"Phí BOT chưa minh bạch, không được tăng mà còn phải giảm"

03/06/2016 07:11
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, phát biểu của Thủ tướng yêu cầu không tăng phí BOT thể hiện sự rõ ràng của Chính phủ với những vấn đề gây bức xúc cho người dân.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 diễn ra hôm 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá năm 2015, các tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính, cho rằng công tác điều hành giá thời gian qua có chuyển biến tích cực, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT / ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT / ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Thủ tướng nhấn mạnh, tôn trọng nguyên tắc tuân theo cơ chế thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, quản lý tốt lộ trình điều chỉnh giá, kiểm soát chặt chẽ chi phí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát giá.

Tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT.

Yêu cầu của Thủ tướng về việc không tăng phí BOT và giá bán lẻ điện năm 2016 ngay lập tức nhận được đồng thuận lớn của người dân, cũng như các chuyên gia.

Sự dứt khoát, rõ ràng của Chính phủ

Nhìn vào yêu cầu của Thủ tướng về việc không tăng phí BOT, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công nhận định: Đây là tuyên bố dứt khoát, rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ trước những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ nhiều dự án BOT thời gian qua gây bức xúc người dân dư luận /Ảnh trạm BOT trên Quốc lộ 6.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ nhiều dự án BOT thời gian qua gây bức xúc người dân dư luận /Ảnh trạm BOT trên Quốc lộ 6.

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 vấn đề phí BOT, tăng phí trạm BOT trên tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) được dư luận quan tâm đặc biệt.

“Từ việc phí các trạm BOT tăng nhanh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đến những dự án đường giao thông BOT chưa minh bạch, chưa làm xong đường đã thu phí hay, thu phí 3 báo cáo 1... báo chí nói đến thời gian qua càng khiến dư luận hoài nghi về các dự án BOT giao thông”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nói.

Bên cạnh đó, tình hình thực tế cũng không cho phép tăng phí BOT, giá điện lúc này. Vị chuyên gia này phân tích: Nếu tăng phí BOT, giá điện sẽ gây sức ép lớn đối với lạm phát cũng như đời sống dân cư nói riêng.

“Nền kinh tế đang có nguy cơ lạm phát vì chỉ số giá cả trong những tháng đầu năm và trong quý 1, quý 2 tăng khá nhanh. Mặt khác, chúng ta đang có chính sách nới lỏng tiền tệ do đang tác động tới toàn bộ thị trường hàng hóa… tất cả yếu tố đó không cho phép tăng phí BOT lúc này”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết. 

"Phí BOT chưa minh bạch, không được tăng mà còn phải giảm" ảnh 3

Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT

"Phí BOT chưa minh bạch, không được tăng mà còn phải giảm" ảnh 4

Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư BOT, đề xuất lạ lùng của Bộ kế hoạch và Đầu tư

"Phí BOT chưa minh bạch, không được tăng mà còn phải giảm" ảnh 5

Dự án BOT, 85% vốn đi vay, 100% có lãi nên ai cũng muốn làm

Mặt khác, theo ông Thọ ngay từ đầu năm nay, người dân một số vùng miền trong cả nước đang gặp khó khăn, đặc biệt đời sống dân cư ở một loạt các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long hay như khó khăn của ngư dân một số vùng ven biển miền Trung do hiện tượng cá chết. Do vậy tăng phí BOT sẽ gây sức ép lớn với người dân và doanh nghiệp.

“Vấn đề phí BOT, lộ trình tăng phí BOT hiện nay đang nhận phản ứng quyết liệt từ doanh nghiệp người dân, đang có nhiều ý kiến nghi ngại lợi ích nhóm trong phương án tăng phí các trạm BOT cũng như những vấn đề nảy sinh, bất cập trong đầu tư BOT các dự án đường giao thông. Nếu tăng phí gây ra phản ứng tiêu cực”, PGS.TS Thọ cho biết.

Không những không tăng mà phải giảm

Yêu cầu không tăng phí BOT của Thủ tướng, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ cũng thể hiện cam kết của Chính phủ trong vấn đề cải tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. 

"Yêu cầu không tăng phí BOT, phần nào Thủ tướng đã thực hiện cam kết của Chính phủ tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh tốt tức phải rõ ràng, minh bạch vấn đề phí, thuế”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết thêm. 

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia giao thông cho rằng, yêu cầu không tăng phí BOT của Thủ tướng rất đúng đắn trong giai đoạn hiện nay khi mà nhiều trạm thu phí BOT, xem xét đầu dự án BOT đường bộ cũng như điều khoản trong hợp đồng BOT đang gây phản ứng tiêu cực.

“Những vấn đề như khoảng cách trạm thu phí BOT, đầu tư hình thức BOT trên các tuyến đường giao thông một cách tràn lan gây sức ép phí cho người dân, điều khoản hợp đồng có lợi và bảo vệ cho nhà đầu tư…, đến nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống.

Bên cạnh yêu cầu không tăng phí BOT, theo PGS.TS Tống, Thủ tướng cần yêu cầu thành lập đoàn công tác kiểm tra dự án BOT đường bộ, xem xét mức thu phí tại những dự án gây bức xúc cho người dân để có phương án điều chỉnh hợp lý.

PGS Tống phân tích, cũng mức phí đó tại sao có chỗ người dân, doanh nghiệp đồng tình nhưng có nơi gây bức xúc. Ví dụ mức phí này nhưng anh thu ở đường cao tốc xây dựng mới hoàn toàn như Nội Bài - Lào Cai không ai kêu nhưng áp dụng nơi chỉ cải tạo nâng cấp trên nền đường cũ như Pháp Vân - Cầu Giẽ thì những phản ứng của người dân là có cơ sở, vì vậy cần phải xem xét giảm phí chứ không thể chỉ nói đến tăng.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, yêu cầu không tăng mức phí BOT lúc này của Thủ tướng đã cứu doanh nghiệp khỏi gánh nặng nguy cơ tăng phí trước mắt. Tuy nhiên, ông Liên cũng đề nghị xem xét giảm mức phí BOT đồng thời đảm bảo đúng khoảng cách các trạm thu phí BOT theo quy định 70km/trạm thu phí BOT.

Mai Anh