GĐ Sở GD Nghệ An: Học tiếng Anh tăng cường hay không là do phụ huynh lựa chọn

14/10/2023 06:35
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Khi đăng ký tham gia, các trung tâm đều cam kết chất lượng chuẩn đầu ra, tuy nhiên việc kiểm tra đầu ra do các trung tâm đảm nhận lại chưa thực sự khách quan.

Năm học 2023 – 2024 chỉ mới bắt đầu hơn 1 tháng, tuy nhiên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh liên quan đến chất lượng đào tạo hoặc xảy ra tình trạng ép buộc học sinh tham gia học tập khi các nhà trường tổ chức liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh tăng cường.

Liên quan đến việc này, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã ra nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy trình liên kết, đảm bảo sự đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh để đem lại hiệu quả cao trong việc dạy tiếng Anh tăng cường.

Gần đây nhất, ngày 25/9/2023 Sở này đã có Công văn số 2288/SGDĐT-CTTT-GDTX để đưa ra quy trình 6 bước khi thực hiện lựa chọn trung tâm liên kết.

Trước đó, Sở này cũng đã có một số công văn khác để hướng dẫn các đơn vị như: Công văn số 1530/SGD&ĐT-GDCN-GDTX về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công văn số 1670/SGD&ĐT-GDCN-GDTX việc hướng dẫn thực hiện Chương trình tăng cường tiếng Anh theo hình thức trực tuyến trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công văn số 1909/SGD&ĐT-GDCN-GDTX về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Động thái quyết liệt này của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An được cho là sẽ làm lành mạnh môi trường dạy tiếng Anh liên kết và hiện đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các phụ huynh trên địa bàn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nêu thực tế, trong quá trình thực hiện, cá biệt vẫn có cơ sở giáo dục còn máy móc, chưa linh hoạt trong cách giải quyết.

Giáo sư Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: nghean.edu.vn

Giáo sư Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: nghean.edu.vn

“Một số cơ sở giáo dục còn cho rằng, phụ huynh đã cam kết ngay từ đầu khi tham gia là theo suốt cả cấp học, do đó, không cho chuyển, sợ bị xáo trộn. Mặt khác, khi đăng ký tham gia, các trung tâm đều cam kết chất lượng chuẩn đầu ra, tuy nhiên việc kiểm tra đầu ra do các trung tâm đảm nhận chưa thực sự khách quan. Do đó, phụ huynh chưa nhận thấy được sự tiến bộ của con em mình khi tham gia học các lớp học đó.

Chưa kể, có tình trạng, ban đầu phụ huynh đăng ký cho con vào học đều trên tinh thần tự nguyện, chỉ sau khoảng một thời gian nhất định theo học, một số học sinh không theo kịp chương trình, lúc đó, phụ huynh muốn xin cho con ra khỏi lớp tiếng Anh tăng cường.

Để khắc phục, sắp tới Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục cần linh hoạt trong việc bố trí lớp, sắp xếp ra, vào theo hướng tôn trọng lựa chọn và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Đồng thời, giao Phòng giáo dục và Đào tạo các địa phương hằng năm tổ chức kiểm tra độc lập, công bố kết quả công khai các lớp tiếng Anh tăng cường này, để phụ huynh biết cũng như các trung tâm có trách nhiệm khi thực hiện cam kết”, Giáo sư Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Đối với việc ban hành Công văn 2288 để đưa ra quy trình 6 bước khi thực hiện lựa chọn trung tâm để liên kết mới đây, theo lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An, điều này xuất phát từ những hạn chế trong việc thực hiện chương trình tăng cường tại các cơ sở giáo dục trong thời gian qua.

Cụ thể, thầy Thành cho biết: “Trong khi thực hiện, một số cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác truyền thông với phụ huynh học sinh, dẫn đến phụ huynh không nắm được thông tin, chưa hiểu được bản chất của chương trình tăng cường, dẫn đến sự thiếu đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Bên cạnh đó, quy trình 6 bước về thẩm định các trung tâm ngoại ngữ có liên kết với các nhà trường giúp các cơ sở giáo dục công khai minh bạch việc lựa chọn các trung tâm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện.

Trong thời gian tới, Sở sẽ có các giải pháp để tăng cường giám sát việc thực hiện chương trình tăng cường tại các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở quy trình này, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời, những đơn vị nào thực hiện không đúng quy trình, quy định sẽ kiên quyết tạm dừng thực hiện chương trình tăng cường".

