LTS: Sắp đến ngày kỷ niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam bị lính Trung Quốc sát hại trong cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma trước hành động xâm lược của Bắc Kinh, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông, phân tích những bài học giữ nước ngày nay từ sự kiện thất thủ Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới quý bạn đọc bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục. Văn phong và lập luận trong bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.
Hàng năm mỗi dịp 14/3, người Việt Nam lại đau đáu nhớ về 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trước làn đạn lính Trung Quốc trong cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma năm 1988.
Gạc Ma thất thủ vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, mà kẻ thù thì hung hãn, vũ khí trang bị đầy mình, nhưng tấm gương anh dũng, quả cảm của các anh mãi trường tồn với dân tộc này, nước non này cùng Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.
Hình ảnh xúc động cụ Hoàng Dỏ ở Tân Định, Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, cha liệt sĩ Hoàng Văn Túy hy sinh trong trận Gạc Ma, hàng năm vẫn làm giỗ cho cả 64 liệt sĩ với 64 đôi đũa, 64 chiếc bát. Ảnh: Quốc Nam / Báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). |
Ngày nay khi đứng trước xu thế leo thang quân sự hóa nghiêm trọng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhìn lại sự kiện Gạc Ma chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền trước âm mưu bành trướng.
Tầm nhìn xa và cảnh giác trước âm mưu, tham vọng bành trướng
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền một cách hợp pháp, hòa bình và liên tục khi còn là đất vô chủ từ thế kỷ 17. Càng về sau, hoạt động thực thi chủ quyền càng được hoàn thiện.
Năm 1954 Hiệp định Geneva giao cho Việt Nam Cộng hòa quản lý và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất non sông, thì năm 1974 Trung Quốc thừa cơ Việt Nam đang thống nhất đất nước đã cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa, 74 người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống.
Năm 1975, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thời điểm đó mới chỉ có 5 đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn là có quân Việt Nam Cộng hòa chốt giữ, riêng An Bang mới kịp đặt bia chủ quyền chứ chưa có người.
Ngay trước khi tiếp quản, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận định, với bài học Hoàng Sa năm 1974 nếu không tiếp quản nhanh và kịp thời thì nước khác sẽ thừa nước đục thả câu, nhảy vào chiếm mất.
Đúng như dự đoán, ngày 25/4 Hải quân tiếp quản Sơn Ca, ngày 27/4 làm chủ Nam Yết và Sinh Tồn, ngày 28/4 tiếp quản Trường Sa Lớn và An Bang thì sáng 29/4 một số "tàu lạ" đã lởn vởn tiếp cận các đảo này, nhưng nhìn thấy cờ của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam thì chúng đành bỏ đi.
Nhận thức rõ tham vọng bành trướng xuống Trường Sa của các nhà cầm quyền Trung Quốc, mặc dù điều kiện của chúng ta khi mới giải phóng còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, lực lượng hải quân chưa có điều kiện như bây giờ, nhưng lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng củng cố phòng thủ, mở rộng các điểm đóng quân ở Trường Sa. Mọi thứ đều phải vận chuyển từ đất liền ra, xa xôi thiếu thốn, khó khăn trăm bề.
Lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam được kéo lên trên đảo Sơn Ca ngày 25/4/1975 là minh chứng hùng hồn về sự tiếp nối của các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ thực thi chủ quyền hợp pháp, hòa bình và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh tư liệu. |
Những năm 1980, Trung Quốc đã liên tục cho tàu cá giả dạng xuống do thám Trường Sa và các bãi cạn trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Ban Biên giới Chính phủ khi đó đã kiến nghị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng, cần khẩn trương xây dựng các nhà dàn cao chân trên các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam như Ba Kè, Tư Chính, Vũng Mây, Huyền Trân..., nếu không Trung Quốc sẽ đánh chiếm. Đại tướng đã báo cáo lại với Bộ Chính trị, Bộ Chính trị đồng tình và lập tức cho triển khai.
