Trưởng phòng GD huyện Hướng Hóa trải lòng những khó khăn khi triển khai CTGDPT

24/01/2023 06:36
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành GD Hướng Hóa  mong muốn chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm đầu tư đồng bộ, xây dựng cơ sở vật chất một cách trọng điểm,

Từ năm học 2020-2021 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai đối với lớp 1, đến năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng miền núi còn khó khăn, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp không ít thách thức.

Nhằm tìm hiểu khó khăn từ thực tế địa phương, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để tìm hiểu khó khăn thực tế trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa, sự chăm lo và đùm bọc của nhân dân và đồng bào các dân tộc huyện nhà, đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, những thầy giáo, cô giáo tràn đầy nhiệt huyết bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp với học sinh thân yêu; đồng thời ngành giáo dục Hướng Hóa tiếp tục phát huy cao độ nội lực để phát triển một cách vững chắc về số lượng cũng như chất lượng.

Tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi vùng cao biên giới, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp và phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề bởi chiến tranh tàn khốc để lại. Do đó đời sống của một bộ phận nhân dân đang còn những khó khăn nhất định.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Hướng Hóa gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa: LC

Thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Hướng Hóa gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa: LC

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Toàn huyện còn thiếu180 phòng học bộ môn, 37 nhà đa năng, 32 sân chơi, bãi tập của học sinh.

Hằng năm, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được quan tâm kiện toàn, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Kết thúc học kỳ 1 năm học 2022 – 2023, vẫn còn thiếu 172 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cụ thể: cán bộ quản lý 04 (Mầm non: 01, Tiểu học: 02, Trung học cơ sở 01); giáo viên 137 (Mầm non 32, Tiểu học 75, Trung học cơ sở: 30); nhân viên 31 (Tiểu học: 06, Trung học cơ sở 25).

Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học tỷ lệ còn thấp, chỉ đạt 79,3% và triển khai thực hiện dạy học môn tiếng Anh, Tin học lớp 3 ở các trường có nhiều điểm trường lẻ gặp khó khăn.

Bên cạnh khó khăn về đội ngũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa còn có những chia sẻ khó khăn về cơ sở vật chất.

Theo đó, ngay từ học kì I năm học 2022 - 2023,Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường chỉ đạo các trường mầm non, phổ thông thực hiện nghiêm túc công tác kiểm định chất lượng theo kế hoạch về công tác tự đánh giá theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác định điểm mạnh, điểm yếu để tập trung các giải pháp thực hiện, đặc biệt là các giải pháp cải tiến chất lượng; thu thập, bổ sung tư liệu, minh chứng kiểm định chất lượng; tham mưu chính quyền các cấp đầu tư mua sắm cơ sở vật chất và xây dựng nhà đa chức năng, sân chơi, bãi tập phục vụ công tác dạy và học.

Tính đến nay, toàn huyện duy trì được 12/58 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 20,68%), trong đó: có 08/24 trường mầm non (tỷ lệ 33,33%), có 01/11 trường tiểu học (tỷ lệ 09%), 03/10 trường trung học cơ sở (tỷ lệ 30%).

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, diện tích sử dụng của nhà trường nhỏ, hẹp, sân chơi bãi tập không đủ điều kiện theo yêu cầu nên việc kiểm định, đánh giá ngoài và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Với những phòng học không đủ diện tích để triển khai một số nội dung của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa đã có những phương án khắc phục cụ thể.

Thứ nhất, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các đơn vị giáo dục chủ động khắc phục khó khăn, phát huy có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có để thực hiện tốt công tác dạy và học.

Thứ hai, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cụ thể: Năm học 2020 - 2021, xây mới 15 phòng học với kinh phí đầu tư hơn 06 tỷ đồng; Sửa chữa, xây dựng các công trình như: sân chơi, cổng, nhà vệ sinh, hệ thống điện, hàng rào nhà ăn… với kinh phí hơn 04 tỷ đồng; Đầu tư, mua sắm tivi, máy tính, bàn ghế học sinh, đồ dùng học tập với kinh phí 1,9 tỷ đồng; Mua sắm, bổ sung thêm các bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 với kinh phí gần 900 triệu đồng.

Ngành Giáo dục Hướng Hóa cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC

Ngành Giáo dục Hướng Hóa cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC

Năm học 2021 - 2022, xây mới 32 phòng học từ ngân sách nhà nước với tổng kinh phí đầu tư khoảng 14 tỷ đồng.

Nâng cấp, sửa chữa sân trường, cổng, nhà vệ sinh, hệ thống điện, sân chơi, hàng rào nhà ăn học sinh từ ngân sách nhà nước, các dự án với tổng kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng. Mua sắm ti vi, máy tính, bàn ghế học sinh, đồ dùng học tập… với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.

