|
Cứ vào mùa Trung thu hàng năm, người dân trong làng Báo Đáp lại hối hả, tất bật làm đèn ông sao. Mỗi nhà làm ít cũng phải được được nghìn chiếc, nhà bình thường cũng làm tới 2 - 3 vạn chiếc. |
Về làng Báo Đáp vào những ngày cuối tháng 7 âm lịch, không khí của mùa Trung thu đã rộn ràng từ khắp các ngõ nhỏ vào tận trong nhà người dân nơi đây. Từ những cụ già tới những em nhỏ cũng đang tất bật với công việc làm đèn trung thu để kịp hẹn giao hàng cho khách. Sắc đỏ đèn lồng Báo Đáp rực rỡ lung linh như minh chứng cho sức sống trường tồn của làng nghề truyền thống.
Làng Báo Đáp được biết đến là một ngôi làng thuần nông, nằm cách thành phố Nam Định hơn 10km. Từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, người dân trong làng đã biết làm các loại hoa giấy, hoa nilon, đèn ông sao… Sản phẩm do chính tay họ làm bằng phương pháp thủ công đã có mặt tại các phiên chợ ở các tỉnh phía bắc từ nông thôn đến thị thành. Bên cạnh đó, người Báo Đáp còn nổi tiểng với tình yêu nghệ thuật và chơi thành thạo các loại nhac cụ như đàn vi-ô-lông, kèn tây mà đây còn là làng nghề làm ra các sản phẩm nghệ thuật..
Với nghề chính của cả làng là trồng lúa nước, có nhà trồng tới 1- 2 mẫu lúa. Nhưng khi xong mùa vụ họ lại bắt tay vào làm nghề phụ: làm đèn ông sao và làm hoa nhựa, lụa. Tuy là nghề phụ nhưng công việc của họ bận rộn cả tháng. Từ đầu tháng 4 âm lịch, người dân trong làng đã bắt đầu vào làm đèn ông sao cho tới Trung thu, sau tháng 8 âm lịch họ lại làm hoa lụa và hoa nhựa để kịp bán mùa Tết.
Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm: tre nứa, giấy bóng kính, và xương cây đay làm cán. Công đoạn để sản xuất một chiếc đèn ông sao hoàn toàn thủ công. Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kính lên và sau cùng là công đoạn vẽ. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Báo Đáp.
Đèn ông sao của làng được xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược nhiều nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn... và các tỉnh lân cận. Giá bán ra thị trường là 3 nghìn đồng cái.
|
Không kể là người già hay trẻ nhỏ, gia đình ít người hay nhiều người… đèn ông sao vẫn được làm vào mùa Trung thu hàng năm. |
|
Từ tháng 4 âm lịch, người dân trong làng đã ngâm tre nứa để chuẩn bị làm đèn ông sao. |
|
Sau khi vót nan xong, hình khối của chiếc đèn ông sao cũng được dựng lên theo khuân cẩn thận. Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50 cm, loại vừa 40 cm và loại nhỏ 30 cm. |
|
Chị Nguyễn Thị Thu (đội 6, xã Hồng Quang), hàng ngày vẫn miệt mài với công việc làm đèn ông sao. Năm nay, 2 vợ chồng chị Thu cũng làm được 3 vạn chiếc đèn ông sao. |
|
Nói về lịch sử của làng nghề, ông Vũ Văn Chiếm (đội 7, xã Hồng Quang) chia sẻ: Từ lúc lớn lên ông thấy các cụ làm đèn ông sao thì ông cũng làm chứ không biết có từ bao giờ. |
|
Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Báo Đáp. |
|
Do làng Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua những giấy bóng kính màu trắng về rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh đỏ, vàng quen thuộc. |
|
Khi đến công đoạn hoàn thiện, mỗi ngày một người có thể làm được gần 100 chiếc đèn ông sao. |
|
Tranh thủ trời có nắng, chị Mận (đội 7, xã Hồng Quang) lại mang đèn ra phơi để viền vàng của chiếc đèn vừa dán không bị thấm màu của giấy kính. |
|
Những chiếc nan tre dùng để tạo vòng tròn (người dân gọi là vòng lửa) quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua giấy nhuộm màu cẩn thận. |
|
Xương cây đay làm cán đèn ông sao được người dân mua tại huyện Trực Ninh (Nam Định) về nhuộm thành màu hồng. |
|
Những gian nhà cấp 4 của người dân làng Báo Đáp luôn chật kín đèn ông sao vào những ngày giáp Trung thu. |
|
Đèn ông sao được trang trí đẹp mắt và có cả ảnh bác Hồ. Với loại đèn 40 cm thì có giá 70 nghìn đồng/ chiếc. |
|
Đèn ông sao được cuốn thêm vòng lửa xung quanh nhìn rất thích mắt. |
|
Gia đình bà Chùng (đội 4, xã Hồng Quang) đang chuẩn bị đóng hàng để xuất đi các thị trường tiêu thụ trong cả nước. |
Trần Kháng