Theo Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, từ ngày 8/4, các giáo viên, nhân viên ngành giáo dục làm việc liên trường, nhiều điểm trường sẽ được hỗ trợ tiền xăng xe cho các tháng làm việc thực tế (tối đa 9 tháng)
Theo đó, hỗ trợ 800 nghìn đồng/người/tháng đối với giáo viên, nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường cách nhau từ 10 km trở lên đối với các trường vùng đồi núi, (bao gồm: các xã vùng đồi núi thuộc huyện Hướng Hóa, Huyện Đakrông; 3 xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà thuộc huyện Vĩnh Linh; xã Linh Trường thuộc huyện Gio Linh) và 15 km trở lên đối với các trường vùng đồng bằng (bao gồm các xã thuộc vùng đồng bằng, thành thị còn lại trong tỉnh);
Hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng đối với giáo viên, nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường cách nhau từ 5 km đến dưới 10 km đối với các trường vùng đồi núi và từ 10 km đến dưới 15 km đối với các trường vùng đồng bằng;
Hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/tháng đối với giáo viên, nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường cách nhau dưới 5 km đối với các trường vùng đồi núi và dưới 10 km đối với các trường vùng đồng bằng.
Con đường đưa cơm bán trú đến các điểm trường của giáo viên Trường Mầm non Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: LC |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Thủy – nhân viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, bản thân cô cũng như nhiều đồng nghiệp khác tại trường đều cảm thấy rất vui khi chính sách này được ban hành. Đây là nguồn động viên kịp thời với các thầy cô khi thực hiện công việc.
Thầy giáo Hồ Văn Quyết – Giáo viên môn Mỹ thuật, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết: Trên vùng cao, việc di chuyển đi lại khó khăn, vật giá lại cao nên hỗ trợ được chút nào hay chút đấy. Việc có kinh phí kịp thời cũng là sự động viên thiết thực để các thầy cô vượt khó cống hiến.
Cô giáo Lê Thị Kim Chi – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Lập cho biết, đặc thù các trường học vùng cao là nhiều điểm lẻ, điểm xa. Với tinh thần nơi nào có học sinh, nơi đó có giáo viên, vì vậy, giáo viên, nhân viên trường luôn cố gắng bám trường, bám lớp.
Đoạn đường đến trường của các thầy cô giáo Trường mầm non Hướng Lập. Ảnh: NVCC |
Với Trường Mầm non Hướng Lập, chỉ riêng vận chuyển bữa ăn bán trú cho học sinh đã phải đi lại nhiều, vì các điểm trường, các lớp cách xa nhau.
Lương của các thầy cô ít ỏi, ngoài lo cho cuộc sống vẫn phải dành lại một phần để tu sửa xe cộ, tiền xăng khi đi bản. Đi điểm bản liên tục, vài năm các cô phải thay một cái xe máy mới là chuyện không lạ.
Số tiền hỗ trợ trên có thể chưa nhiều, nhưng đó là nguồn động viên kịp thời để mọi người an tâm thực hiện nhiệm vụ ở những điểm trường xa.
Các thầy cô giáo ở Hướng Sơn (Quảng Trị) phải vượt qua nhiều con đường khó để đến với các điểm trường. Ảnh: LC |
Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, những năm gần đây, Sở này đã không ngừng chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách phát triển ngành, trong đó có chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị giáo dục công lập, toàn tỉnh Quảng Trị đã giảm từ 476 trường xuống còn 368 trường, giảm 108 trường.
Đến tháng 5/2022, toàn tỉnh có 894 điểm trường, số điểm trường trung bình toàn tỉnh là: cấp tiểu học 2,3 điểm trường/ trường, mầm non 2,7 điểm trường/trường, mỗi trường trung học cơ sở có ít nhất 2 điểm trường/trường, cá biệt có trường có 9 điểm trường. Việc thực hiện sáp nhập các trường đã phát sinh tình trạng gia tăng số giáo viên, nhân viên làm xa.
Trong những năm 2021, 2022, 2023, mỗi năm có từ 150 - 170 giáo viên, nhân viên được bố trí làm việc liên trường.
Cùng với lực lượng này, hiện còn có khoảng 830 giáo viên, nhân viên làm việc tại nhiều điểm trường trong tỉnh.
Giáo viên, nhân viên phải làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường không chỉ gặp khó khăn, vất vả trong việc di chuyển giữa các trường, điểm trường và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo phân công mà còn tăng chi phí xăng xe đi lại, trong khi tiền lương không tăng.
Mức quy định kinh phí hỗ trợ của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị là mức chi tối đa, còn các cơ sở giáo dục căn cứ khả năng kinh phí của đơn vị để quyết định mức chi cụ thể.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền xăng xe cho giáo viên, nhân viên làm việc liên trường và nhiều điểm trường các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được cấp thực hiện từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành (cấp tỉnh và cấp huyện).