Mặc dù kết quả điều tra vụ việc tiêu cực điểm thi ở Hòa Bình chưa có nhưng nhìn vào kết quả và những diễn biến ở Sơn La và Hà Giang cũng khiến chúng ta suy nghĩ nhiều điều.
Đa phần phụ huynh ở Sơn La chỉ nhờ “xem điểm trước”, thậm chí không biết việc nâng điểm của con mình nhưng vẫn được các cán bộ ngành giáo dục địa phương này…nâng điểm.
Ở Hà Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự bởi kết quả điều tra cho thấy chỉ là sự “nhờ vả” do quen biết mà thí sinh cũng được nâng điểm.
Nếu mà “nhờ” nâng điểm dễ dàng như vậy, chắc phụ huynh ở Sơn La và Hà Giang có thể phải lên đến con số hàng ngàn, chứ làm gì chỉ dừng lại ở những con số khiêm tốn như chúng ta đã thấy?
Nếu chỉ nhờ vả đơn thuần thì việc gì những cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục lại đánh đổi danh dự, sự nghiệp của mình như thế này (Ảnh: Báo Lao động) |
Đồng loạt nói nhờ “xem điểm trước”
Những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến một câu chuyện rất khôi hài ở Sơn La, đó là chuyện Giám đốc Sở Giáo dục Hoàng Tiến Đức và đa phần các phụ huynh có con được nâng điểm đều khai với cơ quan điều tra là họ chỉ nhờ “xem điểm trước”.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên về lời khai đến mấy chục con người cho thấy một màn hài kịch vụng về nhưng có lẽ cùng chung một…đạo diễn. Khôi hài đến độ mà phụ huynh nhờ xem điểm nhưng đã có tới 8 cán bộ ngành giáo dục và công an đã bị truy tố, bắt giam.
Khôi hài đến nỗi có thí sinh chỉ có điểm thật là 0,45 điểm đã được nâng lên đến 27 điểm. Nếu chỉ cần “xem điểm trước” thì với 3 môn thi nhưng thí sinh đều không làm được bài thì việc “xem điểm trước” phỏng có ích gì?
Nhưng, nó lại đang xảy ra ở Sơn La, bắt đầu từ Giám đốc Sở Giáo dục Hoàng Tiến Đức. Ông Đức bị cấp phó Trần Xuân Yến khai là nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh nhưng ông lại nói chỉ nhờ “xem điểm trước”.
Chính vì người “đầu tàu” đã khai như vậy nên kéo theo những phụ huynh cũng “bắt chước” khai theo.
Điều trớ trêu là các bị can lại nộp lại tiền đã nhận của phụ huynh cho cơ quan điều tra. Vì thế, chẳng có ai tin lời ông Hoàng Tiến Đức cũng như phần lớn phụ huynh có con được nâng điểm đang “diễn” trước công luận. Tất nhiên, cơ quan điều tra cũng sẽ chẳng tin như vậy...
Điều đáng mừng nhất là Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức- người đứng đầu ngành giáo dục Sơn La nhưng vướng vào quá nhiều những thị phi và có những việc làm không phù hợp với vai trò, vị trí của mình.
Thử xem, khi công an tỉnh Sơn La điều tra tiếp vào giai đoạn 2 tới đây thì ông Hoàng Tiến Đức và các phụ huynh của địa phương này có “diễn” được nữa không?
Hà Giang thì sao?
Kết thúc điều tra, công an Hà Giang ra cáo trạng truy tố 5 bị can gồm 1 sĩ quan công an và 4 lãnh đạo đang công tác ở Sở giáo dục.
Đến bây giờ mà không một ai từ chức vì gian lận thi cử thì quả là vô lý |
Trong đó có 2 Phó Giám đốc và 2 người công tác ở Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng.
Tuy nhiên, cáo trạng lại không làm rõ được “động lực” để những bị can này ra tay “giúp đỡ”. Tuy nhiên, chỉ trừ trường hợp ông Phạm Văn Khuông nhờ nâng điểm cho con trai thì 4 người còn lại đều nhiệt tình trong việc cung cấp danh sách và nhiệt tình sửa điểm.
