Cấm vàng mã là bất khả thi, cần tìm giải pháp khác

27/02/2018 07:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Hãy để người dân tự lựa chọn cách thực hành tín ngưỡng, nhà nước chỉ nên phổ biến tri thức và điều chỉnh hành vi xã hội bằng chính sách.

Trong bài viết trước, "Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn", chúng tôi đã đề cập đến nguyên nhân sâu xa của việc sử dụng vàng mã cũng như những hủ tục trong đời sống xã hội là từ giáo dục.

Bài viết này chúng tôi xin chia sẻ nhận thức của mình từ một góc độ khác, đó là nguyên nhân văn hóa và chính sách quản trị nhà nước về văn hóa, ngõ hầu góp thêm một tiếng nói cùng nhau làm sáng tỏ nguyên nhân, tìm ra giải pháp.

Cấm đốt vàng mã là bất khả thi

Chắc chắn sẽ có không ít bạn đọc phản đối điều này. Nhưng cá nhân chúng tôi nhận thấy, có ít nhất 2 nguyên nhân sau dẫn đến tính "bất khả thi" nếu áp đặt lệnh cấm đốt vàng mã.

Thứ nhất là quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của công dân.

Đây là quyền hiến định mà không ai có thể can thiệp.

Vàng mã là vật phẩm biểu đạt tín ngưỡng của nhiều người, ảnh minh họa: tuyengiao.vn.
Vàng mã là vật phẩm biểu đạt tín ngưỡng của nhiều người, ảnh minh họa: tuyengiao.vn.

Vàng mã là một hình thức của không ít người có tín ngưỡng thường sử dụng để biểu đạt nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của họ. Đó là sự thật.

Chúng tôi quan niệm, không phải cứ đến chùa thường xuyên đã là Phật tử. Chỉ khi nào hiểu được giáo lý Phật đà, thọ tam quy ngũ giới, thì khi đó mới chính thức là Phật tử.

Vì vậy số lượng Phật tử với số lượng người đến chùa là hoàn toàn khác nhau. Và những Phật tử thuần thành thì không tin trời, thần, quỷ vật, càng không sử dụng vàng mã.

Khác với các tôn giáo khác, các cơ sở thờ tự Phật giáo ở Việt Nam không chỉ là khoảng trời riêng của tín đồ Phật giáo, mà còn là điểm đến của người dân gửi gắm niềm tin, tìm kiếm điểm tựa tâm linh theo nhận thức của mỗi người mà không nhất thiết họ là Phật tử.

Điều này đặc biệt phổ biến ở miền Bắc, khi mỗi ngôi chùa, mỗi cơ sở thờ tự Phật giáo từ lớn đến nhỏ gần như đều có hệ thống phủ Mẫu đi kèm, thể hiện tín ngưỡng bản địa của người Việt.

Có điện, phủ thờ Mẫu hay thờ Đức Thánh Trần, là có nghi thức hầu đồng. Có hầu đồng là có đốt vàng mã với quy mô trung bình đến lớn.

Đã có thời gian việc hầu đồng bị cấm vì cho là mê tín dị đoan. Nhưng cấm đoán thì người ta vẫn tìm cách "hầu trộm", vì đó là nhu cầu, với nhiều người không khác gì cơm ăn, nước uống.

Hầu đồng là một tín ngưỡng bản địa sử dụng rất nhiều vàng mã, ảnh minh họa: tuyengiao.vn.
Hầu đồng là một tín ngưỡng bản địa sử dụng rất nhiều vàng mã, ảnh minh họa: tuyengiao.vn.

Đến khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ trình UNESCO về di sản Nghi lễ Hát Văn - Hầu đồng và được tổ chức này công nhận, hầu đồng lập tức bùng phát và vượt khỏi phạm vi các trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Người ta không chỉ hầu ở các phủ, điện thờ Mẫu, mà hầu ở bất kỳ đâu: chùa, đình, đền, miếu, thậm chí cả ở ngã ba ngã bảy.

Người ra hầu đồng cũng không còn do quan niệm "căn cao số nặng", không hầu thì ốm đau bệnh tật, mà nhiều người ra hầu đồng để được buôn may bán đắt, cầu tài lộc danh vọng.

Chính vì thế, có không ít quan chức, giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ cũng tổ chức hầu đồng, mở điện phủ tại tư gia. Chỉ cần vào Youtube tìm kiếm các từ khóa nói trên với "hầu đồng", có thể thấy rất nhiều.​

Không ít người vung tiền phát lộc, vàng mã ngợp trời để thể hiện đẳng cấp.

Thứ hai, có cầu ắt có cung, đó là quy luật.

