Liên minh châu Âu hôm 26/7 cho công bố quyết định mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga về vai trò của nước này trong cuộc xung đột tàn phá Ukraine.
Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) Alexander Bortnikov và người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Mikhail Fradkov là hai quan chức cấp cao nhất của Nga nằm trong danh sách EU mới tiết lộ.
Alexander Bortnikov |
Biện pháp mới bao gồm đóng băng tài sản và cấm thị thực đối với 15 cá nhân và 18 công ty của Nga. Ngoài ra, trong danh sách còn có Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov. Tổng cộng có 87 cá nhân và 20 đơn vị nằm trong danh sách mở rộng.
Bortnikov và Fradkov, hai thành viên của Hội đồng An ninh Nga bị cáo buộc "tham gia vào việc hình thành các chính sách của chính phủ Nga đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine". Ông Kadyrov bị cáo buộc "hỗ trợ sự sáp nhập bất hợp pháp Crimea và hỗ trợ các cuộc nổi dậy vũ trang ở Ukraine", tờ tạp chí Official Journal của EU cho biết thêm.
Tuyên bố cho biết lý do khiến nhà lãnh đạo Chechnya được liệt kê vào danh sách này vì đã "bày tỏ sự sẵn sàng gửi 74.000 tình nguyện viên Chechnya tình tới Ukraine" nếu được yêu cầu.
Danh sách mới, dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày thứ Ba tuần tới có thể bao gồm cả một số "đầu sỏ chính trị" gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nguồn tin ngoại giao cho biết.
28 thành viên EU cũng được chuẩn bị để từ tuần tới sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối các công ty tài chính, vũ khí, công nghệ năng lượng của Nga ở lĩnh vực dân sự và quân sự.
EU trước đó tỏ ra khá miễn cưỡng áp dụng các biện pháp kinh tế khắc nghiệt chống lại Nga dưới áp lực của Washington, nhưng thảm kịch MH17 bị bắn rơi trong khu vực do phe ly khai kiểm soát tại Đông Ukraine, đã tạo ra một sự thay đổi rõ ràng ở EU, mặc dù đại đa số vẫn không muốn áp dụng biện pháp cứng rắn vì lo sợ tác động kinh tế tới chính các quốc gia này trong bối cảnh tài chính khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói với Reuters hôm 26/7 rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ phải có tác động mạnh mẽ tới Nga, nhưng vừa phải tới tổ chức này. Hơn nữa, nó sẽ chỉ có tác dụng đối với các hợp đồng tương lai. Điều đó có nghĩa là Pháp vẫn có thể duy trì thỏa thuận bán tàu chiến mà nước này rất muốn hoàn thành cho Moscow.
Tuy nhiên Reuters cho biết, ảnh hưởng lớn nhất có thể nhìn thấy trước mắt là dự án đường ống South Stream lớn của Gazprom sang châu Âu và khí ga hóa lỏng Arctic Yamal của Novatek. Các đối tác chính của Gazprom trong dự án South Stream là Eni của Ý, EDF của Pháp, OMV của Áo và Wintershall của Đức được nhìn thấy cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. /.