Được quan tâm, trường địa phương sẽ phát triển nhưng không thể bao cấp lâu dài

20/06/2023 07:05
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành CSGD có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ.

LTS: Trường Đại học Hạ Long (Ha Long University) là trường đại học công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trường được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Trường được thành lập với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.

Năm 2019, để Trường Đại học Hạ Long nhanh chóng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết 187/2021/ NQ-HĐND ngày 30/07/2019 (gọi tắt là Nghị quyết 187) ban hành chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.

Năm 2021, tại Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bổ sung thêm ngành học Ngôn ngữ Trung Quốc vào chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long.

Như vậy, từ năm học 2021 - 2022, ngoài 2 ngành đào tạo sư phạm trình độ đại học là Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học có chính sách hỗ trợ lớn cho người học thì Trường Đại học Hạ Long có 7/13 ngành đào tạo trình độ đại học có những chính sách khuyến học hấp dẫn, được thực hiện theo các chính sách khuyến học của riêng tỉnh Quảng Ninh.

Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển Trường Đại học Hạ Long trong giai đoạn 2030 – 2045, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Trường Đại học Hạ Long (Ha Long University) là trường công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Đại học Hạ Long (Ha Long University) là trường công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Phạm Linh)

Phóng viên: Thưa thầy, Trường Đại học Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ. Vậy theo thầy, đâu là cơ sở để nhà trường – một trường đại học địa phương đặt ra mục tiêu lớn như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp: Thực ra mục tiêu đặt ra như vậy là có những cơ sở thực tế khách quan và khoa học. Trường Đại học Hạ Long là trường đại học địa phương do vậy phải phục vụ trước hết cho nhu cầu phát triển nhân lực của Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, vì vậy ngay từ khi thành lập tỉnh Quảng Ninh đã định hướng cho sự phát triển của nhà trường là đại học ứng dụng theo hướng đa ngành, cung cấp nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: “Xây dựng Trường Đại học Hạ Long từng bước trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực”.

Trên thực tế, tỉnh đã tập trung đầu tư rất nhiều cơ chế, chính sách và nguồn lực để xây dựng nhà trường, có thể nói đó là các chính sách đặc thù riêng có của Quảng Ninh dành cho Trường Đại học Hạ Long.

Vì vậy trong thời gian ngắn Nhà trường đã có đội ngũ giảng viên cơ hữu chất lượng cao về làm việc và đứng tên mở ngành đào tạo (nhất là các ngành ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), cùng với đó là cơ sở vật chất đầu tư hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường đến năm 2030.

Mặt khác, du lịch, nghệ thuật vốn là thế mạnh của Nhà trường với trên 30 năm đào tạo ( từ Trường Cao đẳng văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long).

Đây là cơ sở vững chắc để khẳng định vị thế, ngành đào tạo mũi nhọn của trường với mục tiêu đến năm 2030, Trường Đại học Hạ Long trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp cho biết, Trường Đại học Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ (Ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp cho biết, Trường Đại học Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ (Ảnh: Phạm Linh)

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, nhà trường đã và đang có những thuận lợi như thế nào? Ngoài ra, đâu là vấn đề khó khăn nhất nhất để thực hiện mục tiêu trên?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp: Như trên đã nói thuận lợi là được tỉnh quan tâm khi ban hành các chính sách về thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, các chính sách ưu tiên, thu hút người học và chính sách cho giảng viên tham gia thỉnh giảng tại trường.

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành 8 Nghị quyết cho Trường Đại học Hạ Long, các chính sách tập trung vào các lĩnh vực: chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long; chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long; các chính sách thu hút sinh viên vào học ở các ngành đào tạo trình độ đại học của Trường; chính sách thu hút giữ sinh viên tiếng Nhật học giỏi ở lại trường làm giảng viên.

Ngoài ra trong quá trình hoạt động tập thể Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu cũng như toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động của nhà trường rất đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu chung để xây dựng và phát triển cũng là động lực, sức mạnh to lớn để Trường Đại học Hạ Long phát triển như hiện nay.

Quá trình thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ, Trường Đại học Hạ Long cũng gặp phải một số khó khăn.

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa sự phát triển, mở rộng quy mô đào tạo với đội ngũ giảng viên. Theo quy định hiện hành, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo đại học phụ thuộc cơ bản vào số lượng giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo trong khi đó việc tuyển nhiều giảng viên cơ hữu chưa hẳn đã là giải pháp tối ưu của các nhà trường vì còn liên quan đến chuyện tự chủ tài chính, đó là chưa kể đến việc các trường công lập phải xác định Đề án tự chủ (trong đó có nội dung xác định tổng số người làm việc) trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mất rất nhiều thời gian.

Thứ hai, mức thu nhập của giảng viên không đủ hấp dẫn để tuyển dụng mới, giữ chân giảng viên trình độ cao ở lại trường và khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ.

Hiện, nhà trường đang tự chủ một phần kinh phí hoạt động (khoảng 50%), theo quy định hiện hành, khung học phí cho các cơ sở đào tạo đại học chưa tự chủ 100% kinh phí được quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thì mức thu học phí rất thấp không đủ để khuyến khích động viên tăng thu nhập cho giảng viên.

Thứ ba, sự cạnh tranh gay gắt của các đại học, trường đại học “top” trên có đào tạo các ngành trùng với Trường Đại học Hạ Long đòi hỏi nhà trường luôn cố gắng để nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đơn vị tiếp nhận nhân lực, lao động.