Thời điểm đó Việt Nam đang cực kỳ khó khăn về mọi mặt, vì vừa kết thúc 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ thì lại phải căng mình chống Khmer Đỏ đánh phá biên giới Tây Nam và Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc. Kinh tế kiệt quệ vì chiến tranh đã đành, nguồn viện trợ giúp đỡ cũng không còn vì Liên Xô đang bên bờ vực khủng hoảng, tất cả phải tự lực cánh sinh.
Trong hoàn cảnh ấy các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ vẫn dành tối đa mọi khả năng có thể để củng cố phòng thủ, tăng cường các điểm đóng quân chốt giữ Trường Sa và các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam. Nhưng sức ta thì có hạn, mà Trung Quốc đã bắt đầu lăm le nhòm ngó.
Đầu năm 1988, Trung Quốc điều quân chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi cạn ở Trường Sa mà ta chưa có điều kiện đưa quân ra chốt giữ. Ngày 31/1 Trung Quốc chiếm Chữ Thập, Châu Viên ngày 18/2, chiếm Ga Ven 26/2, ngày 28/2 chiếm Tư Nghĩa và ngày 23/3 chiếm Xu Bi.
Trong lúc này, Việt Nam đang gấp rút triển khai đóng giữ đá Tiên Nữ 26/1, đá Lát 5/2, đá Lớn 6/2, đá Đông 18/2, đá Tốc Tan 27/2, đá Núi Le 2/3 bước đầu ngăn chặn hành vi bành trướng, chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.
Việt Nam đã dự kiến tình huống Trung Quốc sẽ tìm cách chiếm Gạc Ma, chặn đường tiếp tế của Việt Nam cho các đơn vị đóng quân ở Trường Sa. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm và kên kế hoạch đóng giữ, củng cố Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Khi chúng ta đưa 3 tàu vận tải chở lực lượng công binh ra phòng thủ Gạc Ma thì 3 khu trục hạm Trung Quốc trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng cũng tìm cách tiếp cận, ngăn cản hoạt động của ta. Cuối cùng chiến sự nổ ra ngày 14/3 bởi sự khiêu khích, nổ súng của lính Trung Quốc. Trong cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, Gạc Ma thất thủ.
Như vậy có thể thấy, nếu không có tầm nhìn, quyết tâm và hành động khẩn trương phòng thủ Trường Sa và các bãi cạn thềm lục địa phía Nam dù khó khăn đến mấy, thì chúng ta có thể đã mất nhiều hơn. Mặt khác, Trung Quốc lại luôn rình rập lúc ta khó khăn nhất để bành trướng lãnh thổ, chiếm các bãi cạn và thực thể ở Trường Sa.
Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời phỏng vấn đài Phố Bolsa TV. |
Vì vậy, mỗi năm đến dịp 14/3, người viết cũng như hàng triệu trái tim Việt Nam khác đều thổn thức, đau đáu hướng về anh linh 64 chiến sĩ dũng cảm quên mình bảo vệ Gạc Ma, và cũng đau đáu nhớ về các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Trường Sa, các nhà dàn cao chân bảo vệ các bãi cạn trong thềm lục địa phía Nam.
Máu các anh nhuộm thắm cờ Tổ quốc, các anh nằm xuống cho Trường Sa và các bãi cạn thềm lục địa phía Nam còn mãi trường tồn với Đất Mẹ.
Thiếu hiểu biết về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa sẽ dẫn đến tư tưởng đầu hàng, buông xuôi nguy hiểm
Bài học giữ Gạc Ma, mở rộng các điểm đóng quân chốt giữ ở Trường Sa và các bãi cạn thềm lục địa phía Nam nêu trên là minh chứng hùng hồn về quyết tâm giữ nước của cha anh chúng ta.
Ngày nay, có những quan điểm lo ngại rằng, việc chúng ta củng cố phòng thủ ở Trường Sa và các bãi cạn thềm lục địa phía Nam, mở cửa dịch vụ Cảng quốc tế Cam Ranh hay phát biểu lên án hành vi bành trướng leo thang của Trung Quốc mà một số nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố trước công luận có thể "tạo cớ" cho Trung Quốc leo thang.
