Phó Thủ tướng Nga: Mỹ sẽ không thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Moscow

28/01/2015 09:56
Nguyễn Hường
(GDVN) - Rogozin nói rằng công nghệ này sẽ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không còn khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo hạt nhân của Nga.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hồi đầu tuần này tuyên bố rằng Moscow đã đạt được một bước đột phá trong công nghệ tên lửa.

Theo lời ông Rogozin, thông tin chi tiết về công nghệ này hiện là tuyệt mật. Tuy nhiên, ông cho rằng công nghệ này sẽ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không còn khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo hạt nhân của Nga trong hiện tại và tương lai.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin.

Theo International Business Insider ngày 27/1, tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo NATO thông báo sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về chiến lược của liên minh trong việc đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Nga trong tháng 2 tới.

Theo tờ báo, tuyên bố trên của Nga cho thấy rằng nước này vẫn là một siêu cường, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và phản ứng dữ dội từ phương Tây do liên quan tới sự kiện Ukraine.

"Tôi tin rằng tuyên bố trên có ý nghĩa xa hơn phòng thủ và răn đe hạt nhân", tờ báo dẫn lời Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 1998 đến năm 2000 và là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Bill Clinton về các vấn đề liên quan đến Nga và Ukraine từ năm 1996 đến năm 1997, cho biết.

Pifer tin rằng những khó khăn kinh tế hiện nay đã khiến các nhà lãnh đạo Moscow cảm thấy lo lắng rằng quyền lực toàn cầu của mình đang bị suy giảm.  

Hệ thống tên lửa di động Topol-M của Nga.
Hệ thống tên lửa di động Topol-M của Nga.

"Nga không thể cạnh tranh về mặt kinh tế và xuất khẩu vũ khí là chủ yếu. Do đó, để chứng minh mình là một siêu cường thì vũ khí hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng", ông Pifer nhận định.

Việc Nga tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của mình trong bối cảnh quan hệ với phương Tây đang xấu đi đã làm dấy lên các lo ngại rằng nó có thể châm ngòi cho các cuộc chạy đua hạt nhân hoặc đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Nhưng theo Sarah Lain, một nhà nghiên cứu và chuyên gia về Nga tại viện  Royal United Services Institute ở London, cho rằng những tuyên bố của Moscow sẽ không đưa thế giới đến gần hơn mối quan hệ kiểu Chiến tranh Lạnh và các ý kiến của Phó Thủ tướng Rogozin có thể không chủ đích nhắm vào Mỹ hay phương Tây.

"Rất nhiều tuyên bố và yêu cầu của chính phủ Nga hướng nhiều hơn vào các đối tượng trong nước", bà Lain nói./.

Nguyễn Hường