Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sáng nay (11/6), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có những lý giải rất thú vị về nguyên nhân lượng khách du lịch đến Việt Nam thấp, đồng thời chỉ rõ 6 giải pháp để giải quyết thực trạng này, đáng chú ý có 5 giải pháp không gây tốn kém.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những vấn đề quan trọng nhất để phát triển du lịch thì đã nhận diện được hết, nhưng trước mắt nên tập trung vào những vấn đề không cần nhiều tiền mà vẫn thúc đẩy lên được.
Du khách nhận xét gì về du lịch Việt Nam làm chưa tốt thì phải làm cho tốt. Có 6 thứ mà du khách người ta sợ nhất.
Đầu tiên là tình trạng làm giá, chặt chém. Cái này làm cho người ta có cảm giác mình không được coi trọng, bị coi thường.
"Chúng ta cũng thế thôi, mua một chai nước, biết giá nó là bao nhiêu, nhưng khi đến điểm du lịch ấy lại bị chém gấp 5 lần mà vẫn bắt buộc phải mua. Sợ nhất là chặt chém...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ du khách đến Việt Nam sợ: Chặt chém, giao thông, ăn xin - ăn cắp vặt, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và thái độ ứng xử. ảnh: Ngọc Thành. |
Thứ hai, họ sợ giao thông. Ở nước ta đi ra đường cảm thấy không an toàn. Vấn đề an toàn giao thông mình đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng đây cũng là một vấn đề khó.
Thứ ba là họ sợ ăn xin và ăn cắp vặt, đặc biệt là ăn xin.
Người ta đi du lịch là muốn có cảm giác rất thanh thản, rất an lành, hoặc muốn khám phá những cái mới, nhất là những nước phát triển.
Nhưng sang đây người ta thấy nhiều ăn xin, nhất là những người giả ăn xin. Có những cảnh thê lương đến mức làm người ta thấy ám ảnh, thậm chí không chỉ bị ám ảnh trong chuyến du lịch đến Việt Nam mà bị ám ảnh mãi về sau.
Thứ tư là sợ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ra ngoài đường thấy quán ăn sát vỉa hè đã rất bẩn rồi mà lại thấy lấy tay bốc thức ăn chứ không dùng găng tay nilon.
Nó rất đơn giản thôi nhưng khiến người ta sợ. Càng là khách du lịch ở những nước phát triển thì người ta càng sợ.
Thứ năm là sợ vệ sinh môi trường. Nhà vệ sinh công cộng rất khủng khiếp. Ngay ở những khu du lịch trọng điểm nhiều người thản nhiên vứt rác, không có ý thức bảo vệ môi trường. Các du khách ở những nước phát triển họ thấy như thế họ cũng đánh giá.
Cuối cùng, người ta nói Việt Nam rất mến khách. Nhưng 1.000 người mến khách mà chỉ cần 1 người không thì cũng để lại ấn tượng xấu.
Như thái độ đối với du khách, lúc mời vào ăn, vào mua thì đon đả, thế nhưng nếu không mua thì thái độ khác ngay. Có thể người ta không hiểu tiếng Việt, nhưng bằng thái độ, người ta thấy không được đối xử một cách thiện chí.
Từ những phân tích trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: Tất cả những cái đó, trừ vấn đề giao thông cần có biện pháp đồng bộ, còn lại đâu cần nhiều tiền đâu, mà tại sao mình lại không làm được?
Có những nơi đã làm rất tốt như Hội An, Đà Nẵng, nhưng tại sao nhiều nơi khác không làm được?.
Phó Thủ tướng chia sẻ: "Cái này không chỉ liên quan đến du lịch mà còn là hình ảnh, văn hiến của Việt Nam.
Tự hào hay không là ở cái đó. Chúng ta có thể nghèo hơn thiện hạ, nhưng nếu làm những cái đó tốt thì không chỉ đưa du lịch lên mà còn đưa văn hóa lên, giúp đất nước phát triển.
Không cần làm những thứ cao siêu mà nên bắt đầu từ những thứ sát sườn, mình làm từ việc nhỏ đến việc lớn. Hãy để cho người ta nhìn mình là một đất nước, một dân tộc văn hóa".
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có sự sụt giảm do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó nổi bật là sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại biển Đông; sự trượt giá của đồng Rub đã khiến lượng khách của 2 thị trường chính là Trung Quốc và Nga có sự sụt giảm mạnh. Thí dụ khách du lịch từ thị trường Nga giảm 27%, khách từ thị trường Trung Quốc giảm 40%.
Ông Tuấn cũng nói rằng, du lịch Việt Nam đang đẹp dần lên trong mắt bạn bè quốc tế. Có lẽ đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì cái đẹp này cần phải được xây dựng hết sức bền vững theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.