Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ 2 điều chỉnh lùi thời gian kết thúc năm học, thi quốc gia năm 2020 do dịch Covid-19 học sinh phải tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học.
Theo đó, Bộ Giáo dục điều chỉnh kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020. Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 8-11/8/2020.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Thời điểm này, rất nhiều vấn đề liên quan đến việc dạy và học được các chuyên gia nêu quan điểm cần thiết phải tính toán để có sự thay đổi phù hợp.
Trong đó, việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thành một kỳ thi quốc gia không? Việc lấy kết quả này làm cơ sở để xét tuyển đại học có phù hợp, một lần nữa được nhắc đến.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng không phải vì dịch Covid-19 học sinh phải nghỉ học thời gian dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải 2 lần thay đổi thời gian kết thúc năm học mà nên bỏ kỳ thi quốc gia. Bởi mục tiêu kỳ thi là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông thì như vậy có cần thiết?
Như hiện nay, kỳ thi đang gộp 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa là cơ sở để các trường đại học xét tuyển là Bộ Giáo dục đang "lo" thay việc tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học.
Rõ ràng, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã trao quyền tự chủ cho phép các trường đại học được tổ chức nhiều phương thức tuyển sinh nhằm chọn ra số lượng thí sinh phù hợp với tiêu chí của từng trường.
Các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập vì thế theo tôi Bộ nên mạnh dạn trả lại cho các trường tự lo”.
Tiến sĩ Chức nhấn mạnh: “Tôi đã nói nhiều lần rồi, Toán – Lý – Hóa của Đại học Bách khoa nó khác với Sư phạm, Thương Mại, Tổng hợp.
Mỗi trường đại học có yêu cầu đầu vào khác nhau, cách thức đào tạo khác nhau. Vì thế, họ có thể chủ động để ra các đề thi hoặc có phương thức tuyển sinh phù hợp. Bộ "lo" thay mãi có thể khiến các trường ngại thay đổi.
Nhìn từ các nước phát triển, những trường đại học lớn không tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả thi phổ thông”.
Ông cũng nhấn mạnh, nếu các trường tự tổ chức thi đề riêng, để đảm bảo chất lượng cũng như để kiểm soát đồng bộ được thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý chứ không thể để tự tung tự tác, các trường muốn làm đề thế nào cũng được.
Bởi nếu vậy sẽ quay lại thời kỳ trường đại học thành các lò luyện thi, ôn tủ.
“Để giải quyết tình trạng này, Bộ nên ở vai trò tập hợp các đề thi từ các trường cùng lĩnh vực đào tạo trong cả nước thành một ngân hàng đề thi.
Từ đó, Bộ chọn ra các đề thi phù hợp nhất làm đề thi chung cho khối ngành. Các đơn vị liên quan làm nghiêm túc, có sự giám sát của Bộ thì không thể lộ đề hay chuyện thầy ra đề thầy ôn thi như trước kia được”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phân tích.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, có nhiều cách để không làm cồng kềnh thành một kỳ thi quốc gia như đang triển khai từ trước đến nay, trả lại đúng chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý giáo dục chứ không phải tổ chức làm giáo dục.
“Dạy, học, thi cử là chức năng của các cơ sở giáo dục đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục và Đào tạo chức năng là nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về sự dạy học ở tất cả các địa phương, các cơ sở giáo dục.
Có làm như thế thì tinh thần tự chủ của các trường mới rõ. Nếu Bộ cứ ôm mãi các việc thi cử vào thì rất khó thoát ra để đúng vai là quản lý được.
Đợt dịch Covid-19 các chuyên gia luôn khuyến cáo là không nên tập trung đông người.
Dịp này chúng ta bàn đến nhiều chuyện trong giáo dục như tinh giản chương trình, bàn chuyện thúc đẩy học trực tuyến, công nhận kết quả đó thì cũng nên nghĩ xa, kỹ hơn để tính toán kỳ thi tốt nghiệp hợp lý hơn, không nên thành một kỳ thi quốc gia như hiện nay”, Tiến sĩ Chức nêu quan điểm.