EVN không sòng phẳng

22/11/2011 09:40
Theo Trần Minh Quân - VEF
Thay vì tự soi xét lại mình, EVN luôn đẩy khó khăn về phía người dân.
Đây là biểu hiện của sự thiếu sòng phẳng khi EVN là đơn vị độc quyền cung cấp điện, đang sử dụng nguồn lực tài chính, tài nguyện dồi dào - mà thực chất là tiền thuế do dân đóng góp.



Người dân đã ngán đến tận cổ điệp khúc "lỗ" được phát ra liên tục từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian gần đây. Điệp khúc ấy một lần nữa được lãnh đạo Bộ Công Thương lên tiếng, kèm theo đó là cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của EVN nếu giá điện không tăng.

Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN chiều 19/11 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này thừa nhận, trong năm 2010, giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh, trong khi đó giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180,0 đồng/kWh, tức là với chỉ riêng việc kinh doanh điện, EVN đã lỗ 10.162 tỷ đồng.

Mặc dù giá thành điện được công bố chi tiết thông qua các loại chi phí tại các khâu phát điện (916,2 đồng/kWh), truyền tải (65,7 đồng/kWh), phân phối (189,2 đồng/kWh), phụ trợ và quản lý ngành (8,9 đ/kWh), nhưng những con số này vẫn không làm cho nhiều người thỏa mãn.

Được biết, đây là kết quả do Tổ công tác liên Bộ Công Thương - Tài chính kiểm tra thực tế trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Cuộc kiểm tra được căn cứ trên các văn bản của EVN cung cấp, như báo cáo tài chính có kiểm toán độc lập kiểm toán, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 sau kiểm toán, hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện... Tuy nhiên, đây chỉ đơn thuần là cuộc kiểm tra về lỗ/lãi chứ chưa phải là cuộc kiểm toán toàn diện các loại chi phí và kiểm toán tính hợp lý của các loại chi phí đó.

Đáng nói hơn, kết quả công bố này hầu như không hề nhắc đến những yếu tố mà người dân thực sự quan tâm như thất thoát trong quá trình quản lý, đầu tư các dự án, các nhà máy điện hay các khoản lỗ do đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành và đặc biệt là trách nhiệm của những người có liên quan.

Sở dĩ EVN nhận được nhiều quan tâm của dư luận là bởi từ những năm 2006, 2007, EVN được đánh giá là đứng thứ ba về đầu tư ngoài ngành, mà chủ yếu là các ngành không thuộc sở trường và thế mạnh của mình như: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông... Đến nay, các khoản đầu tư trái ngành này đều mang lại cho EVN những kết quả thảm hại.

Điển hình là các vụ việc: EVN từng góp vốn đầu tư vào Công ty CP chứng khoán Hà Thành, nhưng đến nay công ty này đã ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT đã "biến mất" sau khi ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông; EVN cũng đầu tư vào các dự án bất động sản như điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVN Land Nha Trang... nhưng đều không có lối thoát. Nhưng nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực viễn thông. Chỉ riêng năm 2010, EVN Telecom đã lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư luận rất không đồng tình trong việc trả lương thưởng của cán bộ công nhân viên đang làm việc cho EVN.

Trong một số bài viết về việc tăng giá điện được đăng tải trên VEF.VN và các báo khác, có rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả phản ánh tình trạng bất hợp lý này. Đa số đều bất bình và đặt nghi vấn rằng tại sao trong lúc dầu sôi lửa bỏng và đứng trước thực trạng làm ăn be bét của một số đơn vị trực thuộc EVN thì mức lương thưởng của nhân viên EVN rất cao, cao hơn rất nhiều so với các đơn vị khác và bỏ xa mức thu nhập trung bình của người dân?

Thật khó mà thông cảm khi ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, than rằng ông cảm thấy "đau lòng" khi lương để hạch toán vào giá thành điện của cán bộ công nhân viên và lãnh đạo EVN (bình  quân đầu  người) "chỉ" ở mức... 7,3 triệu đồng/người/tháng. Liệu khi đưa ra con số này, ông Thanh có biết là nó rất phản cảm hay không?

Một điểm đáng lưu ý khác là tỉ lệ thất thoát điện năng đang ở mức rất cao. Chỉ riêng năm 2010, con số này là 10,25%. Đây là một tổn thất không nhỏ cho toàn nền kinh tế nói chung và EVN nói riêng.

Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù được báo chí thường xuyên nhắc tới và yêu cầu làm rõ những sự việc này nhưng người dân vẫn nhận được sự im lặng khó hiểu từ phía những người có trách nhiệm, trong khi chuyện đòi tăng giá thì vẫn được nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì con số nợ khủng của năm 2010 này sẽ được hạch toán vào giá điện. Tức là bất kể vì lý do gì, lỗ do yếu tố chủ quan hay khách quan, do cơ chế chính sách, do thiên tai hay nhân tai... thì dù thế nào đi nữa, người dân cũng phải gánh chịu.

Vậy câu hỏi được đặt ra là với các khoản lỗ khác thì sao? Ai sẽ là người nhận trách nhiệm? Số tiền thất thoát, thua lỗ do EVN quản lý yếu kém, đầu tư ngoài ngành gây ra sẽ được thu hồi và bằng cách nào? Hay nó lại tiếp tục được đẩy về phía người dân? Nếu cứ theo đà này thì người dân chẳng khác nào phải lãnh đủ gắng nặng do EVN để lại.

Với đa số mọi người, việc tính giá thành hay tăng giá điện - dù được giải thích như thế nào - vẫn cảm thấy có một khoảng nào đó thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là rất mù mờ. Trong khi tình hình kinh tế lại đang rất khó khăn, thu nhập người dân đang bị hạn chế lại phải chịu rất nhiều chi phí gia tăng do giá cả tăng và đồng tiền mất giá. Thay vì tự soi xét lại mình, đánh giá xem có hay không chuyện thất thoát, lãng phí, đầu tư cho công tác quản lý để đạt hiệu quả hơn... thì EVN luôn muốn đẩy những khó khăn, yếu kém đó về phía người dân.

Đây là một biểu hiện của sự thiếu sòng phẳng khi EVN là đơn vị độc quyền cung cấp điện và đang sử dụng nguồn lực tài chính, tài nguyện dồi dào của quốc gia, mà thực chất là tiền thuế do nhân dân đóng góp.
Theo Trần Minh Quân - VEF