Bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm như thế nào?

24/05/2016 15:15
Nguyên Thảo
(GDVN) - Theo các chuyên gia y tế, với bệnh viêm não mô cầu cách phòng bệnh hữu hiệu nhất đó là tiêm ngừa vắc-xin.

Nhiễm khuẩn do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây bệnh trên người với nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp) tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, mắt, đường niệu và sinh dục.

Bệnh nguy hiểm

Tại nước ta, bệnh viêm màng não mô cầu xuất hiện rải rác ở một số tỉnh thành trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đã khiến các cha mẹ đặc biệt lo lắng. Tại Hà Nội, đã có 2 trường hợp người lớn phải nhập viện do viêm não mô cầu. 

Trong lâm sàng thường hay gặp và quan trọng hơn cả là hai thể bệnh viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết.

Đặc biệt ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp gây tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh dễ thành dịch lớn và có khả năng gây tác động sâu sắc về mặt y tế, xã hội. Bệnh thường gặp vào mùa hè.

Não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis, vi khuẩn là song cầu hình hạt cà phê nằm trong tế bào.

Vi khuẩn dễ bị diệt bởi nhiệt độ 50oC trong 5 phút, 100oC chỉ trong 30 giây, các thuốc khử khuẩn thông thường như dung dịch cloramin 0,5 - 1% hay cồn 70o.

Các nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở nước ta thường gặp các nhóm A,B,C. Nguồn bệnh duy nhất là người: bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn không triệu chứng.

Não mô cầu cư trú tại vùng hầu họng của người và lây truyền theo các giọt nước nhỏ bài tiết qua đường hô hấp. Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần gũi hay gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có ô nhiễm chất mới bài tiết ra từ đường hô hấp của người mang trùng.

Giữa các vụ dịch có đến 5-15% dân chúng thành thị mang não mô cầu trong khoang mũi họng, trong vụ dịch tỷ lệ này có thể lên đến 40 - 60%, đặc biệt ở những nơi có mật độ dân cư cao hay ở các doanh trại quân đội.

Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi hay thanh thiếu niên từ 14 - 20 tuổi và tỷ lệ thấp ở người trên 20 tuổi.

Phòng duy nhất là tiêm chủng 

Theo các chuyên gia y tế, với bệnh viêm não mô cầu cách phòng bệnh hữu hiệu nhất đó là tiêm ngừa vắc-xin.

Hiện nay có 2 loại vắc-xin tiêm phòng viêm não mô cầu. Vì mỗi loại vắc-xin chỉ phòng ngừa được một số chủng vi khuẩn não mô cầu nhất định nên các mẹ có thể cho bé tiêm cả hai loại để phòng được bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu tuýp A, tuýp B và tuýp C.

Vắc-xin viêm não mô cầu A+C: Tên thương mại là vacina Meningococcal A+C, xuất xứ: Pháp. Phòng ngừa viêm màng não do Meningococcus nhóm A và C. Việc chủng ngừa còn được khuyến cáo ở vùng có nội dịch cao hoặc có dịch do Meningococcus nhóm A và C.

Đối tượng tiêm chủng: Vắc-xin Meningococcal A+C  được dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Sau mũi tiêm đầu tiên, cứ 3-5 năm tiêm nhắc lại 1 lần. Nếu trẻ có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm Meningococcal A+C  thì có thể đưa trẻ đi tiêm phòng nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.

Tác dụng phụ: Trong vòng 24 giờ sau khi tiêm, có thể có sốt nhẹ, hơi đỏ và đau ở chỗ tiêm. Các biểu hiện thường mất đi sau 1 - 2 ngày và chỉ gặp ở khoảng 5 - 10% số người tiêm vắc-xin này.

Vắc-xin viêm não mô cầu B+C:Tên thương mại là VC-Mengoc-BC, xuất xứ: Cuba. Vắc-xin viêm não mô cầu B+C được chỉ định nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh thanh B và C.

Đối tượng tiêm chủng: Vắc-xin được tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch. Sau mũi đầu tiên, mũi nhắc lại 1 lần sau ít nhất 2 tháng.

Không được tiêm cho người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin. Vắc-xin này cũng chống chỉ định trong các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển và các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh.

Nguyên Thảo