Thứ tư, một số ngành kỹ thuật khó tuyển sinh mặc dù khi thành lập các ngành này được xác định là gắn với nhu cầu nhân lực của tỉnh như ngành nuôi trồng thủy sản. Trên thực tế sinh viên học ngành này ra trường có việc làm ngay, thu nhập rất cao nhưng phụ huynh và học sinh không mấy mặn mà lựa chọn vì cho rằng đây là ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp vất vả, khác xa so với với lĩnh vực dịch vụ, du lịch vốn là thế mạnh của tỉnh.

Phóng viên: Trở thành một trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, xin thầy cho biết những kết quả mà nhà trường đã đạt được và kế hoạch trong thời gian sắp tới?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp: Kể từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là tổ chức bộ máy được tinh giản, hoạt động hiệu quả, đội ngũ giảng viên được phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu mở ngành đào tạo: sau gần 8 năm hoạt động, đến nay Nhà trường có 20 khoa, phòng, trung tâm (giảm 05 đơn vị), đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 15 lần, thạc sĩ tăng 1,5 lần so với thời điểm thành lập trường.

Quy mô đào tạo chính quy tăng nhanh nhất là sinh viên bậc đại học: số ngành đại học hiện nay là 17 ngành (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015 chỉ có 5 ngành); tỷ lệ sinh viên đại học chính quy đạt 91% so với tổng số sinh viên, học sinh chính quy ( 4.932 sinh viên/5.462 sinh viên học sinh chính quy), so với năm đầu tiên hoạt động, tỷ lệ này chỉ đạt 11%.

Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế có nhiều kết quả tích cực: từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu, công nhận kết quả 546 nhiệm vụ khoa học (trong đó có 1 nhiệm vụ cấp quốc gia); có 668 công bố trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo chuyên ngành (trong đó có 44 công bố quốc tế thuộc danh mục WoS(ISI)/SCOPUS).

Nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 cơ sở giáo dục ở các quốc gia Úc, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philipines, New Zealand; 7 tổ chức phi chính phủ cung cấp tình nguyện viên và chuyên gia; 2 trường đại học để thực các dự án quốc tế và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại.

Cùng với đó, Nhà trường đã tiếp nhận hàng trăm chuyên gia, tình nguyện viên đến từ các tổ chức quốc tế như: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội; Đại sứ quán Mỹ; Tổ chức ELIC (English Language Institute in China); Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation),...

Đào tạo tiếng Việt và chuyên môn bậc đại học cho hơn 700 lưu học sinh của 3 tỉnh Bắc Lào trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và 3 tỉnh Bắc Lào (Hủa phăn; Xay Nhạ Bu Ly và Luông pha Băng)…

Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tăng cường việc nâng cao chất lượng đào tạo, mở mới ngành đào tạo theo định hướng phát triển của tỉnh cũng như triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra.

Trường Đại học Hạ Long luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm khi ban hành các chính sách về thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, các chính sách ưu tiên, thu hút người học và chính sách cho giảng viên tham gia thỉnh giảng tại trường (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Đại học Hạ Long luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm khi ban hành các chính sách về thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, các chính sách ưu tiên, thu hút người học và chính sách cho giảng viên tham gia thỉnh giảng tại trường (Ảnh: Phạm Linh)

Phóng viên: Việc thực hiện lộ trình tự chủ đại học đặc biệt là tự chủ tài chính của nhiều trường đại học địa phương đang gặp khó khăn. Là một trường đại học địa phương, Trường Đại học Hạ Long có gặp phải tình trạng tương tự không?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp: Tự chủ đại học là xu thế tất yếu hiện nay, trong đó xã hội hay quan quan tâm đến nội dung tự chủ về tài chính.

Như trên đã nói, hiện nay Trường Đại học Hạ Long đang tự chủ tài chính khoảng 50% về chi thường xuyên (ngân sách chỉ cấp chi lương cho 167 người trên 340 người làm việc), với tỷ lệ tự chủ trên và mức thu học phí theo khung học phí được quy định thì nguồn kinh phí phục vụ nhu cầu hoạt động của nhà trường cũng eo hẹp, nhất là việc tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giảng viên, viên chức và lao động bị hạn chế.

Theo lộ trình đặt ra Nhà trường phấn đấu đến năm 2030 sẽ tự chủ 100% chi thường xuyên để chủ động trong các hoạt động, cải thiện nguồn thu và tăng thu nhập cho người lao động.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tổng kết mô hình các trường đại học trực thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Thầy nghĩ sao về đề xuất này? Vì sao?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp: Việc tổng kết mô hình là cần thiết để có cái nhìn toàn diện về các trường đại học địa phương, từ đó có những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các trường này.

Trên thực tế những địa phương quan tâm, đầu tư thì các trường sẽ phát triển, tuy nhiên không thể bao cấp lâu dài được mà các trường phải sớm thực hiện tự chủ trên cả 3 phương diện: Tự chủ về tổ chức và nhân sự; học thuật, hoạt động chuyên môn.

Các trường đại học địa phương có những đặc điểm riêng, khác với các trường đại học thuộc Bộ chủ quản, và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của địa phương đồng thời cũng chịu sự điều chỉnh đầy đủ của các quy định của Trung ương, đây là vấn đề cần giải quyết để bảo đảm sự đồng bộ về cơ chế, chính sách.

Mặt khác các trường địa phương thành lập để giải quyết trực tiếp nhu cầu nhân lực tại địa phương nhưng chỉ tiêu tuyển sinh và các điều kiện ràng buộc khác lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, làm giảm tính chủ động của nhà trường.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Phạm Linh