể tạo tác dụng ngược lại mong muốn của Manila, kích thích Trung Quốc leo thang hơn nữa trong việc củng cố, thực hiện yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp và bành trướng của họ.
Ngay sau khi Trung Quốc bay thử (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), một thực thể mà Philippines cũng yêu sách, Tòa án Hiến pháp Philippines đã bỏ phiếu ủng hộ việc thực hiện EDCA với tỉ lệ áp đảo.
Tòa án Hiến pháp Philippines cho phép thực hiện thỏa thuận này mà không cần phải thông qua Quốc hội, không cần phải qua Thượng viện phê chuẩn, trong khi nhiều nghị sĩ cho rằng EDCA vi hiến, vi phạm chủ quyền quốc gia.
Mặc dù các tranh cãi pháp lý vẫn diễn ra trong nội bộ Philippines, nhưng đa số người dân nước này xem EDCA như một biện pháp cấp bách và cần thiết để tăng cường vị thế của Philippines trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp cũng được đưa ra ngay trước cuộc họp 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước Philippines, Hoa Kỳ.
Giáo sư Richard Javad Heydarian. Ảnh: The Strait Times. |
Trong tuyên bố chung, hai phía tái khẳng định cam kết tiếp tục củng cố liên minh, bảo đảm quốc phòng an ninh chung và cùng nhau đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng. Philippines kêu gọi Hoa Kỳ tuần tra chung ở Biển Đông, (nhưng mới chỉ thấy các quan chức Philippines nhắc đến chuyện này, trong khi không thấy quan chức nào của Lầu Năm Góc xác nhận).
Còn Trung Quốc đã không lãng phí thời gian để đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông với cái cớ "chống lại mối đe dọa chủ quyền, lợi ích quốc gia cốt lõi". Tân Hoa Xã thì rủa Phillpines là "theo Chú Sam chống Trung Quốc, sẽ phải chịu hậu quả tiêu cực trong tương lai vì những hành động ngu ngốc của mình".
Philippines đã bị hớ?
Giáo sư Heydarian lo ngại Manila đã bị hớ nặng khi đặt toàn bộ kỳ vọng vào Hoa Kỳ. Ông lưu ý, khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, EDCA không phải hiệp định tái thiết lập các căn cứ quân sự Hoa Kỳ thường trú tại Philippines. Quân đội Mỹ chỉ sử dụng chúng trong việc đồn trú luân lưu 8 căn cứ trọng yếu.
Điều đáng nói là với hiệp định EDCA này, Philippines dự kiến sẽ phải gánh gác khoản chi phí vận hành và các dịch vụ, tiện ích kết hợp với hoạt động của lực lượng quân sự Hoa Kỳ khi đóng quân tại các căn cứ của mình.
Mỹ không có nghĩa vụ phải trả tiền thuê 8 căn cứ quân sự mà họ sử dụng, trong khi EDCA không có bất cứ điều khoản nào ràng buộc việc Washington phải xuất quân can thiệp một khi nổ ra xung đột, chiến tranh với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong ngắn hạn, Mỹ sẽ được sử dụng 8 căn cứ quân sự trọng yếu của Philippines một cách linh hoạt nhưng lại có giá "rẻ mạt" để thúc đẩy chiến lược "xoay trục sang châu Á". Chính quyền Tổng thống Aquino hy vọng rằng việc mời Mỹ sử dụng 8 căn cứ sẽ có tác dụng răn đe tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Tuy nhiên trong điều kiện cụ thể, EDCA chỉ tạo thuận lợi cho việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung và chuyển giao các thiết bị quân sự, vũ khí ngày càng tiên tiến của Hoa Kỳ cho lực lượng vũ trang Philippines. Nói cách khác, Mỹ đang tìm cách bán vũ khí cho Philippines để "bảo vệ yêu sách ở Biển Đông", đối phó với Trung Quốc.
Một khi Philippines và Hoa Kỳ chọn cách đối phó với Trung Quốc bằng cơ bắp, EDCA có thể tạo ra nguy cơ biến tranh chấp Biển Đông thành xung đột, cạnh tranh quyền lực quy mô lớn, làm phức tạp thêm vấn đề và giảm hiệu quả, thậm chí là vô hiệu hóa các nỗ lực giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc có thể phản ứng đơn giản bằng cách tăng tốc quân sự hóa theo đúng những gì họ mong muốn và đã vạch ra nhưng chỉ còn thiếu một cái cớ để thực hiện. Philippines và Hoa Kỳ có thể đang "trao tận tay" Trung Quốc cái cớ cho việc này.
Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần 2: "Biển Đông: Nước sông không phạm nước giếng"