Tiếng Anh tăng cường, môn học buổi 2 kín mít, xin hỏi giảm tải cho HS ở đâu?

27/09/2023 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi triển khai những chương trình thu phí, cơ sở giáo dục cần minh bạch, rõ ràng, cần tôn trọng ý kiến của phụ huynh và nên lấy quyền lợi của học sinh làm đầu.

Trước khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã cho biết, chương trình mới sẽ hướng đến thực hiện giảm tải. Cụ thể, có nhiều cách giảm tải như: giảm bớt kiến thức khó, tổ chức lại nội dung, tích hợp, thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới sách giáo khoa.[1]

Ngay sau những phát biểu của Tổng chủ biên chương trình, nhiều phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục đã rất vui mừng và chờ đợi học sinh sẽ được giảm áp lực học hành.

Thế nhưng, nhìn vào thời khóa biểu hiện nay của nhiều trường học, đặc biệt là những trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh với thời khóa biểu dày đặc các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được xếp theo lớp học chính, bản thân người viết và không ít phụ huynh "kinh hãi".

Nguyên do, đó là sự xuất hiện của một số môn học tăng cường và hoạt động ngoại khóa dưới hình thức thỏa thuận thu phí được nhiều trường học xếp chen ngang với những môn học chính khóa trong chương trình.

Thời khóa biểu lớp 6A3 của Trường trung học cơ sở Lam Sơn, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Chú thích: Văn 2, Toán 2, KHTN 2, số 2 là để phân biệt môn học buổi 2 các môn này với tiết học chính khóa trong chương trình.(ảnh minh họa: V.D)

Thời khóa biểu lớp 6A3 của Trường trung học cơ sở Lam Sơn, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Chú thích: Văn 2, Toán 2, KHTN 2, số 2 là để phân biệt môn học buổi 2 các môn này với tiết học chính khóa trong chương trình.(ảnh minh họa: V.D)

Không muốn con học thêm hoạt động giáo dục liên kết nhưng vẫn phải đăng ký

Cậu em họ có con vừa vào học lớp 1 tại một trường công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh kể rằng: “Con em năm nay mới vào lớp 1, nhìn cái thời khóa biểu của con học kín mít 36 tiết/tuần mà thấy thương.

Thế nhưng, nhà trường vẫn tiếp tục gửi phiếu “Lấy ý kiến cha mẹ về các khoản thu trong đó có khá nhiều môn học tự chọn không nằm trong chương bắt buộc của Bộ Giáo dục nên phải đóng phí. Phụ huynh vừa mất thêm khoản tiền còn học sinh lại phải học quá nhiều.

Cậu em nói mình cũng không muốn đăng ký cho con học thêm những môn học tăng cường (thực hành Tin học tự chọn; tăng cường ngoại ngữ tiếng Anh; học chương trình ngoại ngữ thông qua Toán - Khoa học thực nghiệm do giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình EPROJECT; kỹ năng sống).

Môn học tăng cường xếp đan xen với những môn học bắt buộc (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Môn học tăng cường xếp đan xen với những môn học bắt buộc (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Nhưng thời khóa biểu nhà trường lại xếp đan xen giữa môn học tăng cường và môn học bắt buộc theo quy định của Bộ. Nếu không đăng ký cho con học, bé sẽ ở đâu và làm gì trong thời gian các bạn đi học?”.

Chị M.N. cũng có con học lớp 3 tại một trường học tiểu học công lập khác (cùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) nêu thắc mắc: “Trường con tôi ngoài những môn học bắt buộc còn có thêm một số môn học tăng cường như tiếng Anh, giáo dục STEM, Tin học ngoài chương trình của Bộ. Học sinh đã học môn Tin học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại còn phải học thêm 2 tiết Tin học IC3 mà chẳng hiểu giống và khác nhau với tiết Tin học chương trình mới không?

Với thời khóa biểu này, mỗi tháng phụ huynh phải bỏ thêm 1.500.000đồng cho một số môn tăng cường (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Với thời khóa biểu này, mỗi tháng phụ huynh phải bỏ thêm 1.500.000đồng cho một số môn tăng cường (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Vì những môn học tăng cường này, con phải học quá nhiều mà mỗi tháng phụ huynh phải đóng thêm 1.500.000đồng, quả là số tiền lớn so với nhiều gia đình khó khăn”.

Tự nguyện, tự chọn gì mà tổ chức học theo lớp chính khóa?

