Ký ức về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ
Được sự giới thiệu của Hội Cựu Chiến Binh huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Thành Việt (SN 1952, ở thôn Ái Mỹ, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hơn 8 năm giữ chức vụ đảo trưởng đảo Cồn Cỏ khi đất nước vừa thống nhất.
Ông Việt đang kể lại những ngày tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước |
Sinh ra trong thời kỳ đất nước loạn lạc, học hết cấp 3 ông Việt lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện ở Tuyên Hoá (Quảng Bình), ông được gia nhập vào Tiểu đoàn 14, tham gia chiến đấu ở các khu vực Hải Lăng, Thành cổ Quảng Trị, Triệu Phong…
Tháng 9/1972 , trong một trận phục kích địch ở đường 8 Gia Đặng, tiểu đoàn của ông gồm 27 người thì chỉ còn 2 người sống sót. Ông may mắn thoát chết trong trận phục kích ác liệt đó.
Lời thỉnh nguyện thay một nén nhang tưởng nhớ các liệt sĩ
(GDVN) - Hàng năm đến ngày 27/7 chúng tôi lại sắp mâm cơm mời em và đồng đội về nhà, không biết các em có về được không, dẫu sao đó cũng là cái đạo của người đang sống.
Ông nhớ lại, trận tập kích lần đó ở Hải Quế, Hải Lăng vào khoảng giữa tháng 9/1972. Khi địch tái chiếm Quảng Trị, lực lượng dân quân phía sau lưng địch không có. Lúc đó, Trung tá Nguyễn Mạnh Thoa – lúc đấy là Tiểu đội trưởng đã về giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn phải đánh sau lưng địch. Chiến dịch này còn có tên gọi là chiến dịch “Nở hoa trong lòng địch”, tức là chiến công của mình nằm trong lòng địch, đánh vào sào huyệt của nó để chia lửa cho tuyến trước.
Sau khi tập kích, lực lượng của ta vẫn an toàn, nhưng vì không ra kịp nên đành phải ở lại đó một ngày. Hôm sau thì bị địch phục kích và 25 chiến sĩ trong tiểu đoàn đã hy sinh. Ông Việt và một đồng đội nữa may mắn thoát nạn nhưng hai người bị lạc nhau.
Khi đó, vì không có cách nào để liên lạc với đơn vị, ông đã tự tìm đường về nhưng không ngờ lại đi vào đúng khu vực địch đóng quân. Vì quá mệt và đói, nên mới đầu ông cứ luẩn quẩn quanh đó. Nhìn thấy có một hố bom cùng với bèo, ông xuống đó ẩn nấp. Đợi đến đêm, quan sát thấy quân địch đóng cửa đi ngủ, ông đã lẻn vào chốt địch lấy trộm được hai bao gạo sấy. Có được lương thực trong người, ông Việt đã lần tìm và sau 7 ngày ông cũng tìm về được với đơn vị.
Ông Việt với những huân chương, bằng khen được Nhà nước trao tặng |
“Lúc đó vì đói quá nên làm liều chứ không phải anh hùng gì đâu. Cũng may vì lấy được hai bao gạo sấy cộng với hai bánh lương khô được đơn vị cấp phát cho nữa nên tôi mới có thể sống sót qua 7 ngày để tìm về được với đơn vị”, ông Việt hồi tưởng lại khoảng khắc nguy hiểm.
Hơn 8 năm giữ đảo Cồn Cỏ
Sau khi đất nước thống nhất, ông theo học trường Học viện Lục quân ở Đà Lạt. Học xong, ông được chuyển về làm đảo trưởng đảo Cồn Cỏ (1986-1994).
Vào thời gian này, nhiệm vụ chính của ông Việt cũng như các cán bộ chiến sĩ trên đảo là bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngăn chặn các hành vi xâm lấn của địch.
“Ngày đó, đảo còn hoang sơ lắm, thiếu thốn và khó khăn đủ bề, lương của anh em ngoài đảo cũng chỉ bằng trong đất lền thôi nhưng chúng tôi vẫn rất vui và tự hào khi được giữ trọng trách bảo vệ và gìn giữ biển đảo của Tổ quốc”, ông Việt tâm sự.
Rót chén nước mời khách, ông Việt kể tiếp. Hồi đó, trên đảo chưa có dân cư sinh sống, chỉ có các chiến sĩ bộ đội, hải quân, khí tượng thuỷ văn. Hơn nữa, chưa được đầu tư xây dựng như bây giờ nên còn thiếu thốn và khó khăn nhiều lắm. Gạo còn phải dự trữ đến 3 năm để đề phòng có chiến tranh xảy ra vì ngày đó không có tàu bè nhiều như bây giờ. Đến cả nước uống vẫn không đủ.
Ông cho biết, “Ngoài đảo lúc đấy làm gì có nước uống, phải vận chuyển từ đất liền ra, chúng tôi phải phân ra ngày mấy lít và chỉ được uống từng đó. Còn lại thì chứa trong bể và có người kiểm tra. Mùa mưa còn đỡ chứ đến mùa hè, các chiến sĩ bộ đội nhiều lúc khát quá đành đục bể để trộm nước. Nhiều lần phát hiện, nhưng tôi chỉ nhắc nhở, cảnh cáo bằng mồm thôi vì nghĩ thấy thương và tội bọn hắn lắm. Chúng nó là cấp dưới thì cũng như em út của mình. Đến mình đây còn khát nữa nói gì đến bọn hắn”.
Làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo Cồn Cỏ, những khó khăn vất vả không thể kể hết. Những ngày thường đã buồn, đến mùa đông trời lạnh lẽo lại còn buồn hơn. Có khi 1 – 2 tháng liền gió mùa đông bắc thổi vào, trên đất liền chẳng có chuyến tàu nào ra đảo thăm, các chiến sĩ trên đảo ngóng thuyền từ đất liền đến mỏi mắt.
Buồn nhất là những ngày tết, khi nhà nhà được sum họp thì các chiến sĩ ở đây vẫn phải làm nhiệm vụ như ngày thường. Dù nhớ nhà, nhưng các anh em ai cũng cố gắng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tháng 2/1994, sau hơn 8 năm giữ chức vụ đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, ông được trở về đất liền làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 - Trung đoàn Phú Xuân.
Ông Việt cùng vợ kể lại những năm tháng công tác xa nhà |
Trong sự nghiệp của mình, ông Việt đều phải sống xa gia đình. Vợ của ông là bà Võ Thị Kính, một giáo viên dạy Toán cấp 2. Sống trong thời kỳ bao cấp, chồng lại đi công tác xa nhà nên bà một mình ở nhà vừa đi dạy vừa nuôi con khôn lớn.
“Đã lấy chồng thì phải theo chồng, có chồng làm bộ đội như vậy tôi cũng thấy tự hào lắm chứ. Ở nhà nuôi con một mình cũng khổ, nhiều lúc đi dạy vẫn phải mang con theo. Khổ nhất là những lúc con ốm phải ôm con vào bệnh viện. Nhưng rồi thời gian cũng qua, con chúng tôi cũng đã lớn và đều đã có sự nghiệp”, bà Kính tâm sự
Sau khi nghỉ hưu, ông Việt trở về quê nhà sống với vợ và vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động ở địa phương. Ngoài ra, ông còn làm kinh tế hộ gia đình như trồng cây cao su, hồ tiêu để góp phần làm giàu cho gia đình cũng như quê hương.
Gần 30 năm đã trôi qua, những kỷ niệm trong thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông Việt.