Nhiều quan điểm cho rằng, chỉ cần các chùa, các cơ sở thờ tự, các di tích văn hóa cấm đốt vàng mã là có thể giảm ngay được tình trạng này. Chúng tôi e rằng thực tế sẽ ngược lại.

Như đã phân tích ở trên, Phật tử thuần thành thì không dùng vàng mã, nhưng người có tín ngưỡng thì vàng mã là một vật phẩm thể hiện nhu cầu của họ.

Phật tử thuần thành không cúng sao giải hạn, không xóc thẻ xin quẻ, không xin ấn, không quy y trời, thần, quỷ, vật.

Lễ khai ấn Đền Trần, Nam Đinh. Ảnh: Báo Tin tức / Tạp chí Tuyên giáo.
Lễ khai ấn Đền Trần, Nam Đinh. Ảnh: Báo Tin tức / Tạp chí Tuyên giáo.

Nhưng người đến chùa để giải hạn, xin thẻ, xin ấn, hầu đồng...mà nhà chùa không đáp ứng, thì họ tìm đến nơi khác. Đơn giản vì, đó mới là nhu cầu hiện tại của họ.

Có rất nhiều điện, phủ tư gia. Các nhà sư không lễ cho họ, thì đã có các thày cúng. Đây cũng là một thách thức lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đức Phật ra đời là để chữa tâm bệnh cho chúng sinh, để chúng sinh từ u mê trở nên tỉnh thức, ngài có nhiều phương tiện giáo hóa khác nhau, nhưng mục đích cứu cánh thì chỉ có một: giác ngộ lẽ thật, giải thoát phiền não.

Các nhà tu hành Phật giáo cũng vậy, sử dụng phương tiện sao cho khéo, không để phương tiện lại biến thành mục đích cứu cánh, kẻo chưa kịp độ chúng sinh đã bị chúng sinh độ lại, đó là thách thức lớn trong thời đại ngày nay.

Thực trạng sử dụng vàng mã thể hiện tầm quản trị quốc gia về văn hóa - giáo dục

Lập luận đốt vàng mã tốn kém nên cần phải cấm là không thuyết phục, bởi tốn kém cho cá nhân người sử dụng vàng mã chứ không phải tốn kém ngân sách nhà nước, hay động đến túi tiền của người khác.

Cho rằng đốt vàng mã dễ gây cháy nổ hay ô nhiễm môi trường cũng vậy; Cháy nổ thì đã có các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống cháy nổ. Còn ô nhiễm môi trường thì chúng tôi tin rằng không thấm vào đâu so với việc buông lỏng quản lý để doanh nghiệp xả thải bừa bãi.

Cấm vàng mã là bất khả thi, cần tìm giải pháp khác ảnh 4

Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn

Do đó nếu chỉ sử dụng các biện pháp hành chính để "quản lý" việc sử dụng vàng mã, chúng tôi e là khó khả thi và có thể gây nhiều tranh cãi, vì động đến quan điểm giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng.

Chúng ta không ai muốn bị người khác áp đặt quan điểm và nhận thức của họ lên bản thân mình, thì người khác cũng như vậy. 

Do đó chỉ có thể dùng các thiết chế về văn hóa giáo dục, cung cấp và phổ biến tri thức khoa học (đặc biệt là thiên văn, triết học, lịch pháp) cho cộng đồng để mỗi người tự quyết định dựa trên hiểu biết của mình, thì những hủ tục mới bị đẩy lùi.

Tức là chúng ta phải chấp nhận thực trạng hiện tại và hành động để hướng tới thay đổi trong tương lai.

Nói như dân gian, là phải "hy sinh đời bố, củng cố đời con", đặc biệt là với những người làm chính sách, hoạch định chính sách về văn hóa.

Những người đã có niềm tin vào may rủi do thiếu những tri thức khoa học đáng lẽ họ phải được học trong nhà trường phổ thông thì có giải thích kiểu gì cũng khó có thể thay đổi.

Nhưng con em chúng ta, thế hệ trẻ thì khác.

Khi con trẻ có tri thức khoa học, tư duy khoa học, tinh thần thực nghiệm và thực chứng, thì tự nhiên những gì là cổ hủ lạc hậu, những gì phản văn hóa nhưng lại được gắn mác văn hóa, sẽ tự nhiên bị đào thải khỏi đời sống xã hội.

Vì thế thiết nghĩ ngay từ bây giờ, chúng tôi xin nhắc lại kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và xin đưa ra một số kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một là, với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Bộ cần thấy được trách nhiệm, sứ mệnh không thể thoái thác của mình trong việc phổ biến tri thức khoa học, cung cấp các kiến thức cốt lõi, nền tảng giúp con người Việt Nam hình thành thế giới quan khoa học, tư duy khoa học và phương pháp thực chứng.

