Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội vừa công bố kết quả thanh tra hoạt động kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động tại Văn phòng đại diện SAM MEDIA LIMITED tại Hà Nội.
Theo đó, Thanh tra Sở đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính Công ty SAM MEDIA 55 triệu đồng về 2 hành vi: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (vn-mozzi.biz/vn) mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định" và "Cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên trang vn-mozzi.biz/vn, nhưng thông tin giá, giá cước hiển thị không cùng kiểu mã lệnh và có kích thước nhỏ hơn 2/3 kích thước của mã lệnh".
Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra cho biết, trong 3 năm (từ tháng 1/2013 đến 3/2016), thuê bao di động của 4 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã chi trả dịch vụ công ty này cung cấp tổng số tiền hơn 230,4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 19/7/2016, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ là 93.735 khách hàng.
Được ăn chia đến 2/3 lợi nhuận, bốn nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel và Vietnamobile có tiếp tay cho SAM MEDIA móc túi khách hàng hàng? - Ảnh minh họa: H.Lực. |
Nhìn vào con số hơn 230 tỷ đồng, không ít người đặt ra câu hỏi bằng cách nào chỉ trong vòng 3 năm SAM MEDIA và các nhà mạng có thể dễ dàng “móc túi” khách hàng số tiền lớn như vậy?
Khách hàng bị "móc túi" mà không biết
Thanh tra Sở thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội cho hay, hành vi của SAM MEDIA là lợi dụng khe hở trong việc cung cấp thông tin dịch vụ nội dung quảng cáo qua tin nhắn, công ty này sẽ gửi một tin nhắn đầu tiên có nội dung quảng cáo về các dịch vụ, trò chơi trúng thưởng đến các thuê bao di động.
Phần chữ giới thiệu về tin nhắn quảng cáo, các chương trình sẽ để cỡ chữ lớn cùng các biểu tượng thu hút chú ý của người dùng.
Khi người dùng xác nhận tham gia, tài khoản khách hàng bắt đầu bị trừ tiền. Tuy nhiên, nội dung hủy dịch vụ có cỡ chữ rất nhỏ so với nội dung quảng cáo, khiến người dùng khó quan sát.
Gần 94.000 thuê bao bị "móc túi", 4 nhà mạng Việt Nam không thể vô canMáy tự chuyển vùng, chỉ sau 1 giờ, khách mất 5 triệu đồng tiền cước |
Đáng nói, tin nhắn có nội dung hủy chỉ hiển thị ở tin nhắn đầu tiên, những ngày sau tài khoản bị tự động trừ tiền.
Theo phản ứng thông thường với tin nhắn như vậy, người dùng sẽ nghĩ chỉ đơn giản là tin nhắn rác có thể không đọc mà xóa đi, hay vô tình kích vào đăng ký chương trình trong nội dung quảng cáo.
Với cả hai trường hợp trên, khách hàng đều bị mất tiền.
Theo đó, nếu khách hàng không nhắn tin hủy việc nhận tin nhắn thì ngày nào SAM MEDIA cũng gửi tin nhắn quảng cáo. Việc thụ động nhận tin nhắn quảng cáo này, khách hàng vẫn bị trừ tiền.
Còn nếu khách hàng vô tình kích vào các đường link hay chương trình trong tin nhắn quảng cáo, số tiền bị trừ sẽ tùy dịch vụ giá trị gia tăng mà SAM MEDIA cung cấp.
Như vậy, cách duy nhất để người tiêu dùng không mất tiền là soạn tin nhắn hủy, không nhận tin nhắn của SAM MEDIA. Tuy nhiên việc soạn tin báo hủy, khách hàng cũng mất phí.
Số tiền khách hàng bị trừ từ dịch vụ SAM MEDIA dao động chỉ từ 5.000 – 15.000 đồng. Nhân với con số gần hàng chục ngàn thuê bao di động của 4 nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Vietel, Vietnammobile... thì đó là con số khổng lồ, lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cách thức kiếm tiền này của SAM MEDIA không khác nào lừa đảo khách hàng bởi đã có nhiều người mất tiền trong một thời gian dài mà không biết.
Lãnh đạo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho biết, trong tổng số hơn 230 tỷ đồng SAM MEDIA và các công ty đầu số được hưởng khoảng 70 tỷ đồng, còn lại nhà mạng VinaPhone được hưởng hơn 53 tỷ đồng, MobiFone hơn 76 tỷ đồng, Viettel 11 tỷ đồng và Vietnammobile là 600 triệu đồng.
Làm rõ trách nhiệm nhà mạng, truy thu số tiền vi phạm
Nhìn vào tỷ lệ ăn chia như trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ths. LS Trương Anh Tú - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, số tiền khách hàng trả cho dịch vụ của SAM MEDIA rơi vào túi các nhà mạng là không nhỏ. Vậy tại sao trong khi SAM MEDIA bị xử phạt còn các nhà mạng gần như vô can?
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh - Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết: Các nhà mạng chỉ cung cấp đường truyền đến khách hàng chứ không chịu trách nhiệm về nội dung. Ở đây là vi phạm của Công ty SAM MEDIA.
Về lợi nhuận của các nhà mạng trong doanh thu “khủng” của SAM MEDIA, ông Minh khẳng định: Các nhà mạng đã làm đúng theo các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, các công ty ký hợp đồng với SAM MEDIA cũng phủ nhận sự liên quan đến nội dung cung cấp của công ty này khi đơn vị chỉ cho thuê đầu số, không có khả năng kiểm soát các hình thức dịch vụ của SAM MEDIA.
Tuy nhiên LS Trương Anh Tú cho rằng, nhà mạng là đơn vị quản lý toàn bộ dịch vụ giá trị gia tăng nên không thể không bị truy cứu, hơn nữa trong số tiền hơn 230 tỷ đồng "móc túi" khách hàng, nhà mạng được hưởng đến 2/3. Để xem xét trách nhiệm nhà mạng đến đâu thì phải tìm hiểu kỹ bởi hợp đồng thỏa thuận giữa nhà mạng và các đơn vị kinh doanh đầu số và cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng.
“Quản lý dịch vụ giá trị gia tăng, nhà mạng phải kiểm soát được nội dung, kiểm soát được cách thực quảng cáo, chiêu trò quảng cáo của doanh nghiệp. Ở đây, vi phạm của SAM MEDIA cho thấy việc cung cấp về dịch vụ nội dung qua tin nhắn của SAM MEDIA là thông tin giá, giá cước hiển thị không rõ ràng. Vi phạm của SAM MEDIA có trách nhiệm kiểm soát của nhà mạng”, LS. Tuấn khẳng định.
LS. Trương Anh Tuấn so sánh, nhà mạng giống như các đài truyền hình cho thuê sóng. Thông tin đến được với người xem phải do đài truyền hình kiểm soát. Tương tự thì thông tin quảng cáo, tin nhắn nội dung về giá trị gia tăng đến được với khách hàng phải qua nhà mạng. Nếu nhà mạng không quản lý tốt nội dung tin nhắn, cách thức nhắn tin và những thủ thuật nhằm "móc túi" của người tiêu dùng thì bản thân nhà mạng cũng vi phạm pháp luật.
“Rõ ràng, trong số tiền 230,4 tỷ đồng khách hàng trả cho SAM MEDIA bao gồm cả tiền do vi phạm mà có nhưng lại không có chế tài thu hồi tài sản do vi phạm để trả lại cho khách hàng. Hơn nữa, số tiền xử phạt 55 triệu đồng quá nhỏ so với nguồn lợi thu về. Xử phạt như vậy, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm không những 3 năm mà 30 năm”, LS. Tuấn đánh giá.
Theo LS. Tuấn, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là mức xử phạt, mức bồi thường phải gấp nhiều lần mức thu lợi để người vi phạm hiểu nếu vi phạm cái mất nhiều hơn cái được. Trong vụ việc SAM MEDIA, xử lý vi phạm chưa có tính răn đe.
LS. Tuấn nhấn mạnh, gốc rễ việc "móc túi" khách hàng từ nhà mạng lại gần như bỏ qua không xem xét trách nhiệm hay xử lý. Nếu đúng nhà mạng được ăn chia 2/3 số tiền hơn 230 tỷ đồng, cần làm rõ trách nhiệm nếu sai cần truy thu xử lý theo quy định của pháp luật.