Tạp chí Foreign Policy cảnh báo, sự tăng cường xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc có thể sẽ gây ra sự mất ổn định trên thế giới và làm cho Mỹ khó khăn hơn nhiều khi can thiệp vào các quốc gia khác.
Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc sản xuất. Ảnh RT. |
Trong bài phân tích về tác động từ việc Bắc Kinh ngày càng tăng vị thế trong thị trường vũ khí toàn cầu đăng tải hôm 20/5, tờ Foreign Policy đã đưa ra những cảnh báo về nguy hiểm tiềm ẩn từ việc vũ khí Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thế giới.
Trung Quốc từ lâu đã là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các vũ khí nhỏ, nhưng kể từ năm 2011, nước này bắt đầu bán các vũ khí tiên tiến gồm các tàu khu trục cỡ nhỏ và các máy bay sang thị trường châu Phi và Trung Đông.
Năm 2012, Trung Quốc giành hợp đồng cung cấp 3 tàu khu trục cho Algeria. Nhưng bất ngờ hơn là năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chọn mua hệ thống phòng thủ và tên lửa của Trung Quốc thay vì của các "ông trùm" khác trong lĩnh vực này là Mỹ, Nga hay EU.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh không chỉ đạt được khả năng tự cung tự cấp vũ khí phòng thủ mà còn trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga, vượt qua cả Đức và Pháp, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm tháng 3/2015.
Trong năm 2010 đến 2014, doanh số bán vũ khí toàn cầu của Trung Quốc gần như tăng gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Theo dự báo của tạp chí Foreign Policy, trong 10 năm tới các hệ thống vũ khí tiên tiến của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường khi Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp toàn cầu. Khả năng này có được là do Trung Quốc có thể tăng chất lượng của các loại vũ khí này và giảm giá của nó theo thời gian như họ đã làm được với hàng điện tử tiêu dùng.
Năm 2012, Trung Quốc giành hợp đồng cung cấp 3 tàu khu trục cho Algeria. Ảnh Foreign Policy. |
Trung Quốc đã đạt được khả năng này nhờ các chương trình đầu tư mạnh vào công nghệ vũ khí, bắt chước nước ngoài, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí trong nước.
Cách tiếp cận này, đặc biệt là sao chép vũ khí của nước ngoài, đã đem lại rất nhiều hiệu quả, giúp Trung Quốc tiết kiệm được thời gian và chi phí phát triển vũ khí.
"Các hệ thống vũ khí của Trung Quốc thường rẻ hơn nhiều so với các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh. Mặc dù chúng không thể tốt hơn các vũ khí của Nga hay Mỹ, nhưng có thể chấp nhận được", tạp chí Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, Foreign Policy nhấn mạnh rằng sự nổi lên của Ấn Độ và Trung Quốc cũng như các nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu khác là "một xu hướng đáng lo ngại".
Theo chuyên gia Joseph E. Lin của Foreign Policy, sự phổ biến của các loại vũ khí tiên tiến giá rẻ sẽ có thể gây mất ổn định ở nhiều nơi trên thế giới.
"Khi một nước trang bị cho quân đội của họ những vũ khí mạnh hơn, các nước láng giềng của họ sẽ cảm thấy bị đe dọa và phản ứng. Điều này sẽ dẫn đến sự căng thẳng", E. Lin cho biết.
Hơn nữa, sự mở rộng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc có thể đặt dấu chấm hết cho thời đại mà Mỹ có thể tự do can thiệp vào các nước khác.
"Những vũ khí này sẽ cho phép ngay cả các nước có ngân sách quốc phòng hạn chế cũng có được khả năng từ chối can thiệp và làm cho Mỹ khó khăn hơn khi muốn can thiệp quân sự mà không muốn có thương vong đáng kể", tạp chí Foreign Policy nhấn mạnh.
Vũ khí giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ cũng có khả năng "phá vỡ thị trường vũ khí toàn cầu", dẫn đến sự sụt giảm đơn đặt hàng của Mỹ, Nga và EU. Theo lời khuyên của Foreign Policy, phương Tây nên "thận trọng trong các quyết định của mình liên quan đến việc bán vũ khí, đặc biệt là cho các cường quốc đang nổi lên"./.