Thí sinh được nâng điểm cao nhất ở Hà Giang là 29,95 điểm/ 4 môn, trong khi điểm thật chỉ có 7,25 điểm. Thử hỏi chỉ nhờ vả thông thường thì ai hơi đâu mà ngồi sửa lại đáp án của hàng trăm câu trắc nghiệm để nâng điểm?
Với 107 thí sinh được nâng điểm từ 2,2 đến 29,95 điểm nhưng không làm rõ được việc dùng tiền để mua điểm.
Báo Tuổi trẻ dẫn rằng: “Trong 20 trang của bản cáo trạng này cũng như trong 17 trang của bản kết luận điều tra hôm 15-4 của Công an tỉnh Hà Giang đều không thể hiện rõ kết quả điều tra việc các phụ huynh đã chi tiền để "nhờ nâng điểm" cho con em mình như thế nào”.
Như vậy, việc công an tỉnh Hà Giang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý phụ huynh cũng rất khó. Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu những đảng viên có con được nâng điểm giải trình cũng khó có thể làm rõ được vấn đề.
Phụ huynh dại gì mà lại tự đi nhận lỗi. Nhận lỗi cũng đồng nghĩa là bị kỷ luật, bị truy tố. Hơn nữa, con và cháu của Bí thư Triệu Tài Vinh cũng được nâng điểm mà ông cũng không chịu nhận thì đó sẽ là “tấm gương” cho nhiều phụ huynh...học hỏi theo.
Khi cái sai thách thức dư luận
Suốt gần 1 năm trời trôi qua, biết bao nhiêu những phẫn nộ, ai oán của dư luận nhưng xem chừng nhiều phụ huynh có con được nâng điểm vẫn thách thức dư luận.
Giám đốc Sở chỉ nhờ xem mà cấp phó lại nâng điểm, lạ thật! |
Đa phần những phụ huynh phủ nhận việc tác động hoặc bỏ tiền để chạy điểm cho con. Đa số những phụ huynh này tỏ ra “ngơ ngác, bất ngờ” khi con mình được nâng điểm.
Một số phụ huynh chỉ nhận là nhờ “xem điểm trước” cho con mình, một số người có chức, có quyền có liên quan đến danh sách những thí sinh gian lận họ cũng chỉ khai là nhờ “xem điểm trước”, thậm chí khai xong rồi phủ nhận lại lời khai của mình.
Có điều, nếu chỉ nhờ xem điểm trước thì xem chỉ 1-2 thí sinh là con cháu của mình nhưng tại sao có những người đang là cán bộ lãnh đạo lại nhờ xem trước nhiều thí sinh xa lạ một lúc?
Và, những thí sinh ấy lại là con của quan chức địa phương và họ lại công tác ở nhiều ngành, nhiều địa bàn khác nhau?
Dư luận vẫn mong chờ vào một kết thức khách quan, viên mãn nhất. Những người có tội, những người có hành vi sai trái, gian lận, đã mua tương lai cho con em mình cũng cần phải nghiêm trị để làm gương cho mai sau.
Dư luận vẫn chờ những người là lãnh đạo, cán bộ ngành giáo dục đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình, đã xem kỳ thi quốc gia là một thị trường mua bán phải được đứng trước vành móng ngựa.
Những "góc khuất" của vụ việc phải được làm sáng tỏ và làm đến tận cùng vấn đề. Thà đau, thà mất cán bộ nhưng những cán bộ đã tha hóa về nhân cách, đạo đức như vậy thì đau và tiếc nuối làm gì?
Tài liệu tham khảo:
//tuoitre.vn/thi-sinh-duoc-nang-khung-29-95-diem-thuc-te-thi-duoc-may-diem-20190605151949117.htm
//tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-ha-giang-nho-nang-diem-khong-mat-dong-nao-20190605130421997.htm