Từ nhận thức và nỗi sợ mơ hồ vô lý ấy, người ta cho rằng hoặc cứ âm thầm mà làm, hoặc buông xuôi để "giữ nguyên hiện trạng", giữ DOC tức là giữ "hòa bình, ổn định". Nhưng người viết cho rằng đó là quan điểm cực kỳ tai hại, là đầu hàng ngay trong tư tưởng, nếu không muốn nói là vô tình hay hữu ý đã nối giáo cho giặc.
Điều này phản ánh sự thiếu hiểu biết và tự tin về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như luật pháp quốc tế liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, trong khi bài học Gạc Ma còn đó, nóng hổi.
Một là, Việt Nam là nước có chủ quyền hợp pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù hiện nay trên thực tế Hoàng Sa và một phần Trường Sa đang bị Trung Quốc và một số nước chiếm đóng bất hợp pháp.
Bài học Gạc Ma cho thấy, nếu chúng ta lơ là mất cảnh giác vì DOC hay cái Trung Quốc vẫn nói mà không bao giờ làm là "giữ nguyên hiện trạng", thì chúng ta không chỉ mất Gạc Ma mà còn có thể mất nhiều hơn nữa.
Hai là, các hoạt động củng cố nâng cao năng lực phòng thủ, nâng cao điều kiện sống và sinh hoạt cho người dân và quân nhân đóng giữ các điểm đảo ở Trường Sa là việc làm bình thường, hợp pháp và cần thiết trong phạm vi luật pháp quốc tế.
Chúng ta không quân sự hóa bằng chiến đấu cơ, tên lửa, ra đa cao tần, tàu ngầm, chiến hạm...để đe dọa uy hiếp bất kỳ nước nào, cũng không đe dọa đến tự do an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Ba là, nếu chỉ vì ngụy biện của phía Trung Quốc rằng Việt Nam và Philippines xây dựng trước, họ chỉ làm sau mà chúng ta lơ là việc củng cố phòng thủ, là đã mắc bẫy của Bắc Kinh, bởi lẽ chúng ta tự đánh đồng mình ngang hàng với kẻ xâm lược hay nhảy vào tranh chấp, đánh mất vai trò chủ thể, nước có chủ quyền hợp pháp ở Trường Sa.
Những gì chúng ta làm là trong khuôn khổ luật pháp quốc tế cho phép và củng cố phòng thủ thuần túy, không mang tính tấn công hay đe dọa, không làm biến đổi bản chất hiệu lực pháp lý các cấu trúc ở Trường Sa như Trung Quốc đang làm.
Còn việc lên án các hành vi leo thang quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là chính đáng, dựa theo Công pháp quốc tế.
Nếu Trung Quốc thắc mắc, hãy nói với họ rằng, chúng tôi đang bảo vệ uy tín thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an của các vị, bởi im lặng trước hành vi phạm pháp của các vị chính là hại các vị, bởi nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ không ai chấp nhận kiểu hành xử luật rừng trong một xã hội văn minh.
Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, bức tranh của họa sĩ Bùi Lệ Trang. |
Thực tế đã chứng minh, Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp nhưng rất giỏi vin cớ, la làng để hù dọa đối phương. Do đó, thiết nghĩ chúng ta cứ đàng hoàng củng cố phòng thủ, đồng thời nói rõ bản chất sự việc trước dư luận trong nước, khu vực và quốc tế. Đừng để những cái bẫy ngôn từ của Trung Quốc giăng ra làm chúng ta lơ là mất cảnh giác.
Sòng phẳng với lịch sử sẽ vừa góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, đoàn kết dân tộc, củng cố quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Trung Quốc
Âm mưu và hành động xâm lược hay bành trướng lãnh thổ xuống phía Nam là của các nhà cầm quyền Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cũng như người dân Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, đều mong muốn có một cuộc sống hòa bình, yên ổn làm ăn.
Nhưng lâu nay, trước các hành động và âm mưu xâm phạm bờ cõi, bành trướng lãnh thổ từ phương Bắc, thái độ của người Việt Nam chúng ta dường như hơi cực đoan và mang màu sắc cảm xúc hơn là lý trí, dẫn đến những tình huống hết sức bất lợi và để lại nhiều hệ lụy lâu dài.
