Những ngày xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang cho chúng ta thấy được rất nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau. Nếu như các bị cáo: Lương, Hoài, Khuông, Dung đã thành khẩn nhận tội trước tòa thì bị cáo Triệu Thị Chính đã liên tục phủ nhận mình phạm tội.
Bà Chính đã thanh minh, đã thề, đã phân bua việc làm của mình là vô tội. Bà đã "nhận sai" là đưa 13 thí sinh cho bị cáo Hoài nhưng cho rằng đó là việc làm "không phạm tội". Những lời nói của bà Chính trước tòa liệu có phải là xảo ngôn hay không?
Bị cáo Triệu Thị Chính khi đến dự phiên tòa tòa trong những ngày qua (Ảnh: Trinh Phúc) |
Vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang đến thời điểm này đã cơ bản xong phần xét xử sơ thẩm, theo chủ tọa thì Thứ 2 ngày 21/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ tiến hành nghị án và đến ngày 25/10 tòa sẽ tiến hành tuyên án.
Bà Triệu Thị Chính, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chấm thi năm 2018 của tỉnh Hà Giang vẫn phủ nhận việc nhờ nâng điểm của mình. Trước tòa, bà vẫn thể hiện một “bản lĩnh” mà 4 bị cáo còn lại không có được.
Bà Chính nhờ “xem điểm” hay “nâng điểm”
Theo cáo trạng và lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài thì bị cáo Triệu Thị Chính đã đưa danh sách và nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho 13 thí sinh.
Trong danh sách này có con cháu của một số lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục Hà Giang như: ông Triệu Tài Vinh- Bí thư tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, ông Phạm Văn Khuông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo…
Thế nhưng, trước tòa thì bị cáo Triệu Thị Chính đã khẳng định là mình chỉ "nhờ xem điểm" và một mực phủ nhận việc mình đã nhờ bị cáo Hoài "nâng điểm" cho 13 thí sinh này.
Vì thế, khi mở đầu lời bào chữa trước Hội đồng xét xử thì bà Chính vừa bào chữa vừa khóc và nói: "Hôm nay tôi đứng đây, dù tòa tuyên án tội tôi thế nào, tôi vẫn ngẩng cao đầu nói với cả đất nước Việt Nam rằng tôi không phạm tội”.
Thế nhưng, từ những tin nhắn mà Viện Kiểm sát công bố thì rõ ràng những lời nói của bị cáo Triệu Thị Chính không hẳn là đúng sự thật.
Bởi theo bà Chính thì từ ngày xảy ra sự việc bà không gặp một lãnh đạo nào, thậm chí bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang) là người nhắn tin cho bị cáo để nhờ vả, bị cáo cho biết đến bây giờ còn không nhớ mặt bà Nga.
Tuy nhiên, khi Viện Kiểm sát công bố một loạt tin nhắn giữa bà Nga và bị cáo Chính thì chúng ta nhìn rõ được những nội dung tin nhắn như vậy mà bà Chính “không nhớ mặt” bà Nga là điều hoàn toàn vô lý, ngụy biện.
Nội dung tin nhắn được công bố như sau: "Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu thi vừa rồi, bạn giúp mình với nhé". Sau đó, bà Nga nhắn một tin nhắn đầy đủ nội dung họ tên thí sinh, số báo danh, phòng thi cho bà Chính.
Tiếp sau đó, bà Nga nhắn tin "cảm ơn bạn nhiều" gửi cho bà Chính và được bà Chính trả lời: "Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình".
Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng công bố một loạt tin nhắn gửi đến số điện thoại của bà Chính để nhờ vả và được bà Chính đồng ý giúp.
Thế nhưng, đứng trước tòa, bị cáo Triệu Thị Chính cho rằng hai cấp dưới của mình là Hoài và Lương có tư thù với mình nên cố tình lôi bà vào cuộc. Vì vậy, bà Chính nói: “Nếu không hận thù, tại sao anh Hoài phải lôi tôi vào cuộc, tại sao lại kích động hận thù giữa tôi và những người tôi không giúp được?
Trong cơn bão quay cuồng, tôi không tránh được bão táp phong ba, nhưng tôi đề nghị Hội đồng xét xử là cái nào ra cái đó. Nếu chỉ nhờ xem điểm mà phạm tội thì ông Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đều phạm tội”.
Không hiểu sao, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 lại có nhiều phụ huynh, nhiều người trung gian ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình "nhờ xem điểm trước" đến vậy?
Trong khi, với cương vị là Trưởng ban chấm thi ở tỉnh Hà Giang thì bị cáo Triệu Thị Chính thừa hiểu là khi có điểm thi thì bà là người ký tên vào bảng điểm mới có thể công bố điểm thi. Vậy việc gì mà bà Chính lại phải nhờ Nguyễn Thanh Hoài "xem điểm trước" làm gì cho khổ cực nhỉ?
Lời nói sau cùng, bà Chính "nhận sai" nhưng "không nhận tội"
Liêm sỉ nhà giáo nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La |
Chiều 18/10/2019, Hội đồng xét xử vụ gian lận tại Hà Giang kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được phép nói lời sau cùng.
Trong phần trình bày của mình, bị cáo Triệu Thị Chính nói khi xảy ra sự việc vi phạm quy chế thi 2018, là một nhà giáo bà vô cùng đau xót, mặc dù 107 thí sinh được nâng điểm vượt ngoài sự kiểm soát của cá nhân bà cũng như ban chấm thi.
Với cương vị Phó Giám đốc, Trưởng ban chấm thi, bà nhận trách nhiệm về mình và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
"Việc đưa danh sách 13 thí sinh cho Hoài nhờ xem điểm môn Ngữ văn, tôi nhận sai và xin lỗi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới lãnh đạo Tỉnh ủy, nhân dân Hà Giang.
Tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Đảng và tổ chức, nhưng với nhận thức của tôi, tôi không phạm tội. Tôi tin tưởng ở pháp luật, Hội đồng xét xử và công lý. Tôi kính mong Hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho tôi".
Trên cương vị là Phó Giám đốc Sở, Trưởng ban chấm thi mà bị cáo Triệu Thị Chính cho rằng việc đưa danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài “nhờ xem điểm” môn Ngữ văn là “không phạm tội”.
Không phạm tội sao bị cáo Triệu Thị Chính lại “nhận sai và xin lỗi” trước lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Giang để làm gì? Những lời bào chữa, những lời sau cùng của bị cáo Triệu Thị Chính cho thấy bà rất xảo ngôn, quanh co trước việc làm của mình.
Chợt nhớ câu nói của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khi nói về bà Chính: “Nếu tôi không tôn trọng sự thật thì chắc chắn chị Chính cũng sẽ giống như tôi 448 ngày không nghe tiếng chim hót”…
Phải chăng, bà Triệu Thị Chính đang sợ rồi một ngày tới đây bà cũng "không được nghe tiếng chim hót" như bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và bị cáo Vũ Trọng Lương chăng?
Tài liệu tham khảo?
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-da-mang-tieng-la-em-trieu-tai-vinh-bao-nam-nay-post203523.gd
//infonet.vn/bi-cao-trieu-thi-chinh-trong-con-bao-quay-cuong-khong-tranh-duoc-bao-tap-phong-ba-post317221.info