Hai là, với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi xin kiến nghị:

Hãy trả lại các lễ hội và cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng cho các cộng đồng dân cư. Nhà nước chỉ điều chỉnh bằng pháp luật và chính sách, chứ không quản lý hành chính với các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tâm linh.

Tranh lộc tại chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.
Tranh lộc tại chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.

Người dân luôn nhìn vào lãnh đạo, nhìn vào nhà nước.

Nếu họ thấy cơ quan nhà nước nào đứng ra tổ chức / lãnh đạo nào tham gia các hoạt động tín ngưỡng mang tính chất tâm linh chứ không còn là văn hóa uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên và anh hùng dân tộc, thì không có lý do gì để nói họ phải bỏ các hình thức thể hiện tín ngưỡng, niềm tin của họ.

Ban tổ chức các lễ hội có khai ấn lại dành riêng thẻ VIP, đường VIP cho khách VIP vào dự khai ấn, sẽ càng tăng sức hút với người dân.

Bộ cần tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các lễ hội khi có hiện diện của người lãnh đạo. Lãnh đạo tham gia khai ấn, phát ấn sẽ chỉ cổ vũ người dân đến xin ấn. 

Do đó những biểu hiện nghi thức mang màu sắc tâm linh chứ không còn là văn hóa tri ân tiên tổ, tiền bối hữu công thì phải hết sức thận trọng khi có sự hiện diện của lãnh đạo.

Những vật phẩm cung tiến vào các cơ sở thờ tự của bất kỳ ai, chỉ nên ghi tên tuổi, địa chỉ nếu họ yêu cầu, thể hiện quyền bình đẳng và quyền tín ngưỡng hoặc không theo tín ngưỡng; 

Không nên ghi kèm chức danh lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, vì đó là cương vị quốc gia, không phải tài sản cá nhân, nhưng lại có thể dẫn dắt dư luận xã hội theo nhiều hướng phức tạp. Trách nhiệm này thuộc về ngành văn hóa.

Cần xây dựng các định chế quản lý sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự, nhất là các hoạt động có thu phí để đánh thuế, đồng thời xác định phạm vi nào được kinh doanh dịch vụ, phạm vi nào không được phép kinh doanh dịch vụ, tránh tạo thành các "BOT tâm linh".

Nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, gạn đục khơi trong, đặc biệt cần xiển dương văn hóa dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Dân ta phải biết sử ta, nhưng thực tế nhiều người thuộc "sử Tàu" hơn sử ta, vì phim ảnh dã sử, lịch sử, cổ trang Trung Quốc tràn ngập các kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương;

Đây là trách nhiệm của ngành văn hóa, và đây là nơi cần sự can thiệp và quản trị của ngành văn hóa, chứ không phải việc cấp phát bằng di tích, lập dự án bảo tồn, tổ chức các lễ hội, công nhận gia đình văn hóa hay khu dân cư văn hóa...

Dân gian có niềm tin Đức Thánh Trần sát quỷ trừ tà, lá ấn Trần Triều có thể giúp họ thăng quan tiến chức thì trách nhiệm của ngành Văn hóa phải làm nổi bật công trạng chống giặc giữ nước, tài năng quân sự và tư tưởng "khoan thứ sức dân là kế sâu rễ bền gốc" của ngài Trần Hưng Đạo.

Ba là với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi cũng xin có vài lời kiến nghị:

Trong việc đào tạo tu sĩ, dù theo pháp môn nào cũng không được xa rời mục đích cứu cánh, cao đẹp của Đạo Phật, để dẫn dắt đời sống tâm linh của quần chúng tín đồ, mỗi vị tu sĩ cần là một bậc mô phạm về giới hạnh.

Trong việc quản lý tự viện, cần dung hòa giữa nhu cầu tâm linh đa dạng của quần chúng với giáo lý giác ngộ, giải thoát của Đức Phật;

Đặc biệt là khi sử dụng các phương tiện và nghi lễ, cần có giảng giải ý nghĩa phương tiện và mục đích cứu cánh, nên thay thế dâng sao giải hạn bằng tụng kinh cầu an tại tất cả các tự viện do giáo hội quản lý.

Trong quản lý tăng sĩ, giáo hội cũng cần lên tiếng chấn chỉnh các hoạt động ngoài giới luật của một số vị (hầu đồng, xem bói, cúng sao giải hạn...) để nhắc nhở, nếu là người có hình tướng tu sĩ nhưng không phải tu sĩ do giáo hội quản lý, cũng cần thông tin cho xã hội biết.

Hồng Thủy