Bài học Chiến tranh Biên giới 1979-1989 với khủng hoảng Biển Đông |
Khi hai nước xung đột đối đầu, việc nói xấu, lên án chỉ trích nhau cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng khi bình thường hóa quan hệ, cả hai phía đều không chủ động cùng đánh giá lại bài học lịch sử để rút ra kinh nghiệm cho mình, tránh lặp lại chiến tranh, xung đột. Thay vì nhìn thẳng vào quá khứ với thái độ khách quan, cầu thị, khoa học, cả hai phía lại cố tình né tránh nó.
Nhưng nỗi đau vẫn luôn còn đó, âm ỷ trong lòng người, càng che lấp thì càng mưng mủ. Và khi mâu thuẫn xung đột nổ ra ngoài Biển Đông, nó lại bùng phát.
Sự việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 chúng ta đã đấu tranh kiên quyết và hiệu quả, nhưng đồng thời cũng có những lỗ hổng cực kỳ nguy hiểm, mà nếu để xảy ra lần nữa có thể dẫn đến chiến tranh hoặc bạo loạn xã hội.
Tất cả là do lòng yêu nước đã bị một nhóm đối tượng kích động, do người dân không được cung cấp đầy đủ thông tin. Trong dư luận Việt Nam ngày nay vẫn còn nhiều quan điểm, thông tin khác nhau xung quanh sự kiện Hoàng Sa 1974, Biên giới phía Bắc 1979-1989, Gạc Ma 1988 và cả những thắc mắc xung quanh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Có những luồng thông tin nguy hại đang gây chia rẽ trong xã hội, lại là chính những gì những kẻ dòm ngó lãnh thổ chúng ta đang mong muốn nhìn thấy. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử, có những bước đi thích hợp đánh giá công khai các sự kiện này dưới ánh sáng Công pháp quốc tế, rút ra bài học cho mình để trả lại cho lịch sử sự chân thực vốn có của nó.
Việt Nam nên ứng xử như thế nào với vai trò, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông? |
Chỉ có như vậy, chúng ta mới làm nguôi ngoai vết thương chiến tranh, củng cố đại đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước cường thịnh mà không phải lo mầm mống bạo loạn bất ổn từ bên trong.
Với Trung Quốc, nhìn nhận khách quan các sự kiện lịch sử đó không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù, mà là hướng tới việc gìn giữ, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình cùng phát triển với Trung Quốc, đồng thời cũng cảnh giác không để dẫn đến chiến tranh, xung đột hoặc lại để bản thân rơi vào tình huống bị lợi dụng.
Việc báo chí, truyền thông nước nhà vừa qua nhắc đến Chiến tranh Trung Quốc xâm lược Biên giới phía Bắc 1979-1989, hay sự kiện Hoàng Sa và Gạc Ma bị Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng là hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh, nhưng tiếc rằng còn thiếu toàn diện.
Quan trọng hơn, người viết có cảm giác lo lắng khi thông tin chỉ nói một chiều mà không rút ra được bài học, làm sao bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà tránh được chiến tranh, xung đột.
Lòng yêu nước nồng nàn mà thiếu đi trí tuệ và hiểu biết rất dễ trở thành mồi lửa châm ngòi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bạo loạn, bất ổn và chiến tranh và bị chính kẻ thù lợi dụng.
Dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương và mất mát từ chiến tranh rồi, cái gì chúng ta có thể tránh được thì hãy cố gắng tránh, còn khi giặc đã đến nhà thì đàn bà cũng đánh.
Nhưng muốn tránh chiến tranh, chúng ta phải tránh bằng trí tuệ, hiểu biết và ứng xử khéo léo chứ không phải nhân nhượng vô nguyên tắc hay chạy đua vũ trang, kích động hận thù.
Trung Quốc có mạnh đến đâu cũng không đáng sợ, mà cái đáng sợ nhất là chính chúng ta thiếu hiểu biết, nhận thức và đánh giá sai lầm. Bởi vậy, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cần và nên bắt đầu từ chính việc nhận thức và đánh giá đúng đắn của chính Việt Nam chúng ta.