Vị này một lần nữa khẳng định, việc lựa chọn có cho con vào học lớp tiếng Anh tăng cường là do phụ huynh đăng ký chứ không phải do nhà trường quyết định.

Qua đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nêu lên một số lưu ý: “Trong việc này, phụ huynh cần tham khảo kỹ trước khi quyết định và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình vì trước khi tuyển sinh các trường đã công khai kế hoạch, chương trình, chuẩn đầu ra của tiếng Anh tăng cường.

Do đặc thù các lớp tiếng Anh tăng cường cần có sự phối hợp thường xuyên hơn giữa 3 bên nên các cơ sở giáo dục cũng cần lựa chọn những giáo viên có khả năng kết nối tốt để phụ trách các nhóm lớp đó”.

10 Trung tâm ngoại ngữ ở Nghệ An bị dừng việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường

Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 diễn ra hôm 11/10, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, vừa qua, để siết chặt công tác quản lý hoạt động liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập tổ thẩm định để rà soát và yêu cầu các trung tâm phải cung cấp đầy đủ các chứng chỉ quốc tế, văn bản gốc theo quy định.

Tới nay có 10 trung tâm cung cấp bản scan nhưng không có bản gốc. Vì vậy Sở đã yêu cầu những đơn vị này dừng việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường. Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 34 trung tâm Tiếng Anh tăng cường. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thẩm định chương trình và đội ngũ giáo viên của các trung tâm này (1).

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trong quá trình triển khai việc thực hiện liên kết dạy tiếng Anh tăng cường đơn vị này cũng nhận thấy những bất cập. Qua đó một số nguyên nhân được lãnh đạo Sở này chỉ ra: “Một phần là do các cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vì vậy, có phụ huynh nghĩ con em được xếp vào lớp tiếng Anh tăng cường là vào lớp chọn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị trường học chưa nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn của Sở để triển khai xếp lớp từ đầu năm; do nhu cầu và năng lực của mỗi cá nhân học sinh là khác nhau nên khó khăn trong việc lựa chọn chương trình, cũng như bố trí lớp và thời gian học phù hợp.

Hơn nữa, khi thực hiện chương trình tăng cường ở các cấp học, do yêu cầu sĩ số không quá 20 học sinh/lớp nên các lớp học phải chia làm 2, nếu những trường có số lượng học sinh tham gia chương trình tăng cường nhiều sẽ khó khăn trong việc bố trí phòng học.

Trong khi, với sĩ số không quá 20 em/lớp sẽ khó khăn việc đóng góp kinh phí của học sinh, đặc biệt là với giáo viên người nước ngoài ở những địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Đồng thời, về giáo viên tham gia tăng cường yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực đạt chuẩn quốc tế, nên khó khăn trong việc tuyển chọn. Một thực tế khác là hiện nay chúng ta chưa có trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá khách quan chất lượng của học sinh theo cam kết của trung tâm để phụ huynh thấy được chất lượng, sự tiến bộ của học sinh”.

Ảnh minh họa: Báo Nghệ An

Ảnh minh họa: Báo Nghệ An

Cũng theo Giáo sư Thái Văn Thành, sau 3 năm thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường tại Nghệ An, mặc dù còn có một số khó khăn, bất cập, nhưng đánh giá một cách toàn diện thì hoạt động này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh.

Trên cơ sở các quy định hiện hành, sở sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để kịp thời chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện chương trình tăng cường tại các cơ sở giáo dục sao cho thiết thực, hiệu quả và đảm bảo chất lượng.

Trong đó, Sở này cũng đã tập trung giải quyết các vấn đề chính là: Xem xét vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc tổ chức các chương trình giáo dục trong nhà trường.

Đồng thời, tập trung rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia dạy tăng cường; Giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình giảng dạy của các trung tâm ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục (tăng cường dự giờ, thăm lớp, cả trực tiếp và trực tuyến); Phối hợp để khảo sát đánh giá chuẩn đầu ra đối với các lớp tiếng Anh tăng cường, ít nhất là lớp 3, lớp 5 và lớp 8. Quá trình thực hiện phải đảm bảo theo đúng các văn bản và quy định của pháp luật.

Tư liệu tham khảo:

(1). https://laodong.vn/giao-duc/10-trung-tam-tieng-anh-tai-nghe-an-bi-dinh-chi-lien-ket-day-tang-cuong-1253186.ldo

Trung Dũng