Chủ tịch Quốc hội: "Thu phí theo từng quả trứng là ai ban hành?"

11/06/2015 15:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại phiên chất vấn hôm nay, khi Đại biểu Quốc hội nói tới bất cập “thu phí theo quả trứng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải xử lý ngay.

Luật bất hợp lý thì phải sửa 

Thời gian gần đây trên nhiều diễn đàn đã đề cập tới câu chuyện rất hài hước nhưng có thật đấy là “một quả trứng 5 lần đóng phí”.

Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Tài chính, mức phí thu trứng gia cầm giống là 5,5 đồng/quả, trứng thương phẩm là 4,5 đồng/quả.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng cho biết, các doanh nghiệp chăn nuôi, các chủ trang trại phản ứng đối với việc thu phí sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm nhiều loại, nhiều lần đã xuất hiện từ năm 2004.

Gần đây ngành chăn nuôi đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, vì vậy người chăn nuôi tiếp tục phản ứng khi phải nộp phí cho từng quả trứng, vì nó khiến giá thành bị đẩy lên cao, đã lỗ lại càng lỗ hơn.

Sáng nay tại Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đoàn TP.HCM) đã đặt vấn đề về cách làm “manh mún” của cơ quan quản lý nhà nước: Một con gà thịt có đến 14 loại phí kiểm dịch. Đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ là có đúng như vậy không? Nếu quả thực quy định như vậy thì sẽ gây ra hệ lụy cho chi phí sản xuất và lưu thông, Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Tôi đã cử cán bộ kiểm tra và các đồng chí báo cáo là cơ quan thú y thực hiện theo luật pháp hiện hành. Nhưng tôi nói rằng ngay cả luật pháp hiện hành nếu thấy có gì bất hợp lý thì phải đề xuất sửa.

Tôi lấy thí dụ thu phí theo quả trứng tôi không đồng ý. Tôi nói là chỉ thu phí một lần tại nơi xuất phát. Chấm hết! Thứ hai là thu phải hợp đạo lý, chứ bây giờ người ta trở trứng đi bán mà mình lại đến nhìn rồi đếm từng quả thu phí là không được. Tôi đã yêu cầu Cục Thú y xây dựng và gửi sang Bộ Tài chính dự thảo mới với tinh thần đó, giảm đến mức tối thiểu những phiền nhiễu và chi phí cho người dân”.

Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời, hỏi: "Thu phí theo từng quả trứng là ai ban hành?".

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: "Thưa Chủ tịch, trước đây là Bộ Nông nghiệp đề xuất, rồi Bộ Tài chính cũng chấp thuận và ban hành".

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay. ảnh: TTBC Quốc hội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay. ảnh: TTBC Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội truy tiếp: "Thế bây giờ đồng chí đã nói là không đúng thì hứa ngay với Quốc hội là tuần sau thay đổi. Cái gì Bộ trưởng thấy không hợp lý phải hủy ngay, bỏ ngay cái khoản ấy ra rồi sửa sau".

Bộ trưởng Cao Đức Phát ngay lập tức ứng biến: “Xin đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính ra thông báo dừng thi hành, bởi vì thông tư này Bộ Tài chính ban hành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp không có thẩm quyền”.

Cả nghị trường được một phen cười nghiêng ngả (trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng) trước thái độ “rất thật thà” của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Nông dân không giàu nhưng sống được và có nền tảng?

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh tình hình sản phẩm nông nghiệp còn kém chất lượng, sức cạnh tranh yếu; gạo xuất khẩu ở nhóm 3 nước đứng đầu thế giới, nhưng do nhiều thị trường đang yêu cầu gạo thơm, chất lượng cao hơn, nên gạo Việt Nam xuất khẩu bị suy giảm.

Một số Đại biểu còn lo ngại nhiều tỉnh, nông dân không thiết tha với trồng lúa vì thu nhập không cao.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để cho một hộ sống được bằng trồng lúa thì phải có diện tích trồng cấy ít nhất 2 héc-ta, còn ở nước ta có 4,1 triệu héc-ta nhưng lại có tới 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa. Như vậy mỗi hộ nông dân trồng lúa có chưa đến nửa héc-ta. Thí dụ như ở Hậu Giang mỗi hộ có 0,8 héc-ta. Vụ Đông Xuân vừa qua sản lượng tăng 6 tấn/héc-ta thì cũng chỉ lãi được 6 triệu.

Từ đó, Bộ trưởng Phát quả quyết: “Nói làm giàu thì rất khó, nhưng mà sống được và có nền tảng”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nông dân khó giàu nhưng sống được và có nền tảng. ảnh: Dân việt.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nông dân khó giàu nhưng sống được và có nền tảng. ảnh: Dân việt.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách để giữ gìn và phát triển đất lúa.

 “Chính phủ đã có Nghị định để ngăn chặn việc chuyển đối quá dễ dãi từ đất lúa sang những mục đích khác, đặc biệt là mục đích phi nông nghiệp, như là làm các khu đô thị, khu vui chơi giải trí, sân golf… Đối với tôi, đất lúa là di sản của dân tộc này. Không còn có mà mở mang thêm nữa, mãi về sau này cũng chỉ có vậy thôi.

Để tạo điều kiện cho nông dân giữ đất lúa nhưng có điều kiện thu nhập cao hơn trong thực tế thì chúng tôi đã ban hành thông tư nói rất rõ là giữ đất lúa nhưng có thể trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn. Tôi về Hưng Yên, bà con trồng lúa thu nhập chỉ có năm sáu mươi triệu đồng, nhưng trồng chuối thu nhập 300 triệu đồng. Tôi nghĩ là hoàn toàn phù hợp”, ông Phát bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: Theo Bộ trưởng trong các khâu sản xuất nông nghiệp thì đâu là khâu yếu nhất ảnh hưởng tới sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào? Cách chịu trách nhiệm ra sao? Bộ trưởng có biện pháp gì để nền nông nghiệp phát triển bền vững?

Chủ tịch Quốc hội tiếp lời: “Câu hỏi của đồng chí Quyết Tâm rất rõ, Bộ trưởng lưu ý. Khó trả lời đấy”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp là tiêu thụ nông sản và cái khó nhất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp là khâu chế biến. Trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải bán nguyên liệu thô nên chưa có nhiều giá trị gia tăng.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt suốt 2 năm nay là phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta thấy rất mừng vì có nhiều doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, TH True milk, Vingroup đã đầu tư vào nông nghiệp”, ông Phát thông tin.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chưa hài lòng và tiếp tục truy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Sau đó, ông Phát trả lời: “Trong chỉ đạo định hướng chưa thật quyết liệt để có chuyển biến mạnh mẽ hơn”.

Ngọc Quang