Thực tế, thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được không ít phản ánh của phụ huynh liên quan đến việc lấy phiếu ý kiến phụ huynh về các chương trình liên kết, các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Đáng nói, sau trả lời của nhiều lãnh đạo trường là các phụ huynh đều đồng ý thì lại càng thêm nhiều ý kiến bức xúc gửi về Tòa soạn. Theo phụ huynh, nhiều cơ sở giáo dục tổ chức lấy ý kiến phụ huynh chưa thật sự khách quan, cách phân bố thời khóa biểu còn mang tính áp đặt đã gây quá tải trong việc học của học sinh và nhiều bức xúc cho phụ huynh.

Một số phụ huynh nói rằng, lẽ ra phải lấy ý kiến công khai trong buổi họp cha mẹ học sinh cuối hoặc vào đầu mỗi năm học thì giáo viên chủ nhiệm lại gửi phiếu lấy ý kiến phụ huynh thông qua nhóm Zalo của lớp sau khi mới bước vào năm học được một tuần. Đã thế, phiếu lấy ý kiến gửi hôm nay mà đã yêu cầu nộp gấp vào ngày hôm sau.

Lấy ý kiến gấp gáp, riêng lẻ nên sẽ không ai hỏi được ai. Phụ huynh có con mới vào học chưa hiểu rõ cách học, cách tổ chức dạy liên kết nên đăng ký luôn. Phụ huynh có con học rồi lại sợ nhiều phụ huynh khác đăng ký còn con mình không đăng ký học sẽ bị để ý…thế là, ai nấy đều miễn cưỡng đồng ý.

Tiếp theo là việc xếp thời khóa biểu học tập trong một ngày ngoài việc chọn vào ô đồng ý học, phụ huynh gần như không có một sự lựa chọn nào khác.

Thay vì, cần sắp xếp những môn học bắt buộc trong chương trình mới kề nhau để học sinh học liên tục. Những môn học tăng cường nên xếp sau cùng hoặc xếp vào một buổi khác. Phụ huynh nào thật sự muốn cho con tham gia học sẽ cho con ở lại mà không ảnh hưởng gì đến việc học chính khóa.

Thế nhưng, nhiều trường học lại xếp các tiết tăng cường chèn vào giờ học chính khóa mỗi ngày. Học sinh không đăng ký theo học, sẽ phải ra khỏi lớp ngồi chơi trên sân trường hoặc vào thư viện đọc sách tạo sự phân biệt, tủi thân cho các em.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần cân nhắc, chọn lựa nên tăng cường giảng dạy những môn học và hoạt động giáo dục nào thật sự phù hợp và cần thiết cho học sinh. Tránh tình trạng đưa vào học quá nhiều dẫn đến ôm đồm mà hiệu quả không cao.

Theo nhiều giáo viên, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tới 3 tiết Hoạt động trải nghiệm. Nội dung của môn Hoạt động trải nghiệm chủ yếu cũng là cung cấp thêm cho học sinh một số kiến thức, kĩ năng, sự hiểu biết về thực tế. Cùng với đó, trường học nào cũng có thêm những tiết hoạt động ngoài giờ theo chủ điểm. Thông qua những tiết học này, học sinh được rèn luyện nhiều về kỹ năng sống.

Bởi thế, nhà trường liên kết dạy Kỹ năng sống để thu tiền thật sự quá tải với việc học của học sinh và tạo thêm gánh nặng về kinh phí học tập cho phụ huynh.

Đổi mới giáo dục là cần thiết, học thêm một số kiến thức, kỹ năng khi phụ huynh thật sự có nhu cầu cũng không sai. Tuy nhiên, khi triển khai những chương trình thu phí, cơ sở giáo dục cần minh bạch, rõ ràng, cần tôn trọng ý kiến của phụ huynh và nên lấy quyền lợi của học sinh làm đầu.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mỗi tuần học sinh được bố trí tối thiểu 9 buổi/tuần (từ 30 đến 32 tiết). Các hoạt động của các trung tâm hay để họ dạy ở ngoài trung tâm thay vì ồ ạt vào các trường học công.

Tài liệu tham khảo:

{1} https://dantri.com.vn/giao-duc/kien-thuc-om-dom-duoc-giam-tai-ra-sao-trong-chuong-trinh-gdpt-moi-20180120071042.htmhttps://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-21-2018-TT-BGDDT-Quy-che-to-chuc-va-hoat-dong-cua-trung-tam-ngoai-ngu-tin-hoc-392627.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên