Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật tỉnh Nghệ An kết thúc với 7 giải nhất được trao, đáng chú ý nhất là đề tài:
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Nhất cho các tác giả đạt giải. (Ảnh - Mỹ Hà Báo Nghệ An) |
“Học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống bản Xiềng (Môn Sơn-Con Cuông-Nghệ An) của 2 tác giả Lầu Nguyễn Hương Giang và Lương Thị Quỳnh Nga học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An.
Dự án đạt giải Nhất của học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú (Ảnh: Mỹ Hà Báo Nghệ An) |
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với em Lầu Nguyễn Hương Giang một trong những tác giả của đề tài khoa học đạt giải nhất ấy.
Khi được hỏi: “Vì sao các em lại chọn đề tài về việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, một đề tài được xem là khó triển khai hiệu quả?”.
Hương Giang cho biết: “Hiện nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một, nhiều lớp trẻ đặc biệt là dân tộc thiểu số khá thờ ơ, đang dần quên những giá trị vật chất, văn hóa.
Nhiều em không quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Bởi thế, em và bạn của mình đã chọn đề tài này nghiên cứu, thực hiện hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói tích cực tác động đến việc thay đổi nhận thức của nhiều học sinh.
Để thực hiện được những kỳ vọng này, nhiều giải pháp được áp dụng cùng lúc
|
Cái khó nhất là làm sao để góp phần thay đổi nhận thức của nhiều học sinh, kéo các em trở về với truyền thống lâu đời của dân tộc mình.
Thế là, các biện pháp được kết hợp đồng thời, đồng bộ để mang lại hiệu quả cao.
Đó là việc lập ra trang fanpage để đăng tải các bài viết, hình ảnh liên quan đến thổ cẩm, những hoạt động trải nghiệm.
Đăng tải nhiều bài viết về bản làng nghề thổ cẩm đặc biệt là bản Xiềng.
Vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa toàn trường, kết hợp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động liên quan đến nghề dệt thổ cẩm của dân tộc.
Tổ chức cuộc thi thời trang thổ cẩm để chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất.
Phát hành cuốn cẩm nang làng nghề, làm các tập san về thổ cẩm để học sinh trải nghiệm.
Các buổi sinh hoạt 15 phút, buổi phát thanh măng non tranh thủ đọc những bài viết hay về thổ cẩm.
Những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện đề tài
Em Lầu Nguyễn Hương Giang cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, cô giáo hướng dẫn đề tài Vi Thị Thu Hồng lại rất nhiệt tình giúp đỡ, phụ huynh cỗ vũ, động viên. Vì thế, việc thực hiện đề tài diễn ra khá thuận lợi”.
|
Ví như việc sắp xếp thời gian học để làm đề tài, kinh phí để triển khai…Nhà trường đã đã linh hoạt sắp xếp việc học cho các em vào buổi tối.
Buổi chiều, tạo điều kiện cho các em vào phòng vi tính để kết nối truy cập tài liệu cần thiết cho việc thực hiện đề tài.
Vấn đề kinh phí cũng đáng quan tâm, nhà trường đã cho phép các em quyên góp sách vở cũ, phế liệu cũ bán lấy tiền đầu tư, trang trải.
Những mong ước sau khi đề tài đạt giải
Dù đã đạt giải nhưng dự án vẫn tiếp tục được áp dụng bằng việc tổ chức các hoạt động liên quan về thổ cẩm và truyền thống của dân tộc khác.
Đề tài được xây dựng trên cơ sở bảo tồn và phát triển làng nghề thổ cẩm ở bản Xiềng.
Thế nhưng Hương Giang lại ước mong dự án không chỉ dừng lại ở học sinh dân tộc thiểu số ở Nghệ An mà muốn nhân rộng dự án này thành dự án “Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống cho tất cả các dân tộc thiểu số trên cả nước”.
Mong muốn làm điều này, em Lầu Nguyễn Hương Giang cho rằng ai cũng có ước mơ, niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Bởi thế, mỗi thành viên phải góp phần mình vào để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.