Do đặc thù là huyện miền núi vùng cao biên giới, xuất phát điểm kinh tế thấp và phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề bởi chiến tranh tàn khốc để lại. Đời sống của một bộ phận nhân dân đang còn những khó khăn nhất định nên chưa chăm lo chú đáo về các tài liệu, dụng cụ và phương tiện học tập cho học sinh.

Điều kiện tự nhiên khó khăn, địa hình núi cao, vực sâu, khe suối chằng chịt nên dễ bị chia cắt trong mùa mưa lũ, gây khó khăn cho việc đi lại, học tập của học sinh. Cấp tiểu học có nhiều điểm trường nhỏ lẻ nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở.

Vì vậy, tỷ lệ huy động học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày còn thấp so với kế hoạch của tỉnh.

Song song với việc khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa cũng có nhiều phương án khắc phục khó khăn về tình trạng thiếu đội ngũ.

Hàng năm, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được tăng cường nhằm đảm bảo cho hoạt động dạy học cơ bản.

Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có là 2.117 người; trong đó: Mầm non 785 người (hợp đồng 146 nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non theo Nghị quyết số 35 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị); Tiểu học 723 người ;Trung học cơ sở 609 người.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia tập huấn chuyên môn và bồi dưỡng thường xuyên, tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tham gia tập huấn đầy đủ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022 - 2023, Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa tuyển dụng 25 viên chức (Mầm non: 09, Tiểu học: 13, Trung học cơ sở: 03) và hiện nay đang tiếp tục triển khai kế hoạch tuyển dụng 89 giáo viên, nhân viên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ năm 2022.

Trên cơ sở những khó khăn hiện hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa đã có một số kiến nghị cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, bất cập đang còn tồn tại, đề ra và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với giáo dục mũi nhọn; đồng thời tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học mầm non và phổ thông để phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của huyện, tạo cơ hội và đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các dân tộc huyện nhà và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện mong muốn chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm đầu tư nhiều hơn, đồng bộ hơn, có một lộ trình xây dựng cơ sở vật chất một cách trọng điểm, đạt chuẩn cho các đơn vị trường học nhất là các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường phổ thông dân tộc bán trú gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để góp phần thúc đẩy giáo dục Hướng Hóa phát triển xứng tầm với sự lớn mạnh của huyện nhà.

Hướng Hoá là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, là một trong 10 đơn vị hành chính của tỉnh.

Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam và Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp với huyện Do Linh, Vĩnh Linh và Đakrông.

Toàn huyện có 22 đơn vị hành chính trong đó 20 xã và 02 thị trấn (Khe Sanh và Lao Bảo) (trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn; 11 xã giáp biên với Lào).

Năm học 2022 - 2023, huyện Hướng Hóa có 60 đơn vị trường học; 26 trường Mầm non (trong đó có 02 Trường Mầm non tư thục và các nhóm lớp độc lập); 34 trường phổ thông (trong đó: Tiểu học: 11 trường; Trung học cơ sở: 07 trường; Tiểu học vàTrung học cơ sở: 10 trường; Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở: 02 trường; Phổ thông dân tộc nội trú huyện: 01 trường; Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở: 03 trường).

Cấp học Mầm non: Có 110 điểm trường, huy động 331 lớp (tăng 01 lớp mẫu giáo so với 14/10/2021, do tách lớp ghép tại Trường mầm non Tân Hợp) với 7597 học sinh, nữ 3705, học sinh dân tộc thiểu số 4345;

Chia ra: Nhà trẻ: Huy động 69 nhóm với 967 trẻ, nữ 456, học sinh dân tộc thiểu số 400, đạt tỉ lệ huy động 22,46%; trong đó nhóm trẻ công lập 33 nhóm với 272 trẻ, nữ 124, học sinh dân tộc thiểu số 01; Mẫu giáo: Huy động 262 lớp với 6630 học sinh, nữ 3249, học sinh dân tộc thiểu số 33945, đạt tỷ lệ huy động 95,77%; trong đó lớp tư thục 15 lớp với 279 học sinh, nữ 116, học sinh dân tộc thiểu số 07. Riêng mẫu giáo 5 tuổi huy động 2278 , nữ 1095, học sinh dân tộc thiểu số 1297; đạt tỷ lệ huy động 100%.

Cấp học Tiểu học:Có 79 điểm trường, huy động 521 lớp, có 33 lớp ghép (30 lớp ghép 02 trình độ, 03 lớp ghép 03 trình độ), sau khi ghép có 485 lớp với 11.930 học sinh, nữ 5770, học sinh dân tộc thiểu số là 6607; đạt tỷ lệ huy động 99,78%

- Cấp học Trung học cơ sở: Huy động 213 lớp với 7488 học sinh, nữ 3736, học sinh dân tộc thiểu số là 4404, đạt tỷ lệ huy động 95,8%.

Trần Phương