Chính phủ thống nhất việc phải có ngay giải pháp khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, đã chia sẻ:
“Tôi thấy hợp tác công tư PPP nó mới thấp thoáng ở đâu đó và rất là nhỏ lẻ, nó chưa đúng với ý nghĩa như trong Nghị quyết 35/NQ-CP, và trong Luật Giáo dục cũng đưa ra hình thức PPP.
Bản thân tôi cũng tham gia đóng góp xây dựng Luật Giáo dục và cũng rất kỳ vọng sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân nhưng cho đến nay việc hợp tác này còn nhiều vướng mắc, nhưng ở các nước thì họ lại làm được việc này vì nó thực sự rất minh bạch.
Các trường công thì đất là của nhà nước, nhà trường chỉ được giao quyền sử dụng nên việc định giá tài sản rất là khó, trong khi các nhà đầu tư tư nhân thì họ lại đòi hỏi chuyện đó, và chuyện này phải rất rõ ràng.
Nếu không sẽ dẫn đến chuyện tư nhân đổ tiền đầu tư vào, sau đó chỉ có quyền sử dụng nhưng không có quyền quyết định gì cả, vậy là chết rồi. Tư nhân thì họ không thể như thế được, họ phải rõ ràng trong chuyện sở hữu.
Vậy khả năng tốt nhất của hợp tác công tư PPP là rõ ràng việc chủ sở hữu của mảnh đất đó, nhưng việc này lại liên quan đến Luật tài sản công trên đất chứ chưa nói đến đất, phần đất thì liên quan đến Luật đất đai và cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa thừa nhận đất thuộc sở hữu nhà nước có thể chuyển giao cho tư nhân, kể cả là bán. Về mặt danh nghĩa là không hề có, không được phép".
Một phương thức PPP nữa là doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây trường 100% và sau đó nhà nước vận hành. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Cũng theo bà Huyền: "Điển hình các trường học dù là mầm non, phổ thông hay giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học…không thể nói rằng tôi được quyền nhận ô đất này và tôi tính ra tiền, điều đó là không có.
Bài học đó giống như trước đây chúng ta liên doanh với nước ngoài và cứ góp bằng đất, doanh nghiệp được quyền dùng 1/3 mảnh đất đó, nhưng dần dần về sau doanh nghiệp nước ngoài đoạt hết bằng cách tính lỗ kéo dài, nếu giải tán liên doanh đó thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ mua lại miếng đất đó với giá rất rẻ.
Nhưng quan điểm của tôi đối với giáo dục thì không thể như vậy được, không cho phép. Dân cư ở đây không có trường học, trong khi trường lại chuyển đổi sang tư thục và thậm chí sau tư thục một thời gian dài thì người ta lại chuyển mục đích sử dụng đất đó thành nhà ở thương mại, lúc đó sẽ tính sao? Khi mà đã trở thành sở hữu của họ thì họ có quyền.
Các trường tư thục đóng góp lớn, nhưng chịu nhiều thiệt thòi |
Vậy nên đối với giáo dục thì câu chuyện PPP nghe thì thấy hay, một số tổ chức quốc tế cố gắng thúc đẩy Việt Nam làm câu chuyện đó, nhưng thực chất họ không hiểu được bối cảnh phía sau, là đối với các cơ sở giáo dục kể cả công lập hay tư thục thì thực ra mảnh đất để xây trường đấy mới là điều quan trọng.
Tôi thấy hiện nay Singapore thì nhà nước họ cấp đất cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên mảnh đất đó, và nhà nước sẽ thuê lại.
Ví dụ mảnh đất nhà nước quy hoạch để xây Trường Đại học Quốc gia trên khu Hòa Lạc thì có thể học tập mô hình này của Singapore.
Nói về mô hình PPP thì nó có nhiều hình thức, ví dụ như tôi sang một trường đại học của Nhật Bản rất là đẹp, nhà nước họ đầu tư từ ban đầu và sau đó cho tư nhân thuê lại, tư nhân họ tự vận hành và có quy định sau bao nhiêu năm mới phải đóng thuế cho nhà nước, và trả tiền thuê cơ sở vật chất theo thời gian. Đó là một phương thức.
Có rất nhiều cách khác nhau nhưng tôi cho là phải có những quy định rất rõ ràng minh bạch với điều kiện rất cụ thể, chứ hiện nay Nghị định 35 hoặc kế hoạch của Bộ chúng ta đang như là kêu gọi lòng tốt, chứ những quy định đó chưa sống được trong cuộc sống. Chỉ kêu gọi lòng tốt thì không được”.