Financial Times: Phần lớn binh sĩ Ukraine đang thất vọng với chính phủ

01/08/2015 09:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhiều binh sĩ Ukraine tham gia chiến đấu tại khu vực Donbass đang mất niềm tin vào Tổng thống và chính phủ của mình.

RIA Novosti ngày 31/7 dẫn báo cáo của Financial Times cho biết, nhiều binh sĩ Ukraine tham gia chiến đấu tại khu vực Donbass đang mất niềm tin vào Tổng thống và chính phủ của mình.

Trong các cuộc phỏng vấn do phóng viên Financial Times thực hiện, nhiều binh sĩ Ukraine phàn nàn rằng họ đang phải chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn do nguồn hỗ trợ hầu cần quá nghèo nàn.

Binh sĩ Ukraine. Ảnh Rian
Binh sĩ Ukraine. Ảnh Rian

Ngoài ra, họ cáo buộc chính sách thất bại của Tổng thống là nguyên nhân dẫn tới sự liên tục vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.

"Tại sao Tổng thống không đến đây thăm tình hình? Ông không muốn tận mắt chứng kiến tình trạng tồi tệ của chúng tôi hay sao?" Financial Times dẫn lời một binh sĩ tên là Basil cho biết.

Theo binh sĩ này, ông Poroshenko thường chỉ thích đến thăm các khu vực xung đột, nơi được trang bị các vũ khí hiện đại, và không hề ngó ngàng gì đến các khu vực tiền tuyến.
 
Theo phóng viên Financial Times, những tình cảm và suy nghĩ như trên đang khá phổ biến trong quân đội Ukraine. "Họ cảm thấy mình giống như bia đỡ đạn... trong cuộc chiến tranh âm ỉ", phóng viên Financial Times nhận định.

Tổng thống Poroshenko đã nhiều lần phàn nàn về việc Washington từ chối cung cấp vũ khí chống tăng cho Kiev, như hệ thống Javelin, nhưng chính phủ của ông trong thực tế còn không trang bị cho các binh sĩ Ukraine thậm chí là một hệ thống tên lửa chống tăng sản xuất trong nước Stugna.  
 
Theo quan sát của phóng viên Financial Times, nhiều người lính Ukraine chiến đấu ở Donbass, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các thành viên tổ chức dân tộc cực đoan Right Sector.

Niềm tin vào sự lãnh đạo của chính phủ Kiev không chỉ đang sụt giảm mạnh trong quân đội mà còn trong toàn thể xã hội Ukraine. Kết quả của một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành bởi Viện Xã hội học Kiev gần đây cho thấy, ông Poroshenko chỉ nhận được sự hỗ trợ của 14,6% người tham gia khảo sát, Thủ tướng Yatsenyuk là 1,3%.

Các nguyên nhân chính của tình trạng này là do chính phủ Kiev đến nay vẫn chưa thể thực hiện phần lớn lời hứa của mình khi lên nắm quyền. Cuộc chiến tranh có dấu hiệu sẽ còn kéo dài, kinh tế tiếp tục suy thoái và cải cách chậm chạp, các điều kiện cải cách đi kèm với gói hỗ trợ của IMF được xem là một gánh nặng khó chịu.

Tình hình hiện nay cho thấy không có bằng chứng trực tiếp về mối đe dọa có thể dẫn tới sự hủy diệt của liên minh cầm quyền, nhưng các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10 tới có thể cho kết quả thuận lợi cho các phe đối lập tại Ukraine.

Nguyễn Hường